Hình ảnh người lính “mũ nồi xanh” Việt Nam thực hiện nhiệm vụ quốc tế đã quen thuộc trong những năm qua, nhưng vẫn còn đó nhiều câu hỏi: Những người lính “mũ nồi xanh” làm nhiệm vụ ở nơi đâu, thực hiện sứ mệnh gìn giữ hòa bình như thế nào? Cuộc sống người dân nơi đó ra sao? Cuốn sách “Mũ nồi xanh Việt Nam - Người đi gieo hạt hòa bình” sẽ góp phần giải đáp những câu hỏi ấy.
Được ví như “Hậu duệ mặt trời” phiên bản đời thực, cuốn sách “Mũ nồi xanh Việt Nam - Người đi gieo hạt hòa bình” được chấp bút bởi nhà báo Nam Kha, qua lời kể của Trung úy Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc Nguyễn Sỹ Công, công tác tại khoa Khám bệnh, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 tại căn cứ quân sự Juba Compound Bentiu, Nam Sudan, nơi cách chúng ta hơn 8.500km và nội chiến hiện vẫn xảy ra hằng ngày.
Cuốn sách được chia thành nhiều chương, gồm lời kể và hình ảnh về cuộc sống công việc, sinh hoạt của quân nhân Việt Nam đang làm nhiệm vụ nơi đây. Những câu chuyện của Nguyễn Sỹ Công là minh chứng sống động giúp bạn đọc hình dung rõ nét hơn về cuộc sống nơi chiến tuyến, nơi mọi hiểm nguy luôn rình rập hằng giờ, điều kiện khắc nghiệt về khí hậu, môi trường, đời sống và sinh hoạt đều thiếu thốn. Những người lính không trực tiếp cầm súng, nhưng họ vẫn luôn có một cách riêng để gìn giữ hòa bình. Đó là hoàn thành tốt nhiệm vụ, lan tỏa tinh thần tích cực: “Một bên để treo lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam, bên còn lại treo lá cờ của Liên hợp quốc. Hai lá cờ như một lời khẳng định: Việt Nam là một quốc gia đã từng đi qua chiến tranh và nay sẵn sàng góp sức cùng Liên hợp quốc đem hòa bình thật sự đến với các quốc gia còn đang chìm trong khói lửa của bom đạn”.
Những anh hùng không mặc áo choàng đã lan tỏa về hình ảnh một Việt Nam kiên cường bất khuất, nhưng cũng rất đỗi thân thương. Qua những câu chuyện và loạt phóng sự ảnh trong cuốn sách, bạn đọc sẽ luôn thấy hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới trên nền trời, bản đồ đất nước hiện diện kiêu hãnh và gương mặt của mỗi người lính luôn rạng rỡ nụ cười. Ở nơi cách xa Tổ quốc hàng vạn dặm, dáng hình đất nước vẫn hiện rõ nét qua những bộ trang phục áo dài, Tết Việt Nam trong căn cứ quân sự, tiếng hô vang “Chào cờ”, những cuộc thiện nguyện ở trường học hay làng mạc vẫn được tích cực thúc đẩy.
“Để thể hiện lòng yêu nước và góp phần làm rạng danh Tổ quốc trong lòng bạn bè quốc tế có rất nhiều cách khác nhau. Nhưng cách đơn giản nhất, mỗi cá nhân phải luôn cố gắng chu toàn bổn phận, nhiệm vụ của mình một cách chuyên nghiệp nhất. Chỉ cần bấy nhiêu thôi cũng nhận được sự đánh giá cao từ mọi người xung quanh. Tôi tin đây cũng là cách quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam một cách chân thực và thuyết phục hơn bất kỳ lời mời nào” - Nguyễn Sỹ Công luôn tâm niệm.
Anh cùng đồng đội đặc biệt quan tâm đến những trẻ em, những công dân nhí Nam Sudan. Bởi các anh tin rằng “nếu xem hòa bình là một hạt giống, thì nó nên được gieo vào lòng trẻ thơ. Các em sẽ bảo vệ, chăm sóc hạt giống ấy bằng tất cả sự trong sáng vô vị lợi. Và cứ như thế, hạt giống hòa bình sẽ lớn lên, được duy trì từ thế hệ này sang thế hệ khác”.
Không ồn ào, không phô trương, hành trình của Trung úy Nguyễn Sỹ Công tiên phong cho một tuổi trẻ dám dấn thân vì lý tưởng hòa bình và sự tiến bộ của thế giới. Hành trình của Nguyễn Sỹ Công cũng là hành trình của gần một nghìn chiến sĩ trẻ chọn lên đường và dấn thân, tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại 3 phái bộ ở Cộng hòa Trung Phi, Nam Sudan và khu vực Abyei và Trụ sở Liên hợp quốc. Hành trình ấy đã mở ra để truyền cảm hứng đến nhiều thế hệ bạn đọc về một nhiệm vụ vất vả, gian lao nhưng vô cùng tự hào vì một thế giới hòa bình.
“Mũ nồi xanh Việt Nam - Người đi gieo hạt hòa bình” là cuốn sách mới lạ nhất rất đáng để độc giả tìm đọc. Những câu chuyện, hình ảnh độc quyền được tường thuật trực tiếp từ Nam Sudan đi vào trong trang sách. Phần mỹ thuật cũng được đầu tư rất chăm chút, in màu hoàn toàn trên giấy cứng theo định dạng book-magazine khổ lớn. Sách do NXB Kim Đồng ấn hành.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.