Nông nghiệp

Thanh Oai: Đất sinh lời cao nhờ giống lúa tốt

Nguyễn Mai 06/06/2024 - 17:55

Trồng lúa japonica (J02) và lúa chất lượng cao đã mang lại giá trị kinh tế cao hơn cho người dân, từ đó hạn chế việc bỏ ruộng hoang. Thời gian tới, Hà Nội tiếp tục nhân rộng diện tích trồng lúa chất lượng cao, gắn với liên kết cùng doanh nghiệp trong chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Đó là thông tin tại hội nghị đánh giá kết quả sản xuất lúa J02 và lúa chất lượng cao hàng hóa theo tiêu chuẩn xuất khẩu vụ xuân năm 2024, do Sở NN&PTNT tổ chức ngày 6-6 tại huyện Thanh Oai.

lua-1.jpg
Cánh đồng trồng lúa J02 và lúa chất lượng cao vụ xuân 2024 trên địa bàn huyện Thanh Oai. Ảnh: Hoàng Sơn.

Làm lúa có lãi, dân không bỏ ruộng

Vụ xuân 2024, nhiều gia đình ở xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai chuyển sang trồng giống lúa mới J02. Sau khoảng 4 tháng chăm sóc, lúa J02 tại xứ đồng Thỏng, Lợ, Cầu Lều (thôn Tiên Lữ, xã Dân Hòa) bắt đầu ngả sang màu vàng, trĩu bông, báo hiệu bội thu.

Ông Nguyễn Văn Sự, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Dân Hòa cho biết, vụ xuân 2024, Hợp tác xã trồng 30ha lúa J02. Mô hình được Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội hỗ trợ giống và phân bón, hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc. Kết quả cho thấy lúa J02 có sức chống chịu sâu bệnh tốt, năng suất cao. Hợp tác xã đã gặt và thống kê, năng suất đạt 66 tạ/ha; sản lượng dự kiến thu trên diện tích 30ha đạt 198 tấn. Sau khi trừ chi phí, J02 cho thu 31 triệu đồng/ha/vụ.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển, huyện có hơn 6.000ha lúa, trong đó quy hoạch hơn 5.500ha trồng lúa chất lượng cao. Đến nay, huyện có 7-8 vùng trồng lúa J02 và lúa chất lượng cao với diện tích khoảng 2.000ha ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Mô hình mang lại giá trị kinh tế cao, mang đến niềm vui cho nhiều hộ dân, hạn chế tình trạng người dân bỏ ruộng hoang.

lua-2.jpeg
Lúa J02 cho chất lượng gạo ngon, bán được giá cao hơn so với các giống lúa truyền thống. Ảnh: Minh Phú.

Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa, vụ xuân 2024, Sở NN&PTNT đã xây dựng 17 mô hình sản xuất lúa J02 và lúa chất lượng cao tại 16 xã thuộc 8 huyện: Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Chương Mỹ, Thạch Thất, Sóc Sơn, Mê Linh, Phú Xuyên, tổng diện tích 650/1.300ha (đạt 50% kế hoạch diện tích năm 2024).

Riêng với lúa J02, sau khi trừ chi phí giống, phân bón và nhân công, đạt hơn 32,74 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn giống Khang dân 19 (27,9 triệu đồng/ha/vụ) và giống Bắc thơm số 7 (17,4 triệu đồng/ha/vụ)…Đối với các giống lúa chất lượng cao như: Đài thơm 8, TBR 225, HD11 đạt 17,4 đến 23,9 triệu đồng/ha/vụ.

Tại hội nghị đánh giá kết quả sản xuất lúa J02 và lúa chất lượng cao hàng hóa theo tiêu chuẩn xuất khẩu vụ xuân năm 2024 do Sở NN&PTNT tổ chức ngày 6-6, TS Đoàn Xuân Cảnh, Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực, cây thực phẩm (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) cho biết: Với giống lúa chất lượng cao, người dân bán được 11-12 nghìn đồng/kg thóc khô, trong khi đó, giống lúa thường chỉ bán được 8 nghìn đồng/kg thóc khô (chênh lệnh 4-5 nghìn đồng). So sánh đối chứng với lúa thường, J02 có hiệu quả kinh tế cao hơn 40-50 triệu đồng/ha/năm. Thanh Oai có hơn 6.000ha lúa. Nếu cấy 50% lúa chất lượng cao thì mỗi năm nông dân có thêm lợi nhuận trên 200 tỷ đồng so với lúa thường.

lua-3.jpeg
Viện nghiên cứu Phát triển tiêu chuẩn chất lượng (Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) trao Giấy chứng nhận sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP cho Hợp tác xã nông nghiệp Dân Hòa (huyện Thanh Oai). Ảnh: Minh Phú.

