(HNM) - Cuộc chiến 81 ngày đêm dưới chân Thành cổ và Chiến dịch phòng ngự Quảng Trị (năm 1972) là chiến dịch kéo dài nhất, ác liệt nhất, mật độ bom đạn cao nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Hàng vạn chiến sỹ anh dũng chiến đấu để giữ vững từng tấc đất của vùng giải phóng đã vĩnh viễn nằm lại mảnh đất này.
Nhiều người trong số họ đến nay vẫn chưa tìm thấy mộ. Với suy nghĩ trở về chiến trường xưa tìm hài cốt đồng đội là cách làm hiệu quả nhất trong việc tìm mộ liệt sỹ nên chương trình "Về chiến trường xưa - tri ân đồng đội" của các CCB từng chiến đấu tại Quảng Trị đã ra đời.
Thắp hương tri ân đồng đội tại Nghĩa trang quốc gia Trường Sơn. Ảnh: Minh Hải |
Nhà báo, CCB Trịnh Duy Sơn, Phó ban tổ chức (BTC) chương trình "Về chiến trường xưa - tri ân đồng đội" chia sẻ: "Sự khốc liệt của chiến tranh không chỉ ở chỗ có quá nhiều người hy sinh, mà các anh ngã xuống và được đồng đội mai táng tại nơi nào. Đây chính là khó khăn không nhỏ trong công tác tìm kiếm và quy tập mộ liệt sỹ thời gian qua. Xác định tìm kiếm thi hài đồng đội không chỉ là nghĩa vụ, trách nhiệm mà còn là ân tình sâu nặng của người còn sống đối với người đã chết nên từ đầu năm đến nay, BTC chương trình "Về chiến trường xưa - tri ân đồng đội" đã 4 lần tổ chức cho những CCB đã từng trực tiếp chôn đồng đội về lại Quảng Trị". Được sự giúp đỡ của UBND xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị, các CCB đã tìm thấy được 17 hài cốt liệt sỹ. Những địa danh như làng Nhan Biều, Thượng Phước, Như Lệ, đồi Cháy, đồi Ông Kiểng, Đá Đứng, động Ông Gio, động Ông Tiên, Khe Trai, điểm cao 134, 164… một thời từng là chiến trường ác liệt thì nay đang trở thành "địa chỉ đỏ" trong việc tìm kiếm mộ liệt sỹ. CCB Dương Văn Hà, nguyên chiến sỹ của Sư đoàn 325 cho biết: "Trở lại Quảng Trị đầu năm nay để cùng đồng đội tìm kiếm mộ liệt sỹ, tôi đã tìm ra ngôi mộ đồng đội mà ngày trước chính tay tôi chôn. Trước khi hy sinh, anh chỉ kịp cho tôi biết vài dòng thông tin rất ngắn gọn: tên Hào, quê Hải Hưng, đơn vị anh từ Lào sang. Anh hy sinh ngày 31-12-1972. Ngôi mộ anh hiện vẫn đang nằm tại làng Như Lệ, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị. Tôi hy vọng gia đình anh đọc được thông tin này và liên lạc với tôi để đưa anh về "sum họp". Còn với CCB Ngô Duy Lâm, nguyên chiến sỹ Sư đoàn 235, từ đầu năm đến nay ông đã cùng vợ đi vào Quảng Trị nhiều lần, vừa thăm lại chiến trường xưa, vừa để tìm mộ đồng đội. Ông đã cùng đồng đội đưa được 5 hài cốt đồng đội về quê Hải Dương trong sự vui mừng khôn xiết của gia đình các liệt sỹ.
Đã từng cùng đồng đội đi tìm nhiều ngôi mộ liệt sỹ tại Quảng Trị nhưng chuyến đi gần đây nhất vào cuối tháng 5 tại làng Như Lệ, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị đã để lại trong CCB Nguyễn Nhật Thanh, nguyên chiến sỹ Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 165, Sư đoàn 312 nhiều ấn tượng nhất. Nhờ sự giúp đỡ của chính quyền và nhân dân xã Hải Lệ, ông và đồng đội đã tìm được một ngôi mộ tập thể có 9 hài cốt, trong đó có 1 hài cốt nữ. Ông kể: "Quá trình khai quật để đưa các liệt sỹ về Nghĩa trang thị xã Quảng Trị, chúng tôi đã phát hiện được rất nhiều hiện vật như dép, giày, túi phòng hóa, băng đạn, bát sắt… Tuy nhiên, hiện vật để lại nhiều ấn tượng trong tôi nhất là bìa của một cuốn sổ tay màu đỏ, một mặt vẫn còn nguyên chữ ký, mặt kia in dòng chữ "Học tập và làm theo di chúc Hồ Chủ tịch". Tên tuổi và địa chỉ của các liệt sỹ vẫn chưa được xác định, tuy nhiên với những hiện vật tìm được, chúng tôi khẳng định đây là mộ của các chiến sỹ thuộc Sư đoàn 312. Ngôi mộ này trước đây là hầm trú ẩn bị bom đánh sập. Cách ngôi mộ tập thể đó khoảng 100m, các CCB còn tìm thấy một hài cốt nam nhưng chưa xác định được danh tính. Hiện vật tìm thấy là chiếc khăn mùi xoa có thêu hai chữ Hồng Dân. Hài cốt liệt sỹ sau đó được quy tập về Nghĩa trang thị xã Quảng Trị…
Trong khả năng của mình, các CCB tham gia chương trình "Về chiến trường xưa - tri ân đồng đội" đang nắm vị trí khai quật khoảng 50 hài cốt liệt sỹ tại thị xã Quảng Trị chưa được quy tập. "Việc cần làm thì vẫn còn nhiều nhưng khả năng tài chính lại có hạn nên hành trình tìm kiếm mộ đồng đội của chúng tôi còn rất gian nan", CCB Nguyễn Nhật Thanh chia sẻ. Chuẩn bị kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh, liệt sỹ, BTC chương trình đang tích cực vận động để đưa 50 CCB và thân nhân liệt sỹ chưa tìm thấy mộ đồng đội và thân nhân về Thành cổ để tìm mộ và tổ chức các hoạt động tri ân đồng đội.
Vượt lên trên những khó khăn như tuổi cao, sức yếu, kinh phí eo hẹp…, các CCB vẫn không quản ngại gian khó, và việc làm nghĩa tình của họ đã thắp lên ngọn lửa hy vọng giúp những người thân tìm lại được người thân...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.