(HNM) - Liên tiếp trong những ngày qua, Trung Quốc đã thực hiện các hành động phá hoại phương tiện hàng hải, thậm chí nổ súng uy hiếp ngư dân Việt Nam trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam.
Chuỗi hành động này của Trung Quốc diễn ra ngay trước thềm Hội nghị An ninh châu Á lần thứ 10 (Đối thoại Shangri - La 10) với sự tham dự của đại diện 28 quốc gia khu vực và thế giới diễn ra tại Singapore (từ ngày 3 đến 5-6).
Tàu hải giám Trung Quốc (Ảnh: PVN) |
Hành động ngang ngược và đơn phương, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc trong lãnh hải Việt Nam gần đây nhất là vụ 6 tàu quân sự Trung Quốc (ngày 1-6) nổ súng uy hiếp tàu cá của ngư dân tỉnh Phú Yên khi đồng bào ta đang làm nghề tại vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trước đó, sáng 26-5, đội tàu hải giám Trung Quốc gồm 3 chiếc đã vào sâu trong lãnh hải Việt Nam, cắt đứt cáp thăm dò địa chất của tàu Bình Minh 02 thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam.
Thực chất, một số tàu hải giám Trung Quốc được giới hàng hải nhìn nhận có nhiều tính năng không kém gì các tàu hải quân hiện đại. Trong 3 tàu hải giám Trung Quốc (số hiệu 84, 17 và 72) xâm phạm chủ quyền lãnh hải Việt Nam, phá hoại hải trình khoa học, cắt cáp thăm dò địa chấn của tàu Bình Minh 02 thì hải giám 84, mới hạ thủy hồi cuối năm ngoái và gia nhập lực lượng hải giám được khoảng 20 ngày; còn chiếc mang số 17 cũng vừa hạ thủy vào đầu tháng 4 vừa qua. Như vậy, có thể thấy Trung Quốc đã tung ra Biển Đông những phương tiện hàng hải hiện đại và không chỉ xâm phạm vùng biển chủ quyền của Việt Nam mà còn đe dọa con đường hàng hải quốc tế trong khu vực và thế giới.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã kiên quyết phản đối hành động của Trung Quốc phá hoại, cản trở các hoạt động thăm dò khảo sát bình thường của Việt Nam tại thềm lục địa và trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, gây thiệt hại lớn cho Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam cũng như cản trở tàu cá và ngư dân Việt Nam hoạt động trong khu vực chủ quyền. Đây là những hành động vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của nước ta, vi phạm thô bạo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển quốc tế năm 1982 (UNCLOS) mà Trung Quốc là một thành viên ký kết; đồng thời trái với tinh thần và lời văn của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002.
Vậy yếu tố nào dẫn đến hành động ngang ngược của Trung Quốc? Có không ít yếu tố cả trên lý thuyết lẫn thực tế, nhưng có thể thấy nổi bật một số nguyên nhân. Trong đó điển hình là việc để thỏa mãn "cơn khát" năng lượng, thì nguồn lợi Biển Đông - nơi có trữ lượng chỉ riêng về dầu, được giới khoa học ước tính bằng cả vùng Trung Đông đã khiến nhiều người lóa mắt, từ đó có những hành động sai trái. Ở đây, Biển Đông đã trở thành tâm điểm của những tham vọng. Và điều đó được thể hiện qua cách ứng xử của Trung Quốc những ngày qua trong khu vực, đặc biệt là với Việt Nam, tạo nên sự bất ổn khiến khu vực và cả thế giới đều lo ngại. Biện minh cho hành động của mình, Trung Quốc đã mượn chiếc bản đồ biển đầy mơ hồ thời Dân Quốc với cái gọi là "đường lưỡi bò" hay còn gọi "chữ U" và "đường 9 đoạn" không được thế giới công nhận để yêu sách về chủ quyền Biển Đông.
Sự kiện vừa diễn ra còn cho thấy Trung Quốc đang đánh tráo khái niệm để lừa dối dư luận trong nước và quốc tế khi biến vùng biển chủ quyền của Việt Nam thành vùng biển tranh chấp. Sự thật quá rõ rằng vị trí 3 tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp thăm dò địa chấn của tàu Bình Minh 02 chỉ cách mũi Đại Lãnh, Phú Yên của Việt Nam 120 hải lý; trong khi cách đảo Hải Nam của Trung Quốc tới 500 hải lý. Tương tự, tàu cá của ngư dân Việt Nam hoạt động ở vùng biển có tọa độ 8 độ 56 phút vĩ Bắc, 112 độ 45 phút kinh Đông, cách đảo Đá Đông (thuộc quần đảo Trường Sa) chỉ khoảng 5 hải lý về phía Đông. Cả hai điểm này đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Vùng nước này cũng không thuộc vùng chồng lấn với bất cứ vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa nào của bất cứ quốc gia nào.
Hành động xâm phạm chủ quyền lãnh hải Việt Nam của Trung Quốc trong ít ngày qua đã bị dư luận khu vực và cộng đồng quốc tế chỉ trích mạnh mẽ. Việt Nam là một quốc gia luôn kiên trì theo đuổi tinh thần hòa hiếu giữa các dân tộc, nhân dân hai nước Việt - Trung cũng luôn mong muốn sống trong tình hữu nghị truyền thống đã được vun đắp qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên, chủ quyền về lãnh thổ, lãnh hải là điều thiêng liêng đối với mọi quốc gia. Nhân dân Việt Nam cũng như nhân dân Trung Quốc từ bao đời nay đã không tiếc máu xương để bảo vệ độc lập và chủ quyền của Tổ quốc. Đó là chân lý đã được hun đúc bằng lịch sử phát triển của nhân loại. Nguyện vọng của nhân dân hai nước Việt - Trung cũng như cộng đồng các nước trong khu vực và trên thế giới là được sống trong hòa bình, hợp tác cùng phát triển. Những hành động đi ngược lại xu thế tiến bộ và lợi ích chính đáng đó là không thể chấp nhận.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.