(HNM) - NSƯT Chí Trung, Quyền Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ vẫn giữ vững nhiệt huyết để cùng đồng nghiệp đi tiếp chặng đường nghệ thuật Nhà hát Tuổi trẻ.
Năm 1978, sau ý định táo bạo của nghệ sĩ Hà Nhân và NSND Phạm Thị Thành quyết tâm xây dựng một nhà hát mới ở Hà Nội, Nhà hát Tuổi trẻ ra đời với nòng cốt là một số nghệ sĩ từ các đoàn nghệ thuật khác. Lứa diễn viên đầu tiên ấy có các nghệ sĩ như Lê Khanh, Chí Trung, Đức Hải, Ngọc Huyền, Minh Hằng… Họ đã trải qua nhiều năm tháng vừa học nghề vừa biểu diễn. Đến nay, Nhà hát Tuổi trẻ đã trở thành một trong những đơn vị sân khấu chuyên nghiệp hàng đầu Thủ đô, với 200 nghệ sĩ, diễn viên, công nhân viên.
Vở hài kịch "Tôi đẹp, tôi có quyền" |
Xác định là người bạn nghệ thuật của tuổi trẻ nên trong hơn 1.000 chương trình suốt 40 năm qua của nhà hát, nội dung phục vụ đối tượng thanh niên, thiếu niên và nhi đồng chiếm tỷ lệ cao. Còn nhớ, nhiều chương trình, vở kịch đã để lại ký ức đẹp cho biết bao thế hệ khán giả như “Hoàng tử học nghề”, “Tấm Cám”, “Doraemon”, “Dế mèn phiêu lưu ký”, “Alibaba và 40 tên cướp”… Nhiều vở kịch trở thành “hiện tượng” sân khấu nước nhà như “Tin ở hoa hồng”, “Bến bờ xa lắc”, “Mùa hạ cuối cùng”, “Mùa hạ cay đắng”…
Nhà hát Tuổi trẻ chịu khó đổi mới sáng tạo để đáp ứng nhu cầu công chúng. Những tác phẩm của Đoàn kịch Thể nghiệm, những tác phẩm song ngữ Việt - Hàn, Việt - Đức đem lại sự thích thú cho khán giả.
Đây cũng là sân khấu hiếm hoi của Thủ đô sáng đèn vào các tối cuối tuần trong mấy chục năm qua. Mỗi dịp quốc tế thiếu nhi, trung thu, tổng kết năm học, chào năm học mới…, sân khấu 11 Ngô Thì Nhậm (Hà Nội) luôn là địa chỉ thân thuộc của các em nhỏ. Bên cạnh chương trình dành cho khán giả trẻ, Nhà hát Tuổi trẻ gây dựng được thương hiệu hài kịch ăn khách. Những chùm hài như “Đời cười”, “Nụ cười chiến sĩ” nhiều năm qua luôn thu hút khán giả nhiều lứa tuổi.
Là một trong những nghệ sĩ gắn bó với Nhà hát Tuổi trẻ từ những ngày đầu tiên và hiện ở cương vị lãnh đạo, NSƯT Chí Trung cho rằng trách nhiệm của mình vô cùng lớn lao. Đối với NSƯT Chí Trung, được học nghề, trưởng thành, tạo nên danh tiếng từ đây đã là trải nghiệm tuyệt vời trong cuộc đời. Chứng kiến những bước thăng trầm của Nhà hát Tuổi trẻ, lúc khán giả chật kín rạp, khóc, cười, hò reo cùng nghệ sĩ và cả khi “hai diễn viên chọi một khán giả”, anh tự nhận mình hiểu tường tận về nơi này. Bởi thế, anh đã có những hướng đi mới dẫn "đoàn tàu" nghệ sĩ trẻ theo phương châm liên tục đổi mới.
