Xã hội

Hành trình ý nghĩa tri ân người có công

Mai Hoa 30/06/2023 - 06:34

Thực hiện Kế hoạch số 67/KH-UBND ngày 2-3-2023 của UBND thành phố Hà Nội về tổ chức các hoạt động kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2023), Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội đã đến dâng hương tại một số địa danh di tích lịch sử cách mạng, nghĩa trang liệt sĩ quốc gia có nhiều phần mộ liệt sĩ Hà Nội tại Hà Giang, Điện Biên, Tây Ninh, Kon Tum, Côn Đảo, Phú Quốc.

Qua mỗi hành trình, những người làm công tác người có công càng ý thức rõ trách nhiệm trong việc phát huy truyền thống “Đền ơn đáp nghĩa”, quan tâm gia đình thân nhân liệt sĩ, góp phần nhỏ tri ân sự cống hiến của các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập tự do của dân tộc.

Báo Hànộimới trân trọng giới thiệu đến bạn đọc loạt bài: “Hành trình ý nghĩa tri ân người có công”, góp phần làm rõ sự quan tâm, đầu tư và những chính sách đặc thù của Hà Nội trong công tác người có công.

doan-dai-bieu-thanh-pho-ha-.jpg
Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Tân Biên (tỉnh Tây Ninh).

Bài đầu: Sáng mãi đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”

Trên hành trình dâng hương, viếng nghĩa trang liệt sĩ tại Điện Biên, Hà Giang, Tây Ninh, Kon Tum, Phú Quốc, Côn Đảo, những người làm công tác người có công của Thủ đô càng ý thức rõ hơn trách nhiệm của một công việc đầy ý nghĩa: Thực hiện chính sách, chăm lo đời sống người có công và thân nhân, tri ân những người đã hy sinh vì hòa bình, độc lập, tự do của Tổ quốc.

Về với những mảnh đất cách mạng trung dũng, kiên cường

Trong tháng 6-2023, Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội đã có chuyến công tác tại tỉnh Tây Ninh (từ ngày 7 đến 9-6) và Kon Tum (từ ngày 21 đến 23-6). Trước đó, Đoàn đã đi thăm Đền thờ Liệt sĩ, 4 nghĩa trang liệt sĩ tại tỉnh Điện Biên; thăm Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên, viếng Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Cao điểm 468, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang; thăm các nghĩa trang liệt sĩ tại Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và nghĩa trang liệt sĩ tại Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Trên hành trình dâng hương, thắp hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ, nhiều hoạt động ý nghĩa đã được thực hiện.

Không chỉ ôn lại truyền thống lịch sử cách mạng, Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội còn thực hiện tặng quà cho trẻ em các hộ gia đình chính sách tại một số địa phương, tăng cường giao lưu, học hỏi kinh nghiệm với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác phối hợp giải quyết chính sách ưu đãi đối với người có công trên địa bàn thành phố.

Với các đại biểu quân đội tham gia các đoàn công tác, mỗi chuyến đi còn là dịp để về thăm chiến trường xưa, gặp lại đồng đội, cũng là cơ hội để đối soát thông tin liệt sĩ Hà Nội tại nghĩa trang liệt sĩ các tỉnh, thành phố, phối hợp tra cứu, phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính liệt sĩ còn thiếu thông tin.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về việc này, Thượng tá Nguyễn Đình Trung (Bộ Tư lệnh Thủ đô) cho biết: “Tham gia Đoàn đại biểu thành phố đi viếng Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên tại tỉnh Hà Giang, bản thân tôi được giao nhiệm vụ xác định, chuẩn hóa thông tin đối với 475 liệt sĩ Hà Nội đã hy sinh tại mặt trận Vị Xuyên, theo đề nghị của Ban Liên lạc mặt trận Vị Xuyên toàn quốc đối với Bộ Tư lệnh Thủ đô. Đây là công việc không dễ, nhưng tôi và đồng đội quyết tâm cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ, phấn đấu phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố và các đơn vị liên quan để hoàn thành việc chuẩn hóa thông tin”.

Còn ông Dương Đức Chiến (Hội Cựu chiến binh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) không giấu nổi niềm xúc động: “Bản thân tôi từng trực tiếp chiến đấu tại chiến trường những năm từ 1981 đến 1985 giúp nước bạn Campuchia, dù thời gian không dài, nhưng tôi luôn tự hào vì được góp sức xây dựng hòa bình ngày nay. Tôi thấy công tác tri ân người có công ngày càng được thực hiện tốt hơn, nâng cao cả về chế độ chính sách và sự quan tâm, động viên về tinh thần cho người có công và thân nhân”.

Là Trưởng đoàn của Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội đi viếng tại Nghĩa trang liệt sĩ các tỉnh Tây Ninh, Hà Giang, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Đinh Hồng Phong chia sẻ: "Về với những mảnh đất có bề dày lịch sử đấu tranh cách mạng trung dũng, kiên cường, cùng cả nước đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, những người làm công tác thực hiện chính sách và chăm lo cho người có công càng ý thức rõ trách nhiệm trong việc phát huy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, truyền thống “Đền ơn đáp nghĩa”, quan tâm gia đình thân nhân liệt sĩ, góp phần nhỏ tri ân sự cống hiến của các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập tự do của dân tộc.

Chúng ta có rất nhiều việc phải làm, đơn cử như tại Nghĩa trang liệt sĩ Tân Biên (tỉnh Tây Ninh), nơi an táng của hơn 14.500 phần mộ liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, trong đó có tới gần 7.000 mộ chưa có thông tin...”.

Tiếp tục có những hành động thiết thực

HĐND thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 24/2022/NQ-HĐND ngày 8-12-2022 quy định một số chính sách đặc thù đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng của thành phố Hà Nội và Nghị quyết số 25/2022/NQ-HĐND ngày 8-12-2022 quy định mức hỗ trợ kinh phí hoạt động hằng năm của đại diện các ban liên lạc tù chính trị thành phố Hà Nội và nội dung, mức tặng quà của thành phố tới các đối tượng nhân dịp Tết Nguyên đán; kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7. Theo đó, hầu hết các nội dung liên quan đến công tác người có công của Thủ đô đều được nâng lên một mức đáng kể so với mặt bằng chung, khẳng định sự quan tâm đặc biệt của thành phố đối với công tác tri ân, uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa.

Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Thủ đô luôn chú trọng nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, tiếp tục đẩy mạnh tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính liệt sĩ, làm tốt hơn nữa công tác tu bổ, tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ. Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đinh Hồng Phong nhấn mạnh, Hà Nội sẽ tiếp tục có những hành động thiết thực, nâng cao hiệu quả và đưa các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng" trở thành hoạt động thường xuyên trong mọi mặt đời sống xã hội.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hành trình ý nghĩa tri ân người có công

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.