Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hạnh phúc từ những điều giản dị

Vũ Minh| 25/06/2022 07:17

(HNM) - Trong cuộc sống, mỗi người một số phận, mỗi gia đình một hoàn cảnh, nhưng nếu nỗ lực vượt lên thì niềm vui, hạnh phúc sẽ đong đầy. Câu chuyện về những gia đình ấm êm của người khiếm thị trên địa bàn thành phố Hà Nội là minh chứng: Hạnh phúc không ở đâu xa, hạnh phúc đến từ những điều giản dị.

Thực tế cho thấy, hành trình vươn lên, kiếm tìm hạnh phúc của mỗi người là hành trình vô hạn và không thể thiếu sự nỗ lực, cảm thông, thấu hiểu, chia sẻ của các thành viên trong gia đình, của những người xung quanh. Đối với người khiếm thị, hành trình ấy không ít gian nan, nhưng cũng nhiều vị ngọt. Có thể kể đến câu chuyện về gia đình anh Hoàng Văn An, ở xã Võng Xuyên (huyện Phúc Thọ). Gia đình anh An có bố, anh trai và bản thân anh là người khiếm thị. Đến tuổi trưởng thành, anh kết hôn với người đồng cảnh.

“Khi con gái tôi sinh ra, thật không may đôi mắt cháu không tốt, nhưng chúng tôi không bi quan, mà động viên nhau làm việc, cố gắng vươn lên. Cứ thế, cuộc sống của gia đình tôi êm đềm trôi theo ngày tháng với niềm tin chắc chắn ngày mai sẽ tốt hơn ngày hôm qua”, anh An chia sẻ.

Anh trai của anh An là Hoàng Văn Lý, hiện là Chủ tịch Hội Người mù quận Hoàn Kiếm được biết đến như câu chuyện cổ tích giữa đời thường. Ngược dòng hồi ức, anh Lý cho biết, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, anh theo học tại Trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu từ nhỏ, rồi thi đỗ vào Khoa Báo chí, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). Quá trình mở từng cánh cửa tri thức giúp anh hiểu rõ một điều, ở đời ít có thứ vẹn tròn, hoàn hảo, mà luôn có những ranh giới, mỗi người cần có bản lĩnh, ý chí để vượt lên.

Với tinh thần đó, sau khi tốt nghiệp đại học, anh Lý làm cộng tác viên, phóng viên của một số cơ quan báo chí, rồi được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Hội Người mù quận Hoàn Kiếm. Trong một lần tham gia hoạt động xã hội, anh Lý gặp gỡ, tìm hiểu và nên duyên với người vợ đồng tật. Bền bỉ vun trồng hạnh phúc, vợ chồng anh Lý có “trái ngọt” là hai người con khỏe mạnh... 

Cũng nhờ có gia đình luôn động viên, tiếp thêm sức mạnh, anh Mẫn Xuân Quỳnh, hiện làm việc tại cơ sở dịch vụ tẩm quất Ánh Sáng thuộc Hội Người mù quận Tây Hồ (địa chỉ 1/24/38 đường Xuân La, quận Tây Hồ) đã vượt qua cú sốc tâm lý từ người bình thường trở thành người khiếm thị sau một vụ tai nạn lao động nhiều năm trước để viết tiếp những câu chuyện đẹp về gia đình. Với tinh thần không ngừng học hỏi trong công việc, tay nghề của anh Quỳnh ngày càng tốt hơn, thu nhập ổn định hơn, cùng người vợ chịu thương, chịu khó nuôi con khôn lớn.

Ngoài sự nỗ lực của bản thân, nhiều người khiếm thị trên địa bàn thành phố Hà Nội được các cơ quan chức năng tạo điều kiện, hỗ trợ tiếp cận, sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi làm sinh kế. Phát huy hiệu quả nguồn vốn, không ít người khiếm thị trở thành trụ cột gia đình, chủ cơ sở sản xuất, chăn nuôi, tự tin hòa nhập xã hội, chắt chiu xây dựng tổ ấm...

Tiêu biểu như gia đình anh Lê Văn Bình, ở xã Vân Hòa (huyện Ba Vì) với mô hình nuôi bò sữa, có tổng doanh thu hàng trăm triệu đồng/năm. Khi kinh tế khá giả, gia đình ấm êm, các con của vợ chồng anh Bình được học tập đầy đủ. Trường hợp khác là gia đình chị Huỳnh Thị Ngọc Uyển, ở phường Ngọc Khánh (quận Ba Đình) mở cơ sở xoa bóp, tẩm quất tại nhà từ nguồn vốn vay ưu đãi, tạo việc làm cho 8 người đồng cảnh. Nguồn thu nhập ổn định giúp vợ chồng chị Uyển xây dựng được ngôi nhà khang trang, nuôi các con khôn lớn...

Ngoài những dẫn chứng nêu trên, nhờ tinh thần chủ động vươn lên cùng sự quan tâm, trợ giúp về nhiều mặt của các cơ quan chức năng và cộng đồng, cuộc sống của đa số gia đình có thành viên là người khiếm thị ở thành phố Hà Nội ngày càng ổn định.

Chủ tịch Hội Người mù thành phố Hà Nội Lê Trung Quyết cho biết, toàn hội hiện có hơn 6.000 người tham gia sinh hoạt. Đời sống của hội viên và gia đình họ ngày càng tốt hơn, hiện chỉ còn 0,64% gia đình có thành viên là người khiếm thị thuộc diện hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới của thành phố Hà Nội (có thu nhập ở khu vực nông thôn là 2 triệu đồng/người/tháng; khu vực thành thị là 2,5 triệu đồng/người/tháng), không có hội viên phải ở nhà dột nát. Đa số gia đình đạt tiêu chuẩn “gia đình văn hóa”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hạnh phúc từ những điều giản dị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.