(HNM) - Câu chuyện rùm beng dư luận mấy ngày qua xung quanh việc Công an tỉnh Hải Dương tạm giữ trái luật 2 tấn bạch tuộc và phải bồi thường cho người dân số tiền 650 triệu đồng được xem như kết thúc có hậu.
Nói như vậy là bởi đã từ lâu rồi, chúng ta vẫn quen với những vụ việc cơ quan chấp pháp làm sai, gây thiệt hại cho dân nhưng phải hiếm hoi lắm mới có chuyện họ nhận lỗi, chứ chưa nói đến bồi thường. Nhiều vụ việc, người dân mệt mỏi với khiếu nại, kiện tụng nhưng rút cuộc thiệt vẫn hoàn thiệt. Và dân gian đã đúc kết như một "chân lý" là chuyện "con kiến kiện củ khoai".
Vụ 2 tấn bạch tuộc được giải quyết nhanh chóng, hợp lý, hợp tình. Tuy vậy không phải đến đây là câu chuyện đã khép lại. Một vụ việc kết thúc nhưng lại mở ra nhiều vấn đề đang nguyên vẹn tính thời sự. Từ đây, câu chuyện đã không còn là việc riêng của những nông dân Cần Giờ hay Công an Hải Dương mà là câu chuyện "điển hình" của thái độ, cách ứng xử, ý thức chấp pháp của những người nắm quyền lực công.
Thật đáng khen cho tinh thần cầu thị, "dám" nhận trách nhiệm của Công an Hải Dương. Cũng thật đáng mừng khi cơ quan nhà nước đã vào cuộc và xử lý vụ việc nhanh chóng đến kinh ngạc như vậy cho người dân. Kết cục câu chuyện sẽ góp phần tạo nên sự tin tưởng về hiệu quả của sự ứng xử trong cuộc sống dân sự dựa vào luật pháp và lẽ phải.
Nhưng, dân gian vẫn nói "có rượu thưởng, cũng có cả rượu phạt"!
Một hành vi gây thiệt hại trong cuộc sống có thể được quy ra tiền, nhưng một sai sót của một nhân viên công vụ thì không đơn giản như vậy là xong. Thái độ của Công an Hải Dương thật đáng khen, song không vì thế mà đủ khỏa lấp những sai sót. Khi sự việc mới được phát giác, đại diện Phòng Cảnh sát môi trường tỉnh này đã khẳng định đoàn liên ngành gồm các chi cục: Thú y, Thủy sản, Quản lý thị trường, VS ATTP đã họp, "thống nhất" là cơ quan công an làm đúng quy định của pháp luật. Thế nên sẽ không có chuyện bồi thường. Như vậy, suýt nữa vụ việc cũng sẽ trở nên bình thường như bao vụ việc khác. Có lẽ, nếu những người dân liên quan không có chút kiến thức, nếu báo chí không mạnh mẽ lên tiếng và đặc biệt nếu không có chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công an thì e rằng những nông dân Cần Giờ sẽ khó lòng xoay chuyển tình thế.
Cầu thị rồi, nhưng cũng còn cần cả sự sòng phẳng, nghiêm túc. Đứng trước dân với tư cách là người thi hành công vụ thì không có chuyện đơn giản "sai" là "sửa", là "khắc phục hậu quả" mà còn phải chịu trách nhiệm công vụ theo pháp luật. Tức là sau đây phải làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân đến đâu để xử lý một cách nghiêm túc, để những "công bộc" có thể thấy được trách nhiệm của mình. Đồng thời, cũng cần có sự quyết liệt, giám sát việc xử lý, tránh tình trạng "đánh bùn sang ao".
Được biết, qua 3 năm thực hiện Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, số tiền trích từ ngân sách để bồi thường cho các sai sót công vụ là 23,5 tỷ đồng, đã tăng hơn so với trước. Tuy nhiên, dư luận chưa nghe nhiều đến việc nhân viên công vụ "móc tiền túi" bồi thường.
Thế nên, phải làm sao để "câu chuyện bạch tuộc" trở thành một bài học đối với những nhân viên công vụ, khiến họ phải thận trọng, nghiêm túc mỗi khi thực hiện chức trách. Và phải làm sao để người dân thấy rằng việc được bồi thường không chỉ là trách nhiệm mà còn là tinh thần cầu tiến, vì dân, mong muốn sửa sai của cán bộ, công chức.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.