(HNM) - Đầu tháng 1-2011, Luật Người khuyết tật (NKT) chính thức có hiệu lực với rất nhiều quy định có lợi cho NKT. Đó là sự nỗ lực và quyết tâm lớn của Đảng và Nhà nước trong việc hỗ trợ, giúp đỡ NKT hòa nhập với cộng đồng và xã hội. Khi Luật NKT bắt đầu đi vào cuộc sống, bên cạnh tâm trạng háo hức, kỳ vọng, nhiều NKT vẫn còn băn khoăn, trăn trở.
Vũ Anh Tú, một NKT sống ở Trung tâm Sống độc lập Hà Nội hồ hởi: "Thích nhất là Luật NKT khẳng định quyền của NKT, đó là: "Tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội", "Sống độc lập, hòa nhập cộng đồng". Chỉ bấy nhiêu từ thôi nhưng đánh dấu bước ngoặt về địa vị của NKT trong xã hội, không phải sống dựa, nhận trợ giúp từ thiện mà là "sống độc lập" bằng khả năng của mình trên cơ sở có sự hỗ trợ của Nhà nước và xã hội". Chị Nguyễn Thị Hương, ở huyện Thường Tín, Hà Nội nhận xét: "Luật NKT có hiệu lực, những NKT như chúng tôi có nhiều cơ hội được học tập, làm việc để chứng tỏ khả năng".
Luật là điểm tựa cho người khuyết tật sống vươn lên. |
Tuy rất kỳ vọng vào Luật NKT nhưng anh Tú và chị Hương vẫn còn trăn trở bởi trong khi các lĩnh vực việc làm, giáo dục, học nghề... Nhà nước đều có những chính sách hỗ trợ rất cụ thể đối với NKT thì với lĩnh vực dịch vụ cung cấp người hỗ trợ cá nhân cho NKT sống độc lập Nhà nước chưa có tín hiệu gì chứng tỏ sẽ vào cuộc. Ở Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan và các nước châu Âu, chính phủ đã hỗ trợ hoạt động của trung tâm sống độc lập và đưa dịch vụ này trở thành dịch vụ công. Nước ta đã có Trung tâm Sống độc lập Hà Nội hoạt động với sự tài trợ của quốc tế, nhưng các tổ chức nước ngoài luôn nhìn vào sự quan tâm của Nhà nước để có niềm tin tiếp tục hỗ trợ. Nếu thiếu sự hỗ trợ của Nhà nước thì nguồn tài trợ nước ngoài dành cho mô hình này không thể kéo dài. "Nhà nước nên có quy định về việc kiểm tra và cấp giấy xác nhận trình độ văn hóa cho NKT. Giờ đây, NKT có thể làm việc qua mạng, làm tại nhà hoặc gửi hồ sơ tham gia các cuộc thi, hội thảo, họ cần có chứng nhận trình độ văn hóa để nhà tuyển dụng và ban tổ chức biết về khả năng của họ, bố trí công việc phù hợp và tạo cơ hội cho họ tham gia nhiều hoạt động xã hội", anh Tú kiến nghị.
Về mặt xây dựng văn bản, Luật NKT và các chính sách liên quan đến NKT ở nước ta không kém các nước khác. Nhưng tới đây, những quy định trong luật liệu có đi vào đời sống hay không là điều NKT thực sự lo ngại. Chị Bùi Thị Hồng Nga, Chủ tịch Hội NKT Cần Thơ cho biết, hầu hết NKT trong hội chưa được hưởng trợ cấp xã hội. Trụ sở Sở LĐ-TB&XH Cần Thơ mới được xây dựng nhưng không có lối đi tiếp cận, bậc thềm không có tay vịn, khiến NKT rất ngại đến khi có việc cần. Sân bay Cần Thơ vừa khai trương năm ngoái nhưng không có thang nâng khiến NKT lên xuống máy bay vẫn phải bồng bế nhau.
Cũng theo chị Nga, việc làm đối với NKT luôn là vấn đề nan giải, nhưng luật quy định khuyến khích tuyển dụng NKT thì sẽ có rất nhiều doanh nghiệp "xù" trách nhiệm. NKT không có nghề, không qua đào tạo tìm việc làm đã khó, nhưng ở Cần Thơ, có rất nhiều sinh viên khuyết tật tốt nghiệp đại học cũng không tìm được việc làm do bị doanh nghiệp từ chối khiến các em rất "đau".
Vấn đề bảo hiểm y tế (BHYT) là một thách thức lớn đối với NKT khi luật có hiệu lực. Trong suốt quá trình soạn thảo, nhiều ý kiến đã đề nghị Nhà nước nên có chính sách BHYT cho tất cả NKT, không phân biệt khuyết tật nặng nhẹ, có thuộc hộ cận nghèo hay không. Nhưng cuối cùng luật quy định: "NKT được hưởng chính sách BHYT theo quy định của pháp luật về BHYT". Điều đó có nghĩa chỉ có NKT thuộc diện trợ cấp xã hội hằng tháng, NKT thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo mới được hưởng BHYT. Đa số NKT là nghèo, không có việc làm ổn định, lại hay bị bệnh nhưng tâm lý không có BHYT khiến họ sợ không dám đến bệnh viện.
Với những NKT phải chứng kiến nhiều sự kỳ thị, phân biệt đối xử của xã hội thì họ trông chờ luật như một điểm tựa để sống vươn lên. Anh Nguyễn Tôn Định, hội viên Hội NKT Cần Thơ tâm sự: "Ở nơi tôi sống, khi chờ xe buýt, vì tôi ngồi xe lăn, họ không cho lên. Tôi cảm thấy hụt hẫng, xa lạ với thế giới này”. Anh Định hào hứng: "Luật ra đời cho chúng tôi cái quyền làm người, đây là sự cổ vũ tinh thần rất lớn. Tôi tin rằng, sự bất công dần sẽ bị đẩy lùi, nhận thức về NKT trong xã hội sẽ thay đổi".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.