Hà Nội luôn thuộc nhóm tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước trong thực hiện chính sách, chăm lo cho người có công với cách mạng. Nhưng Trưởng ban chuyên trách Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thanh Bình cũng lưu ý cần đầu tư đồng bộ, hiện đại hóa các cơ sở chăm sóc, điều dưỡng, nuôi dưỡng người có công, đáp ứng nhu cầu thực tiễn và yêu cầu của thời kỳ hội nhập quốc tế.
Quan tâm thực hiện chính sách ưu đãi người có công
Là thành viên Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội đi viếng Nghĩa trang liệt sĩ Tân Biên (tỉnh Tây Ninh) và thường xuyên thực hiện công tác giám sát, khảo sát trong công tác lao động, người có công và xã hội, ông Nguyễn Thanh Bình đánh giá, Hà Nội luôn đặc biệt quan tâm chăm lo chu đáo việc thực hiện chính sách và chăm lo đời sống người có công, phong trào đền ơn đáp nghĩa. Đặc biệt, với vị thế là Thủ đô của cả nước, ngoài việc thực hiện theo quy định chung của Trung ương, Hà Nội luôn có các chính sách đặc thù, đi trước, thể hiện sự quan tâm của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đối với việc nâng cao đời sống nhân dân nói chung và người có công nói riêng.
Nổi bật là Hà Nội có những chính sách đặc thù về hỗ trợ người có công với cách mạng, nâng mức chi, mở rộng đối tượng thụ hưởng nhân các dịp lễ, Tết trong năm, đơn cử như Nghị quyết số 24/2022/NQ-HĐND ngày 8-12-2022 quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng thành phố Hà Nội; Nghị quyết số 25/2022/NQ-HĐND ngày 8-12-2022 quy định mức hỗ trợ kinh phí hoạt động hằng năm của đại diện các ban liên lạc tù chính trị thành phố Hà Nội và nội dung, mức quà tặng của thành phố tới các đối tượng nhân dịp Tết Nguyên đán; kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7, Ngày Quốc khánh 2-9, Ngày Quốc tế thiếu nhi và Tết Trung thu.
Thực vậy, tổng hợp số liệu 6 tháng đầu năm 2023 về công tác người có công của Hà Nội phần nào là minh chứng cho hiệu quả, chất lượng của hoạt động này. Cụ thể, tổng kinh phí 6 tháng đầu năm chi cho công tác ưu đãi người có công của thành phố là 1.061 tỷ đồng. Trong đó, thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời trợ cấp cho trên 81.000 người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng với số tiền 887,5 tỷ đồng; chi trả trợ cấp một lần 87 tỷ đồng; chi điều dưỡng người có công 45 tỷ đồng; điều chỉnh mức trợ cấp thờ cúng liệt sĩ đối với 29.870 trường hợp với kinh phí 41,8 tỷ đồng.
Hiện tại, Hà Nội tiếp tục tổ chức các hoạt động kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2023), kêu gọi vận động, ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” thành phố năm 2023; dự kiến tổ chức Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội tiếp tục đi dâng hương tại các nghĩa trang liệt sĩ thành phố, một số địa danh di tích lịch sử cách mạng, nghĩa trang liệt sĩ quốc gia có nhiều phần mộ liệt sĩ Hà Nội tại tỉnh Quảng Trị, Nghệ An.
Chú trọng đầu tư hiện đại hóa cơ sở vật chất
Thực hiện quy hoạch hệ thống cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn thành phố (sau khi Trung ương ban hành Quy hoạch tổng thể) là một trong các nhiệm vụ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đặt ra nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác người có công.
Trao đổi về vấn đề này với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Thanh Bình bày tỏ, Hà Nội đã làm rất tốt việc duy trì, tu bổ, sửa chữa, nâng cấp hằng năm đối với hệ thống cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy rất cần có sự đầu tư đồng bộ, hiện đại, nâng cao hiệu quả và công suất sử dụng các công trình này, nhất là khi đa phần công trình đều ở vị trí đẹp, có thể phát huy tối đa công năng sử dụng nếu được đầu tư hiện đại hóa xứng tầm.
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Đinh Hồng Phong nhận định, việc đầu tư hiện đại hóa hệ thống cơ sở vật chất, công trình phục vụ người có công là cần thiết, nhất là trong bối cảnh đa phần các công trìnhnày đều đượcsử dụng trước thời điểm Luật Phòng cháy, chữa cháy có hiệu lực. Cụ thể, các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công đều được xây dựng từ trước khi ban hành Luật Phòng cháy, chữa cháy số 27/2001/QH10 ngày 27-6-2001 nên còn tồn tại một số nội dung về phòng cháy, chữa cháy theo quy định, cần được UBND thành phố quan tâm, bố trí kinh phí để mua sắm trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy. Trong các dự án đầu tư, sửa chữa chống xuống cấp, có một số dự án liên quan lĩnh vực người có công, cụ thể như: Dự án Trung tâm Điều dưỡng người có công số 1 Hà Nội đang được triển khai; dự án Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin đã được phê duyệt chủ trương đầu tư…
Vẫn còn nhiều việc cần làm, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nhất là hệ thống chính trị tại cơ sở, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành, các lực lượng, các đoàn thể, tổ chức xã hội. Trước mắt, từ nay đến cuối năm 2023, Hà Nội tiếp tục phấn đấu 100% hộ gia đình chính sách người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú; 100% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công; 100% Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng.
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Đinh Hồng Phong nhấn mạnh yêu cầu phải thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả, bảo đảm công khai, minh bạch chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; rà soát, giải quyết hồ sơ tồn đọng đối với người có công với cách mạng theo hướng dẫn của các bộ, ngành trung ương. Đặc biệt, cần tập trung triển khai thực hiện tốt các hoạt động tri ân, thăm hỏi, tặng quà người có công và thân nhân nhân dịp Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7; đẩy mạnh phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", huy động nguồn lực của xã hội để chăm sóc người có công, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe cho người có công.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.