Điểm đến

Hấp dẫn “Tết làng Việt”

Bài và ảnh: Linh Tâm 11/02/2024 - 07:42

Nhờ sự kiện “Tết làng Việt”, Đường Lâm đã thu hút sự quan tâm của nhiều du khách.

Vài năm gần đây, “Tết làng Việt” đã trở thành một sự kiện thường niên ở Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) với nhiều hoạt động hấp dẫn, thu hút sự tham gia của nhiều đại diện cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế cùng du khách trong và ngoài nước. Đối với họ, “Tết làng Việt” đã để lại những cảm xúc và ấn tượng đặc biệt, giúp họ thêm hiểu và yêu Việt Nam.

tet-lang-viet-1.jpg
Du khách nước ngoài trải nghiệm gói bánh chưng tại nhà cổ ở Đường Lâm.

"Phim trường" hấp dẫn

Đến Làng cổ Đường Lâm những ngày cuối tuần, đặc biệt như dịp diễn ra sự kiện “Tết làng Việt” mới thấy hết sức hấp dẫn của ngôi làng cổ nghìn tuổi. Khắp làng, đâu đâu cũng có vài nhóm người chờ tới lượt chụp ảnh check-in. “Hot” nhất vẫn là không gian Đoài Creative - nơi các bạn trẻ, thậm chí nhiều nhóm du khách trung niên cũng xúng xính áo dài, khăn quàng đủ màu và cành đào trên tay để có những bộ ảnh đượm không khí Tết đến, xuân về. Đoài Creative là một trong những điểm chụp ảnh ưa thích của nhiều du khách bởi nơi đây có những mảng tường đá ong, cấu kiện gỗ, cửa sổ bức bàn... được thiết kế tỉ mỉ, tinh tế; qua đó toát lên sự mộc mạc, hoài cổ và nét văn hóa đặc trưng của làng quê Bắc Bộ truyền thống.

Trên con đường làng khang trang, nhiều hộ dân đã tự thiết kế trước cửa nhà mình những gian hàng kiểu chợ quê truyền thống trang trí hoa đào, bánh chưng xanh, câu đối đỏ để bày bán các đặc sản nổi tiếng của Đường Lâm như bánh tẻ, chè lam, kẹo lạc... Ở một góc khác, các nghệ nhân làng hương Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa) đã sắp xếp những bó tăm hương được nhuộm nhiều màu sắc bắt mắt thành những bông hoa khổng lồ để du khách chụp ảnh. Đâu đâu cũng có thể mang lại những góc chụp đẹp và hợp “trend” (xu hướng) của giới trẻ.

Chị Bùi Thị Hồng Hà (quận Cầu Giấy) chia sẻ: “Nơi đây giống như một phim trường lớn đáp ứng nhu cầu tìm về với văn hóa truyền thống và lưu giữ những khoảnh khắc đẹp cho mỗi người. Không khí của “Tết làng Việt” khiến tôi cảm nhận trọn vẹn hương vị Tết truyền thống mà lâu nay vì quá bận bịu nên đã đánh mất cảm giác ấy”.

tet-lang-viet-2.jpg
Du khách chụp ảnh check-in tại không gian tái hiện Làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa).

Ấn tượng đẹp trong lòng khách quốc tế

Tại sân đình làng Mông Phụ - không gian trung tâm của làng Đường Lâm, trong tiếng nhạc dìu dặt của các loại hình âm nhạc truyền thống, nhiều du khách nước ngoài cũng xếp hàng chờ ông đồ cho chữ hay trải nghiệm làm kẹo lạc, gói bánh chưng với người dân. Số khác lại vây quanh mâm cỗ Tết, xem người dân bày biện những món ăn không thể thiếu trong ngày Tết như bánh chưng, thịt gà luộc, cá kho, xôi gấc...