Xoay chuyển phục vụ nhu cầu ngày càng cao
Theo NSƯT Chí Trung, bây giờ là thời điểm lật sang trang mới của Nhà hát Tuổi trẻ. Các nghệ sĩ vẫn sẽ xây dựng những tác phẩm đi đúng tôn chỉ, mục đích của nhà hát là kịch, ca múa nhạc dành cho thanh, thiếu niên và nhi đồng nhưng với chất lượng cao, cách thức tiếp cận đổi mới, giá trị định hướng mạnh mẽ hơn.
Dấu mốc bắt đầu từ chuỗi hoạt động kỷ niệm 40 năm thành lập Nhà hát Tuổi trẻ diễn ra từ ngày 5 đến 10-4 với những sắc diện khác lạ, vượt khỏi phạm vi một nhà hát nghệ thuật mà khán giả từng thấy. Liên tiếp các vở diễn, chương trình xuất sắc của Nhà hát Tuổi trẻ những năm gần đây được biểu diễn phục vụ khán giả tại “thánh đường nghệ thuật” Nhà hát Lớn Hà Nội.
Đó là vở kịch nói “Ai là thủ phạm” (tác giả Lưu Quang Vũ, đạo diễn NSƯT Chí Trung), diễn vào 20h ngày 5-4; hài kịch “Đời cười” chọn lọc các tiểu phẩm đặc sắc, quy tụ những diễn viên nổi danh của Nhà hát Tuổi trẻ, diễn vào tối 6-4; chương trình ca nhạc - hài kịch “Hương xuân Hà Nội” diễn vào tối 7-4; tác phẩm kinh điển của sân khấu thế giới “Vòng phấn Kavkaz” (tác giả Bertolt Brecht, đạo diễn Dominik Guenther), diễn vào tối 9-4; vở kịch thiếu nhi “Mảnh lego màu đỏ” và chương trình ca nhạc thiếu nhi “Cuộc phiêu lưu của gà trống choai” diễn vào tối 10-4.
Sự kiện được mong chờ nhất trong chuỗi hoạt động này là carnival đường phố tại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) vào sáng 8-4. NSƯT Cao Ngọc Ánh, Trưởng đoàn Ca múa nhạc, Nhà hát Tuổi trẻ, đạo diễn chương trình cho biết, lễ diễu hành sẽ bắt đầu từ 10h tại sân khấu Vườn hoa Lý Thái Tổ. Các diễn viên của nhà hát trong trang phục lễ hội và trang phục nhân vật của những vở diễn thiếu nhi sẽ nhảy múa quanh hồ Hoàn Kiếm.
Nhà hát dự kiến mời thêm các nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội biểu diễn các tiết mục hoạt náo, tung hứng và xiếc thú hấp dẫn. Đây là hoạt động chủ yếu dành cho thiếu nhi. Sân khấu này, vào buổi tối cùng ngày, dành cho thanh niên, sẽ có các tiết mục ca múa nhạc và giao lưu với nghệ sĩ nổi tiếng.
NSƯT Chí Trung cho biết, sau sự kiện này, Nhà hát Tuổi trẻ sẽ hướng đến sự phát triển theo hình thức nghệ thuật broadway đỉnh cao thế giới: “Ở đó không chỉ có sân khấu sử dụng công nghệ hiện đại mà nghệ sĩ phải hoạt động đa dạng, hết mình để truyền cảm hứng. Họ buộc phải tương tác và lôi kéo khán giả hòa nhịp, thậm chí đưa khán giả lên sân khấu diễn cùng”.
Cũng theo NSƯT Chí Trung, trong năm 2018 sẽ khởi công một công trình biểu diễn rộng gần 7.000m² tại khu vực Mỹ Đình dành cho Nhà hát Tuổi trẻ. Đây là sân khấu được thiết kế hiện đại, hứa hẹn sẽ tiếp sức cho Nhà hát Tuổi trẻ trong bước chuyển phục vụ công chúng trẻ bằng những tác phẩm xứng tầm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.