Kỳ vọng nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo

Cùng với việc mở rộng diện tích lúa J02 và lúa chất lượng cao, sản xuất lúa gạo ở Hà Nội đã hình thành được các chuỗi liên kết mang lại nhiều lợi ích.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển, huyện phối hợp với Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội xây dựng được 1 chuỗi liên kết tiêu thụ lúa gạo tại xã Tam Hưng; xây dựng nhãn hiệu gạo Bồ Nâu xã Thanh Văn; xác lập 1 nhãn hiệu tập thể gạo chất lượng cao Bình Minh… Từ đó đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, giúp nông dân sản xuất bền vững. Tới đây, huyện sẽ tăng diện tích trồng lúa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, coi đây là mục tiêu quan trọng để huyện phát triển nông nghiệp hàng hóa, chất lượng cao.

Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Giám đốc Kinh doanh Công ty cổ phần Giống vật tư nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam (phường Văn Phú, Việt Trì, Phú Thọ) cho biết: Tại Hà Nội, Công ty đang cung ứng các giống cây trồng, trong đó có lúa J02 và QR15. Vụ xuân 2024, Công ty liên kết với nông dân các huyện: Sóc Sơn, Thanh Oai, Ba Vì, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Chương Mỹ sản xuất lúa J02. Công ty cử cán bộ kỹ thuật chuyển giao quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch cho người dân. Đến vụ thu hoạch, Công ty thu mua lúa tươi ngay tại ruộng với giá 8.500 đồng/kg.

Tương tự, ông Lê Bá Triều, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn (Thanh Hóa) cho biết: Ngoài lĩnh vực mía đường, khoảng 5 năm nay, Công ty đã liên kết với người dân để trồng lúa với diện tích 4.000-5.000ha, chủ yếu tại Thanh Hóa. Từ năm 2023, doanh nghiệp đã hợp tác liên kết thêm với 2 huyện Thanh Oai và Ứng Hòa của Hà Nội để sản xuất lúa.

lua-4.jpeg
Ký kết tiêu thụ sản phẩm lúa J02 và lúa chất lượng cao hàng hóa theo tiêu chuẩn xuất khẩu với các doanh nghiệp thu mua lúa gạo trong và ngoài thành phố. Ảnh: Minh Phú.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương, Hà Nội kỳ vọng có những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của Thủ đô, khác các tỉnh, thành phố trên cả nước. Lãnh đạo thành phố giao Sở phối hợp với Học Viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cùng các nhà khoa học nghiên cứu chọn tạo ra giống lúa riêng của Thủ đô có chất lượng cao, chống béo phì, tăng protein… Trước mắt, ngành Nông nghiệp chỉ đạo các đơn vị cùng các huyện, thị xã tập huấn, chuyển giao kiến thức về sản xuất nông nghiệp cho nông dân.

Tại hội nghị, đại diện Viện nghiên cứu Phát triển tiêu chuẩn chất lượng (Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) trao Giấy chứng nhận sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP cho Hợp tác nông nghiệp Dân Hòa.

Cũng tại hội nghị, diễn ra lễ ký kết tiêu thụ sản phẩm lúa J02 và lúa chất lượng cao hàng hóa theo tiêu chuẩn xuất khẩu của các hợp tác xã trên địa bàn huyện Thanh Oai với các doanh nghiệp thu mua lúa gạo trong và ngoài thành phố.

TS Đoàn Xuân Cảnh, Phó viện trưởng Viện Cây lương thực, cây thực phẩm (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) lưu ý: Tuy lúa J02 mang lại hiệu quả cao nhưng đây là giống lúa được trồng nhiều ở các nước ôn đới, khả năng chịu lạnh tốt nên trồng vụ xuân sớm, năng suất sẽ cao. Với vụ mùa, bà con nên làm muộn mới bảo đảm năng suất. Về kỹ thuật chăm sóc, phải khoanh vùng sản xuất tập trung, không để thụ phấn lẫn với các giống khác để bảo đảm năng suất, chất lượng...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Oai: Đất sinh lời cao nhờ giống lúa tốt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.