(HNMO) - Mới đây, tại TP Hồ Chí Minh, lực lượng Cảnh sát điều tra công an thành phố phối hợp với Đội QLTT 3A (thuộc Chi cục QLTT thành phố) bất ngờ kiểm tra cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm tại địa chỉ 5/28 Khiếu Năng Tĩnh (phường An Lạc A, quận Bình Tân) do ông Võ Minh Dũng làm chủ.
Theo kết quả kiểm tra bước đầu của cơ quan chức năng, hàng trăm nón bảo hiểm thành phẩm tại đây đều là hàng nhái của các thương hiệu. Ngoài ra, còn cả nghìn mũ chưa thành phẩm, đang chuẩn bị được các công nhân gia công.
Cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh liên tục triệt phá các vụ sản xuất mũ bảo hiểm “dỏm” trong những ngày giáp Tết Ất Mùi 2015. |
Làm việc với cơ quan chức năng, chủ cơ sở này không xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và hóa đơn chứng từ hàng hóa. Chủ cơ sở khai nhận mua các nguyên liệu như nón nhựa, gáo xốp, quai đeo, tem, nhãn hiệu... trôi nổi ngoài thị trường rồi thuê người gia công, gắn mác nhãn của nhiều thương hiệu đem bán giá rẻ. Lực lượng chức năng đã lập biên bản, tạm giữ toàn bộ tang vật và phương tiện, máy móc, nhãn hiệu hàng hóa có dấu hiệu vi phạm để tiếp tục điều tra, xử lý.
Trước đó, ngày 22-1, Chi cục QLTT TP Hồ Chí Minh tiến hành kiểm tra chi nhánh, kho chứa hàng Công ty TNHH sản xuất nhựa Phát Thành tại số 54A và 37 đường Lương Minh Nguyệt (quận Tân Phú). Theo đó, QLTT tiến hành tạm giữ hơn 100.000 sản phẩm mũ bảo hiểm thành phẩm và các nguyên phụ liệu (mút xốp, vỏ mũ) do phía công ty chưa xuất trình các giấy tờ liên quan đến nguồn gốc, công bố chất lượng hàng hóa.
Tại kho chứa hàng của công ty số 37 Lương Minh Nguyệt, cơ quan chức năng phát hiện lượng lớn mút xốp, vỏ mũ được đựng trong các thùng carton. Hơn 700 thùng vỏ mũ (mỗi thùng chứa khoảng 120 vỏ) được để kín trong kho chứa. Đặc biệt, rất nhiều võ mũ được làm bằng nhựa đen, nhựa tái chế. Ngoài võ mũ để sản xuất mũ bảo hiểm dành cho người đi mô tô, gắn máy, tại đây chứa số lượng lớn vỏ mũ để làm các sản phẩm mũ thời trang, cho người đi bộ.
Được biết, công ty Công ty TNHH sản xuất nhựa Phát Thành là đơn vị cung cấp sản phẩm mũ bảo hiểm cho đại lý Trọng Liễu (thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk). Đại lý Trong Liễu vừa bị cơ quan QLTT tỉnh Đắk Lắk kiểm tra và phát hiện những vi phạm trong kinh doanh mũ bảo hiểm giả tại hội chợ. Sản phẩm mũ bảo hiểm của công ty Phát Thành được Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 2 (TP Đà Nẵng) chứng nhận chất lượng, cấp tem CR hợp quy chuẩn.
Cũng liên quan đến hành vi sản xuất, mua bán hàng giả tại TP Hồ Chí Minh, ngày 29-1, Đội QLTT 5B (thuộc Chi cục QLTT TP Hồ Chí Minh) cho biết, lúc 21 giờ ngày 28-1, Đội QLTT 5B phối hợp với C46 (Bộ Công An) và Công an phường 2 (quận 5) ra lệnh kiểm tra xe tải biển số 57H-5367 đang dừng ở lề đường trước số nhà 131 Nguyễn Trãi (phường 2, quận 5).
Kiểm tra thực tế ghi nhận xe đang chở 959 đôi giày nữ hiệu Chanel và 100 đôi giày nữ hiệu LV không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu. Tài xế xe tên Lê Văn Thuận khai được thuê chở lô hàng trên từ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình) về giao cho một người tên Vân ở chợ An Đông (quận 5), tuy nhiên khi hàng bị lực lượng chức năng tạm giữ lại không liên hệ được với người này.
Lãnh đạo Đội QLTT 5B cho biết, sẽ thông báo tìm chủ hàng để làm việc nhưng về nguyên tắc lô hàng trên sẽ bị tiêu hủy không rõ nguồn gốc xuất xứ và có nhiều dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đã được bảo hộ.
Theo Chi cục QLTT TP Hồ Chí Minh, thời điểm giáp Tết Ất Mùi 2015 được xem là cao điểm của hành vi sản xuất, mua bản hàng hóa “dỏm”, nhái và kém chất lượng trên thị trường. Chi cục QLTT thành phố phối hợp với cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh mở liên tục các đợt kiểm tra và xử lý đối với các hành vi sản xuất và mua bán trên tại khắp địa bàn thành phố. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là các hành vi mua bán, sản xuất này luôn tinh vi và rất khó phát hiện, phải theo dõi sát sao và có bằng chứng thuyết phục mới tấn công triệt phá. Hiện nay lực lượng của các Đội QLTT thành phố lại mỏng nên điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình này.
Bên cạnh đó, hiện các biện pháp xử lý, chế tài đối với các hành vi nêu trên theo quy định lại quá nhẹ so với lợi nhuận mang lại, thậm chí chủ cơ sở sản xuất, mua bán sẵn sàng đóng tiền phạt. Chưa kể, các cơ sở này luôn thay đổi địa điểm, tên gọi… để qua mặt cơ quan chức năng. Do đó, thời gian tới, cần có quy định xử phạt thật cao đối với hành vi nói trên, thậm chí phải truy tố trách nhiệm hình sự nếu để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.