Gần 25 năm lai tạo lúa, kỹ sư Hồ Quang Cua cùng hai cộng sự đã làm rạng danh ngành Nông nghiệp Việt Nam khi giống ST25 được công nhận gạo ngon nhất thế giới.
Ngày 15-11, Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua một mình chạy xe máy từ huyện Mỹ Xuyên đến TP Sóc Trăng để báo cáo lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng việc được trao giải Gạo ngon thế giới.
Trong ba lô là chiếc cúp thủy tinh mang tên "World's Best Rice" được bọc cẩn thận bằng vải mềm mà ông Cua vừa mang về từ Hội nghị quốc tế lần thứ 11 về thương mại gạo tổ chức ở Manila (Philippines).
Phát hiện tình cờ
Ông Cua kể công trình lúa thơm ST bắt đầu một cách tình cờ khi ông đi thăm đồng vào một buổi sáng mùa đông 1996. Khi đó, ông Cua phát hiện những cây lúa lạ, gốc màu tím, hạt thon dài rất đẹp khi quan sát giống VD20.
Lúc này, Thái Lan công bố việc lai tạo được hai giống lúa thơm không cảm quang mà họ gọi là hạt vàng nên ông nghĩ tại sao họ làm được còn Việt Nam lại không. Vậy là vị kỹ sư nông nghiệp nghĩ đến giống lúa thơm và từ những cá thể VD20 đột biến đầu tiên, một công trình lai tạo, nhân giống với hàng loạt giống lúa thơm mang tên ST được ra đời.
"Sự phát hiện này tình cờ nhưng rất có ý nghĩa đối với công tác lai tạo, nhân giống lúa thơm của Sóc Trăng. Có khoảng 1.050 cá thể đột biến đầu tiên được chúng tôi thu thập và sau đó tiến hành trồng thử nghiệm rồi cho lai tạo theo nhiều cách khác nhau để chọn những cá thể vượt trội nhất", ông Cua nhớ lại.
Việc lai tạo lúc đầu không đơn giản vì thiếu nhiều thiết bị, dụng cụ hỗ trợ. Tiêu chuẩn về giống lúa thơm của Việt Nam lúc đó chưa có nên ông Cua "mượn tạm" tiêu chí lúa thơm BE.2541 của Thái Lan để thực hiện.
Năm 2003, cựu Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng có thêm hai cộng sự là Tiến sĩ Trần Tấn Phương và kỹ sư Nguyễn Thị Thu Hương. Ông Phương sau đó phát minh ra phương pháp đánh giá mùi thơm rất nhanh, hiệu quả. Thông qua tiêu chí mùi thơm, nhóm nhà khoa học loại được những giống lúa không đạt chuẩn.
Hai năm trước, gạo ST24 của Sóc Trăng vào top 3 "Gạo ngon nhất thế giới" tại Hội nghị quốc tế lần thứ 9 về thương mại gạo tổ chức tại Macau (Trung Quốc).
Đến với hội nghị lần thứ 11 này, ông Cua và các cộng sự mang theo gạo ST24 và ST25. Cả hai loại gạo này cùng lọt vào tốp đầu thế giới nhưng ban giám khảo chọn ST25 để trao giải nhất.
"Đến với hội thi này chúng tôi nộp 2 túi gạo, mỗi túi 2 kg kèm bảng mô tả 200 chữ. Trong đó có ghi tỷ lệ nước, gạo bao nhiêu là phù hợp để nấu cơm ngon. Ban giám khảo là những đầu bếp chuyên nghiệp, đẳng cấp trên thế giới. Ngoài yếu tố chất lượng, ban giám khảo còn cho điểm hình thức", ông Cua chia sẻ.
Vị cha đẻ của "Gạo ngon nhất thế giới" tỏ ra tự hào với kết quả mang về từ Philippines. Theo ông Cua, đây là thành tích tập thể như "quân thần tá xứ" trong thang thuốc đông y chứ không phải của riêng ai. Trong đó, vai trò của Tiến sĩ Phương và kỹ sư Hương rất quan trọng, kết hợp cùng kinh nghiệm của kỹ sư Cua.
Sản xuất lúa thơm từ chế phẩm sinh học
Kiệt sức sau nhiều ngày ở Philippines, ông Cua không trò chuyện được nhiều. Ông nói rằng hạt gạo Gò Công (Tiền Giang) và gạo Bãi Xào (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) nổi tiếng ở thị trường châu Âu và Hương Cảng của Hồng Kông trên trăm năm trước. Tám mươi năm sau đó, giống lúa KDM trồng ở vùng nước lợ ven biển đã thu hút rất nhiều thương lái đến với Sóc Trăng.
Vì vậy, sau khi thu thập được tương đối đủ giống bố mẹ vào cuối năm 2002, ông Cua với các cộng sự vừa lai chọn vừa rút kinh nghiệm để xây dựng các tổ hợp lai mới. Giống bố mẹ được các nhà khoa học thu thập từ Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI), Bangladesh, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc) và Bắc Bộ...".
Lai phức hợp để cho ra dòng ổn định cần thời gian dài hơn lai đơn, thường là 11-12 vụ lúa. Quy mô khu chọn giống cũng rất rộng vì các con lai phân ly rất mạnh và kéo dài. Cuối cùng sẽ có nhiều dòng đạt chất lượng theo mục tiêu đề ra. Gạo ST24 và ST25 là lai phức hợp nhiều giống, chọn bố mẹ ngon để cho con lai thụ hưởng các đặc tính tốt", vị Anh hùng Lao động phân tích.
Gạo của hai giống lúa này có chu kỳ sản xuất ngắn với 95 ngày. Hai giống lúa như anh em sinh đôi, cùng thơm, trắng, đẹp nhưng ST25 hạt cơm dẻ hơn ST24. Hiện, giá gạo ST24 trên thị trường dao động 18.500-25.000 đồng mỗi kg, còn gạo ST25 ông Cua với các nhà khoa học vừa khảo nghiệm xong, đang trong giai đoạn thăm dò nên chưa xuất hiện ngoài thị trường.
Không chỉ nghiên cứu lai tạo, nhân giống và quảng bá thương hiệu, kỹ sư Hồ Quang Cua còn tiên phong trong việc đưa chế phẩm sinh học vào quy trình sản xuất lúa thơm ST để sản phẩm không chỉ ngon mà còn an toàn cho người tiêu dùng và thân thiện với môi trường. Ông Cua đã làm sống lại mô hình “con tôm ôm cây lúa” trên những vùng đất nuôi tôm kém hiệu quả tại Sóc Trăng.
Tiến sĩ Phương nói rằng sẽ tiếp tục duy trì vị thế hiện tại của gạo ST và đây là ưu tiên hàng đầu. Nhóm nghiên cứu của ông sẽ tiếp tục lai tạo, phát triển ra những giống mới nhằm đa dạng cho thị trường.
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Chuyện đánh giá giải thưởng Gạo ngon nhất thế giới là thành quả ghi nhận quá trình nghiên cứu đầy tâm huyết của ông Cua và cộng sự. Thành quả này đóng góp rất lớn cho việc xây dựng thương hiệu gạo của Sóc Trăng và gạo Việt Nam trên thương trường quốc tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.