Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hanoi Metro thông tin về khoản chênh lệch thu chi trên 96 tỷ đồng từ tuyến Cát Linh – Hà Đông

Tuấn Lương| 12/06/2023 17:59

(HNMO) - Ngày 12-6, Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) Vũ Hồng Trường cho biết, kể từ ngày chính thức khai thác thương mại (ngày 6-11-2021) đến hết ngày 11-6-2023, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông đã vận hành được 583 ngày an toàn, vận chuyển được trên 13,7 triệu lượt hành khách. Đây là kịch bản tốt nhất về vận hành tuyến trong 2 năm đầu đã được thống nhất giữa Bộ Giao thông Vận tải và UBND thành phố Hà Nội.

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã vận hành được 583 ngày an toàn.

“Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông đi vào hoạt động đã làm thay đổi thói quen đi lại theo hướng chuyển dịch từ sử dụng phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện công cộng, đồng thời tạo dựng văn hóa giao thông văn minh, lịch sự. Theo kết quả điều tra khảo sát, trên 60% hành khách có xe máy và 18% có ô tô con nhưng vẫn sử dụng đường sắt đô thị để đi lại. Điều đáng mừng là văn hóa này đang từng bước lan tỏa sang các phương tiện công cộng khác ở Hà Nội”, ông Vũ Hồng Trường chia sẻ.

Lãnh đạo Hanoi Metro cũng làm rõ thông tin về khoản chênh lệch thu chi trên 96 tỷ đồng trong báo cáo tài chính năm 2022 của công ty, mà một số cơ quan thông tin đại chúng cho rằng đó là lợi nhuận.

Cụ thể, để khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng (xe buýt, đường sắt đô thị), Hà Nội áp dụng chính sách giá vé rẻ. Nguồn thu từ vé không thể đủ bù đắp chi phí nên UBND thành phố duy trì trợ giá từ ngân sách.

Nguồn thu năm 2022 của Hanoi Metro ngoài doanh thu từ vé đã có trợ giá của thành phố theo đơn giá tạm thời. Con số chênh lệch thu chi trong báo cáo tài chính của công ty trên 96 tỷ đồng chưa phải là lợi nhuận. Lý do chênh lệch trên 96 tỷ đồng là do định mức và đơn giá của thành phố để đặt hàng là tính bình quân cho cả một quá trình. Tuy nhiên, trong 2 năm đầu vận hành, đoàn tàu, trang thiết bị và hạ tầng còn mới nên các chi phí phát sinh chưa nhiều. Nhiều loại vật tư, phụ tùng sửa chữa đắt tiền do đơn vị bảo hành chi. Hết thời gian bảo hành, các chi phí này sẽ phát sinh và tăng dần. Chính vì vậy, theo kế hoạch tài chính năm 2023 của Hanoi Metro, dự kiến lợi nhuận còn thấp hơn lãi định mức trong đơn giá đặt hàng của thành phố.

Hanoi Metro đã báo cáo liên ngành thành phố về phương án xử lý chênh lệch thu chi trên 96 tỷ đồng năm 2022 trên cơ sở cân đối hợp lý nguồn để bảo đảm duy trì vận hành tuyến, bảo đảm quyền lợi cho hành khách và quyền lợi cho người lao động theo quy định.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hanoi Metro thông tin về khoản chênh lệch thu chi trên 96 tỷ đồng từ tuyến Cát Linh – Hà Đông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.