Bên ngoài sân đình, các sinh viên người Nhật Bản xúng xính trong bộ áo dài Việt, say mê xem các nghệ nhân Đông Hồ in tranh giấy điệp trên bản khắc hay chăm chú nhìn theo những bàn tay thoăn thoắt khâu nón lá của nghệ nhân làng Chuông. Naoko Kazumi, một sinh viên người Nhật bày tỏ niềm vui và sự phấn khích khi được nghệ nhân tặng chiếc nón lá nhỏ xinh. Cô chia sẻ: “Từ lâu, hình ảnh về Việt Nam trong tôi luôn gắn với người phụ nữ tha thướt trong tà áo dài và đội nón lá. Được mặc trên người những trang phục truyền thống này, tôi đã hiểu vì sao người Việt Nam lại tự hào với trang phục của mình đến vậy”.

tet-lang-viet-3.jpg
Không gian Đoài Creative.
tet-lang-viet-4.jpg
Một gian hàng tự thiết kế của người dân mang đậm không khí Tết.

Chia sẻ cảm nghĩ sau khi được bà Phan Thị Tâm (thôn Mông Phụ) hướng dẫn cách gói bánh chưng trong không gian nhà cổ truyền thống, cô gái người Nga Kristina Kazan đang theo học khoa Việt Nam học và Tiếng Việt (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: “Lần đầu tiên được tự tay gói một chiếc bánh chưng với nhiều công đoạn phức tạp, tôi mới thấy phụ nữ Việt Nam rất khéo léo khi có thể chuẩn bị nhiều món ăn ngon cho ngày Tết. Tôi cũng rất thích không gian của ngôi nhà cổ này, nó giúp hoàn thiện những mảnh ghép về văn hóa và con người Việt Nam mà tôi đã tưởng tượng khi còn ở đất nước mình”.

Còn José Manuel Labrada González (quốc tịch Cuba, hiện cũng là sinh viên khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) thì bày tỏ tình yêu của mình với Việt Nam: “Tôi đến Hà Nội 1 năm trước bởi tôi rất yêu văn hóa, con người và ẩm thực nơi đây. Tình cảm đặc biệt này được hình thành bởi sự gắn bó giữa hai nước Việt Nam - Cuba luôn được bố mẹ tôi nhắc đến khi tôi còn nhỏ. Vì thế, tôi luôn ấp ủ mong ước được đến Việt Nam. Đến với “Tết làng Việt”, tôi cảm nhận được rằng, Tết luôn là điều thiêng liêng trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam. Sự sum họp của các gia đình khiến tôi nhớ những ngày đón năm mới cùng gia đình mình ở Cuba với những món ăn truyền thống độc đáo”.

tet-lang-viet-5.jpg
Đường Lâm được ví như phim trường cho du khách chụp ảnh.

Là sự kiện thường niên, “Tết làng Việt” đã trở thành dịp để du khách trong và ngoài nước tìm hiểu về văn hóa và Tết Việt truyền thống. Theo Trưởng ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm Nguyễn Đăng Thạo, mỗi sự kiện được tổ chức tại Đường Lâm đều cố gắng truyền tải những thông điệp ý nghĩa về văn hóa của ngôi làng cổ truyền thống nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung. Sự tham gia của du khách quốc tế là “cơ hội vàng” để phát triển du lịch tại Đường Lâm.

“Nhờ sự kiện “Tết làng Việt”, Đường Lâm đã thu hút sự quan tâm của nhiều du khách. Lượng khách quốc tế tăng hơn 20% so với giai đoạn trước, trong đó có nhiều vị khách quan trọng đến từ các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế uy tín. Họ chính là những vị “đại sứ du lịch” giúp truyền tải hình ảnh và khẳng định vị thế của Làng cổ Đường Lâm, qua đó góp phần đẩy mạnh phát triển du lịch ở làng, đồng thời giúp người dân có thêm sinh kế bền vững”.

Đây có lẽ là thông điệp ý nghĩa và quan trọng nhất trong việc bảo tồn, phát huy giá trị làng cổ gắn với du lịch, mà Đường Lâm là một điển hình để các nơi khác học tập.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hấp dẫn “Tết làng Việt”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.