(HNM) - Theo nhiều thống kê thì tỷ lệ hàng Việt ở các siêu thị ngày càng nhiều hơn. Tuy nhiên ở chợ truyền thống, hàng Việt vẫn
Tràn ngập hàng Trung Quốc
Ở TP Hồ Chí Minh hiện nay, từ các chợ lớn như Bến Thành, Bình Tây, An Đông, Tân Bình đến các chợ nhỏ như Vườn Chuối, Bàn Cờ, Trần Hữu Trang, Hòa Hưng,… tràn lan hàng Trung Quốc. Chị Thu, một tiểu thương ở chợ Tân Bình cho biết, quần áo Trung Quốc mẫu mã đẹp, giá rẻ phù hợp với túi tiền nên người tiêu dùng và tiểu thương từ các chợ tỉnh tiêu thụ nhiều. Đơn cử, một bộ quần áo Trung Quốc dùng mặc trong nhà giá chỉ khoảng 50.000 - 60.000 đồng thì cũng mẫu mã đó hàng Việt Nam giá khoảng 100.000 đồng; hoặc chỉ khoảng 100.000 đồng là khách hàng có thể có chiếc áo sơ mi nữ; 200.000 đồng một cái quần Jeans của Trung Quốc thì với giá bán này thì hàng Việt Nam không thể có hàng đẹp. "Chợ ngày càng ế ẩm, hàng nào người ta mua nhiều thì tôi phải bán", chị Thu phân bua. Tại các chợ này, người mua cũng có thể dễ dàng chọn mua túi xách, mắt kính, giày dép… do Trung Quốc nhái của những nhãn hiệu cao cấp Gucci, Rayban, Versace, LV… với giá bán chỉ vài trăm nghìn đồng.
Hàng Việt vào chợ rất khó vì hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng. |
Theo Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Hồ Chí Minh, mặc dù cơ quan chức năng đã kiểm tra và giám sát kỹ nhưng tình hình buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại trên địa bàn vẫn rất phức tạp. Chỉ trong một tuần, từ ngày 2 đến 8-5, QLTT đã xử phạt 47 vụ vi phạm, phần nhiều là hàng nhập lậu. Đơn cử, ngày 4-5, Đội QLTT quận Tân Bình kiểm tra xe tải biển số 54U-3112 đang xuống hàng trên đường Lạc Long Quân, tạm giữ 3.790 hộp (10 viên/hộp) thuốc đông y và 21.630 cái quần áo lót không hóa đơn chứng từ. Cùng ngày, Đội QLTT 5B kiểm tra xe ô tô tải đang xuống hàng trên đường Trần Văn Kiểu (quận 5) tạm giữ 27.000kg đường cát không hóa đơn chứng từ…
Đủ mọi cách làm tổn hại hàng Việt
Theo bà Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao - đơn vị đang thực hiện dự án đưa hàng Việt vào chợ thì hàng Việt vào chợ cũng rất khó. Ở các chợ truyền thống thì ở tầng cao là hàng của các công ty đa quốc gia, ở tầng thấp thì có hàng của Trung Quốc, hàng không xuất xứ, hàng lậu, hàng giả. Hàng Việt Nam với chất lượng tốt lẽ ra ở tầng trung bình, tuy nhiên ở tầng này thì hàng của các công ty đa quốc gia, của Trung Quốc, thậm chí cả hàng lậu, giả ngày càng phình ra. Hai gọng kiềm này siết lại khiến hàng của các doanh nghiệp Việt Nam, ngay cả các sản phẩm có tiếng lâu đời vào chợ cũng khó.
Năm 2012, dự án đưa hàng Việt vào chợ truyền thống do Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức tại 10 chợ (thuộc 5 quận, huyện gồm huyện Bình Chánh, Thủ Đức, Bình Thạnh, 11 và quận 8) đã giúp độ phủ và doanh số của doanh nghiệp ở mỗi chợ tăng bình quân 30-40% so với trước đây. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng khiến họ muốn đứng vững cũng rất khó. Bởi, khi đã vào chợ được rồi thì các doanh nghiệp không chỉ cạnh tranh về mẫu mã, chất lượng, giá cả mà còn phải đương đầu với các chiêu "biến hóa" của hàng kém chất lượng. Chẳng hạn, khi người tiêu dùng đã bắt đầu tin vào hàng Việt thì hàng Trung Quốc cũng dùng chiêu đối phó là… "đội lốt" hàng Việt. Thậm chí, một số nhà sản xuất Việt Nam cũng mua hàng Trung Quốc về dán nhãn công ty mình rồi tung ra thị trường vì lợi nhuận cao hơn đã làm tổn hại đến uy tín hàng Việt rất nhiều. Tại các cửa hàng quần áo, giày dép rất nhiều sản phẩm ghi "Made in Việt Nam" nhưng người tiêu dùng không khó nhận ra đó là hàng Trung Quốc "đội lốt" vì hàng Việt khó… rẻ được như thế. Tại các chợ đầu mối nông sản, các mặt hàng cà rốt, cà chua, hành, tỏi, cam, lê, táo, gừng… của Trung Quốc cũng được "đội lốt" hàng Việt, như cam Trung Quốc được giới thiệu cam Vinh, cà rốt Trung Quốc được giới thiệu là cà rốt Đà Lạt…
Trong tháng 4, Đội QLTT 6B phát hiện tại kho hàng 633/12/38 Hồng Bàng (quận 6) có 1.050kg tăm xỉa răng Trung Quốc nhập lậu có dấu hiệu giả nhãn hiệu Minh Phương và hiệu Kim Phước. Cũng trong tháng này, QLTT TP cũng phát hiện và tạm giữ 210kg bột ngọt Trung Quốc giả nhãn hiệu Ajinomoto; 445kg bột giặt Omo, 14kg bao bì nylon đựng bột giặt giả nhãn hiệu Omo nhập lậu,… Tuy nhiên, con số này không là bao nhiêu so với tình trạng vi phạm trên thị trường, khiến hàng hóa của doanh nghiệp Việt vào chợ - nơi chưa được QLTT quản lý chặt chẽ càng khó khăn hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.