Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hành trình sụp đổ của đế chế bán lẻ "lớn nhất thế giới" một thời

Theo Zing| 16/10/2018 16:28

Sears vừa đệ đơn xin phá sản, đánh dấu sự sụp đổ của đế chế bán lẻ từng lớn nhất thế giới và đã thay đổi cách sống, mua sắm của cả nước Mỹ vào thế kỷ trước.


Sears khởi nguồn là một công ty bán đồng hồ, trang sức bằng catalog đặt hàng qua thư vào năm 1886. Công ty này sau đó trở thành hãng bán hàng qua catalog lớn nhất tại Mỹ khi mở rộng bán nhiều mặt hàng khác.


Vào những năm 1920, xu hướng mua hàng qua catalog bắt đầu suy giảm, Sears thích nghi với thời thế bằng việc mở các cửa hàng. Theo Investopedia, doanh số tại các cửa hàng của hãng vượt doanh số từ bán hàng qua catalog vào năm 1931.


Sears sau đó mở rộng cung cấp dịch vụ tài chính, cho ra đời mảng bảo hiểm với Allstate và thâu tóm nhiều hãng môi giới tài chính. Hãng này cũng bắt đầu ra mắt các thương hiệu riêng như Craftsman, DieHard, và Kenmore.


Vào những năm 1970, Sears bất đầu mất đi quyền lực thống trị trong ngành bán lẻ khi các cửa hàng giá rẻ như Target, Kmart, và Walmart giành thị phần. Tới năm 191, Walmart vượt Sears trở thành hãng bán lẻ lớn nhất tại Mỹ.


Vào những năm 1990, Sears bắt đầu đóng cửa các công ty kinh doanh bảo hiểm và tài chính của mình, đồng thời khai tử hoạt động bán hàng qua catalog.


Năm 2003, Sears bán công ty thẻ tín dụng của mình cho Citigroup để tập trung hoàn toàn vào mảng bán lẻ. Mảng thẻ tín dụng khi đó vượt qua cả mảng bán lẻ cốt lõi và chiếm tới 60% lợi nhuận hàng năm của Sears.


Tuy vậy, đế chế bán lẻ này vẫn tiếp tục hứng chịu nhiều áp lực lớn khi người tiêu dùng bắt đầu có xu hướng mua sắm trực tuyến và Sears đã không thích nghi kịp. Năm 2004, Sears sáp nhập với chuỗi bán lẻ giá rẻ Kmart. Người đứng sau thương vụ này là Eddie Lampert - khi đó là chủ tịch của Kmart với 50% cổ phần thông qua quỹ đầu cơ ESL Investments của ông.


Khi đó, Lampert cũng là cổ đông lớn nhất của Sears với 15% cổ phần. Sau đó, ông trở thành chủ tịch của Sears Holdings - công ty được hình thành sau khi sáp nhập Sears và Kmart. Vào năm 2004, Business Week từng dự báo Lampert sẽ trở thành huyền thoại Warren Buffett tiếp theo. Năm đầu tiên sau khi sáp nhập, doanh thu của Sears Holdings tăng, nhưng lại sụt mạnh trong 9 năm tiếp đó.


Năm 2013, Lampert trở thành CEO của Sears Holdings. Doanh thu của công ty đã giảm từ 36,2 tỷ USD năm 2003 xuống 25,1 tỷ USD vào năm 2015. Năm 2016, tờ 24/7 Wallst đưa ra xếp hạng trong đó Lampert là CEO bị ghét nhất tại Mỹ dựa trên đánh giá mức độ hài lòng của nhân viên từ Glassdoor.


Khi doanh thu tiếp tục sụt giảm, Sears bắt đầu đóng các cửa hàng, bán đi nhiều bất động sản và thương hiệu. Lampert cho rằng có thể vực dậy công ty bằng việc cắt giảm chi phí và bán đi các toà nhà nơi có những cửa hàng hoạt động kém hiệu quả.


Trong các cuộc phỏng vấn với Business Insider vào năm 2016, nhân viên của Sears chỉ trích Lampert, cho rằng ông là nguyên nhân dẫn đến sự suy sụp của công ty. Họ cho rằng ông hiếm khi dành thời gian tại trụ sở công ty mà điều hành tại một văn phòng từ xa.


Lampert cũng bị chỉ trích vì dừng đầu tư vào bảo trì và nâng cấp các cửa hàng. "Ông ấy từ chối chi tiều để nâng cấp các cửa hàng", một cựu phó chủ tịch của Sears cho biết. Các cửa hàng Sears và Kmart rơi vào tình trạng thiếu nhân viên trầm trọng, một số hoạt động với một nửa lượng nhân viên cần thiết.


Cơ sở vật chất tại cửa hàng xuống cấp nghiêm trọng.

Thậm chí một số cửa hàng còn hở cả trần.

Tình trạng trên khiến nhiều nhà cung cấp bắt đầu hủy hợp đồng...

... các cửa hàng trở nên trống trải như thế này.


Nhiều quản lý cấp cao cũng lần lượt rời bỏ công ty. "Nhiều người rời công ty không chỉ vì con tàu này sắp chìm mà còn bởi thuyền trưởng liên tục gào vào mặt họ, đổ lỗi cho họ và nói rằng mọi thứ là lỗi của họ", một cựu chủ tịch Sears nói với Business Insider trong một cuộc phỏng vấn năm 2016.


Theo dữ liệu của công ty, từ năm 2013 đến tháng 10-2018, số lượng cửa hàng của Sears giảm từ 1980 xuống chỉ còn 687.


Lampert tiếp tục duy trì công ty bằng các khoản nợ hàng tỷ USD từ quỹ đầu cơ của ông - ESL Investments.


Rạng sáng 15-10, Sears công bố đã đệ đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11 Luật Phá sản Mỹ và sẽ đóng 142 cửa hàng nữa vào cuối năm nay. Lampert cũng từ chức CEO nhưng vẫn là chủ tịch hội đồng quản trị công ty. Các cửa hàng còn lại sẽ tiếp tục hoạt động vào mùa nghỉ lễ tới.


Một điểm đáng quan tâm là vào năm 2005, nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett từng dự báo đế chế Sears và Lampert sẽ sớm sụp đổ và điều đó đã trở thành sự thật. "Eddie là một người rất thông minh nhưng việc sáp nhập Kmart và Sears là thiếu khôn ngoan", Buffett nói trong một buổi trò chuyện tại Đại học Kansas 13 năm trước, "Vực dậy một hãng bán lẻ đã trượt dài quá lâu là điều vô cùng khó".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hành trình sụp đổ của đế chế bán lẻ "lớn nhất thế giới" một thời

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.