Nông nghiệp

Xây dựng các mô hình nông nghiệp: Cần gắn sản xuất với tiêu thụ

Ngọc Quỳnh 23/07/2025 - 06:59

Từ đầu năm 2025 đến nay, ngành Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội phối hợp với các địa phương đã đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện nhiều mô hình sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ.

Đặc biệt, ngành hỗ trợ người dân, hợp tác xã xây dựng các mô hình nông nghiệp theo hướng đa dạng, phù hợp đặc điểm từng địa phương, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, vừa đạt hiệu quả về kinh tế, vừa tạo giá trị về môi trường, xã hội...

trong-hoa.jpg
Mô hình trồng cây dược liệu gắn với chế biến tiêu thụ sản phẩm tại xã Tùng Thiện cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Ánh Ngọc

Giảm tình trạng “được mùa - mất giá”

Vụ xuân 2025, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội) hỗ trợ nông dân triển khai mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, lúa vụ xuân đã cho thu hoạch, năng suất trung bình đạt 63-65 tạ/ha và được doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm.

Hiện nay, nông dân đang sản xuất vụ mùa. Trong đó, giống TBR225 năng suất đạt 62-69,7 tạ/ha, giống HD11 đạt 63,9-68,5 tạ/ha, giống nếp cái hoa vàng năng suất lúa thu hoạch làm cốm tươi đạt 50 tạ/ha, năng suất lúa khô đạt 47,2 tạ/ha… Giám đốc Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Tam Hưng (xã Tam Hưng) Đỗ Văn Kiên cho biết, toàn xã có gần 730ha lúa chất lượng cao, trong đó có 250ha nếp cái hoa vàng, còn lại là một số giống lúa khác như: Bắc thơm số 7, Bắc hương số 9, Đài thơm 8... Hợp tác xã luôn duy trì tốt vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn VietGAP, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Trung bình mỗi năm, đơn vị cung cấp khoảng 700 tấn gạo chất lượng cao cho các bếp ăn tập thể, trường học trên địa bàn thành phố.

Trong khi đó, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Phúc Lâm (xã Tùng Thiện) Uông Thị Tuyết Nhung cho biết, hợp tác xã xây dựng mô hình sản xuất cây dược liệu gắn với tiêu thụ sản phẩm trên quy mô 3ha. Năng suất các loại cây dược liệu đạt 8,5 tấn sản phẩm tươi mỗi héc ta (tương đương 1,2 tấn khô/ha). Với giá thu mua tốt, trừ chi phí sản xuất, lợi nhuận khoảng 225 triệu đồng/ha (trong thời gian 4 tháng). Nhờ gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, hợp tác xã kiểm soát được quy trình chăm sóc và thu mua cho nông dân khi vào vụ thu hoạch với giá ổn định.

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Đoàn Đức Dân cho biết, các mô hình sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm giúp tăng hiệu quả kinh tế khoảng 10-20% so với phương pháp thông thường. Việc liên kết sản xuất và tiêu thụ thường đi kèm áp dụng tiêu chuẩn chất lượng, quy trình sản xuất an toàn, từ đó nâng cao chất lượng và giá trị của nông sản, góp phần thay đổi nhận thức của nông dân và xây dựng nền nông nghiệp bền vững. Đồng thời, doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu với nông dân, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm và hỗ trợ nông dân trong quá trình sản xuất, giúp nông dân tăng thu nhập, ổn định đầu ra, giảm tình trạng “được mùa - mất giá”, nông dân yên tâm sản xuất. Thông qua liên kết, nông dân có thể nắm bắt tốt hơn nhu cầu thị trường, từ đó điều chỉnh sản xuất phù hợp, đáp ứng tốt hơn yêu cầu về chất lượng, số lượng, chủng loại sản phẩm...

Hướng tới chuyên nghiệp trong sản xuất

Tuy các mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với tiêu thụ sản phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng trong quá trình triển khai còn gặp khó khăn bởi vẫn xuất hiện tình trạng người dân không bán sản phẩm cho doanh nghiệp khi giá thị trường cao hơn trong hợp đồng, dẫn đến liên kết sản xuất bị phá vỡ; quá trình sản xuất, sơ chế nông sản chủ yếu theo phương thức truyền thống; còn tình trạng sản xuất manh mún, canh tác theo thói quen nên việc tuân thủ theo quy trình kỹ thuật còn khó khăn…

Để nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với tiêu thụ sản phẩm, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Chuối Việt (xã Đại Xuyên) Nguyễn Thị Thu Huyền cho rằng, các địa phương cần quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn tập trung; hỗ trợ nông dân kiến thức về sản xuất an toàn theo chuỗi; xây dựng thương hiệu, giám sát hợp đồng ký kết với doanh nghiệp để không xảy ra tình trạng khi giá lên cao bán ra thị trường, hướng tới chuyên nghiệp trong sản xuất... Ngoài ra, các ngành chức năng cần hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia mô hình sản xuất theo chuỗi về vốn vay với lãi suất ưu đãi để đầu tư xây dựng nhà sơ chế; thu mua nông sản cho người dân trong vụ thu hoạch; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; tăng cường ký kết hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng tiện ích…

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Mạnh Phương chỉ đạo thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cần tổ chức, nghiệm thu, đánh giá kết quả để rút kinh nghiệm. Mô hình nào hiệu quả sẽ nhân rộng ra các địa phương khác, từ đó thúc đẩy quá trình xây dựng, khuyến khích nông dân liên kết, nhân rộng vùng sản xuất đủ điều kiện an toàn thực phẩm, chuẩn VietGAP, thực hiện đồng bộ quy trình trên diện rộng, tạo khối lượng sản phẩm lớn, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu...

Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội tiếp tục phối hợp với các địa phương ưu tiên phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, an toàn, áp dụng khoa học, công nghệ gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để tạo dựng thương hiệu; tăng cường hoạt động quảng bá, giới thiệu, bán sản phẩm tại các kênh phân phối hiện đại. Đặc biệt, thành phố Hà Nội đang khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, liên kết với hợp tác xã, tổ hợp tác, nông dân để hình thành chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Đừng bỏ lỡ
    Xây dựng các mô hình nông nghiệp: Cần gắn sản xuất với tiêu thụ

    (*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.