Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hạnh phúc của người đi một mình

Vân Hạ| 18/12/2019 16:57

(HNMCT) - Thêm một lần hoàn thành lời hẹn với độc giả vào mùa Giáng sinh, Nguyễn Phong Việt mới đây đã “trình làng” tập thơ thứ tám: Mình sẽ đi cuối đất cùng trời.

Đã “từ yêu đến thương”, từng “đi qua thương nhớ”, từng “sống một cuộc đời bình thường”, nhưng cũng từng cô đơn, đau đớn hay thương tổn, hành trình 8 năm thơ của Nguyễn Phong Việt trôi qua trong những góc cảm xúc chân thật nhất ở tận sâu đáy lòng mà con người ta đôi khi không thể kể được với ai, thậm chí ngay cả với người bạn đời gần gũi nhất. Đó có lẽ là lý do để thơ của Nguyễn Phong Việt, ngay từ những tập đầu tiên ra mắt, đã luôn hút độc giả, tạo nên “hiện tượng xuất bản” với những con số bản in kỷ lục trong làng sách.

Thực ra, thơ Nguyễn Phong Việt rất dài, cách viết gần như văn xuôi vậy, lại trúc trắc khó thuộc, đến chính bản thân tác giả cũng thường xuyên không nhớ nổi thơ mình. Nhưng từng câu từng chữ thơ anh lại cứ chạm đến đáy tâm hồn những người đọc trẻ.

Phải chăng bởi Nguyễn Phong Việt đã có sự đồng cảm, thấu triệt nỗi cô đơn của con người trẻ hiện đại giữa những áp lực của một cuộc sống thời công nghệ với những vòng quay thời gian đến mức chóng mặt, giữa những trở trăn cơm áo gạo tiền.

Nguyễn Phong Việt đã vắt mình ra để viết. Mọi biến cố đã gặp trong đời, mọi cảm xúc mỗi khi đối diện với chính bản thân mình, dù nhỏ nhất, cũng được anh nắm bắt và “đẩy” vào thơ.

Khi là lo lắng “sợ mình tỉnh giấc thôi là thấy mình xa lạ/ còn người như một chiếc lá/ không biết về phương nào”, lúc trông mong “mình không cầu xin quãng đời về sau đừng quỵ ngã/ chỉ cần trái tim đừng xa lạ/ lúc hụt xuống chông gai…”.

Khi là những lúc tự thương mình “Những cố chấp đã khiến mình nghĩ mình dễ dàng lãng quên/ như tha thứ cho bản thân những nhún nhường, khép nép/ thiệt thòi một chút thôi hay thiệt thòi một đời một kiếp/ mình bỏ qua được hết/ nhưng còn trái tim?”, lúc lại băn khoăn “Chúng ta rồi sẽ ra sao/ nếu không gặp nhau trong cuộc đời này?”, có nên “tiếc một đoạn đường để rồi quãng đời về sau vỡ nát/ hay buông tay để cho mình khóc ngất/ sau đó tự đứng lên…”.

Trái tim đa cảm của Nguyễn Phong Việt, ngay trong lúc yêu thương nhung nhớ mặn nồng, cũng cứ luôn dự cảm và đầy lo lắng mơ hồ. Mà trong cuộc đời, chính sự tinh tế, sâu sắc của một tâm hồn giàu tình cảm như thế sẽ khiến những người trong cuộc đều mệt mỏi...

Và, sau những chặng đường của yêu tin - giận hờn - thương đau suốt 8 tập thơ, ở Mình sẽ đi cuối đất cùng trời, Nguyễn Phong Việt đã tìm ra cái hạnh phúc của người độc hành. Mình sẽ đi cuối đất cùng trời - mình là ai? Có thể là chúng mình, một đôi, một gia đình, cũng có thể chỉ là duy nhất bản thân mình thôi. Độc hành không có nghĩa là sẽ cô đơn, bởi có khi đi cùng người khác, nỗi cô đơn chưa hẳn sẽ vợi bớt.

Nhưng điều quan trọng là đích đến cuối đất cùng trời - là sự tự do đến những nơi mình muốn, làm những điều mình thích, dẫu chọn đi xa hay ở gần, miễn sao tâm được vui vẻ, bình an: “nếu một sớm mai không nắng/ thì lấy nắng trong tim mình”.

Nguyễn Phong Việt đã đi tìm sự thấu hiểu từ sâu thẳm bên trong con người mình, nhận ra rằng chỉ chính mình mới làm cho mình hạnh phúc, bởi “ngoài mình ra/ ai sẽ ngồi xuống cạnh mình lúc chiều tàn?”.

Nhưng anh cũng không phủ định quá khứ, càng không từ chối những hạnh ngộ bất ngờ trên hành trình của mình, lựa chọn độc hành nhưng sẵn sàng “bây giờ nếu mình thấy nhớ/ một hơi thở/ mình sẽ để hơi thở đi tìm”.

Có lẽ, Nguyễn Phong Việt đã bắt đầu chặng đường nắm giữ bí quyết của hai chữ buông bỏ. Bởi chỉ khi yêu, mới sinh ra đòi hỏi, mới sinh ra hờn giận, mới sinh ra khổ đau. Nếu không nặng tình, nếu biết sống đơn giản, tâm hồn nhẹ nhõm biết bao nhiêu.

Cho nên thơ của Nguyễn Phong Việt từng đầy ắp thương nhớ, từng hoang hoải cô đơn, từng đầy những vết đau vết thương, thì ở Mình sẽ đi cuối đất cùng trời, đã bắt đầu của một Nguyễn Phong Việt trở lại cái nguyên sơ, ban đầu nhất của hạnh phúc. Đó là hạnh phúc từ điều hết sức giản dị, có khi chỉ là một chiếc chăn ấm, một bữa ăn ngon, một giấc ngủ không mộng mị.

Mình sẽ đi cuối đất cùng trời cũng là dấu hiệu để chuẩn bị bắt đầu cho một Nguyễn Phong Việt của một phiên bản khác, sau 10 năm hành trình thơ từ tập đầu tiên Đi qua thương nhớ ra đời, như chính anh bật mí với độc giả nhân dịp ra mắt tập thơ vừa qua.

Nguyễn Phong Việt sinh năm 1980 tại Tuy Hòa, Phú Yên. Vừa viết thơ, vừa làm báo, anh đã xuất bản tập thơ: Đi qua thương nhớ; Từ yêu đến thương; Sinh ra để cô đơn; Sống một cuộc đời bình thường; Về đâu những vết thương; Sao phải đau đến như vậy. Ngoài ra Nguyễn Phong Việt còn có tập thơ thiếu nhi Xin chào những buổi sáng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hạnh phúc của người đi một mình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.