(HNM) - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 của TP Hồ Chí Minh tiếp tục tăng 1,07% so với tháng 6. Giá thịt lợn, thịt bò, thủy hải sản, trứng gia cầm, gạo và các loại rau xanh đều tăng cao khiến bữa cơm công nhân vốn đã nghèo dinh dưỡng lại càng nghèo hơn…
Quãng 5h30 chiều, sau giờ tan ca, cô công nhân tên Vân (KCX Tân Thuận, quận 7) nháo nhào chạy vào chợ Bùi Văn Ba để mua thức ăn bữa tối với 3 người bạn cùng phòng trọ. Thịt lợn hiện là món khá "xa xỉ" khi giá thịt ba rọi và thịt đùi đã lên tới 130.000 đồng/kg, thế nên Vân bỏ qua hàng này. Tần ngần trước sọt trứng vịt, nghe người bán hàng "hét" giá 3.500 đồng/quả, cô liền bước đến hàng cá. So với giá thịt và trứng thì giá các loại cá có vẻ "dễ chịu" hơn với khoảng 45.000- 50.000 đồng/kg cá nục, cá diêu hồng; nhưng nhìn những con cá đã trắng mềm vào lúc chiều muộn, cô lại băn khoăn bước đi. Thôi đành mua 3 miếng đậu phụ 9.000 đồng, thêm 3 quả cà chua để làm món đậu sốt vậy! Tính toán một lát, cô mua thêm 1 mớ rau muống và 1 quả chanh để làm món rau luộc. Tổng cộng hết 21.000 đồng chi phí thức ăn bữa tối cho 4 người, ấy là chưa tính tiền gạo, nước, ga, điện... Vân thở phào vì đã xong "nhiệm vụ" để trở về căn phòng trọ nơi các bạn đang chờ cô về cùng chuẩn bị bữa ăn tối.
Đời sống khó khăn, công nhân rất mong nhận được sự hỗ trợ từ chương trình bình ổn giá. |
Với thu nhập mỗi tháng hơn 2 triệu đồng, chỉ khi nào tăng ca liên tục mới được khoảng 3 triệu, thế nên thay đổi món ăn là cách mà Vân và nhiều công nhân đang áp dụng: từ thịt chuyển sang trứng, rồi trứng đắt lại chuyển qua cá, đậu phụ và các món khác rẻ hơn… Khi tô hủ tiếu vỉa hè đã lên giá 15.000 đồng, gói xôi 5.000 đồng thì những bữa ăn sáng ở bên ngoài cũng thưa dần, nhường chỗ cho cơm nguội rang hoặc nhịn luôn chờ đến bữa ăn trưa ở công ty; bữa tối lại qua loa với mấy miếng đậu phụ, mớ tép nát… Bài toán chi tiêu khắc nghiệt chưa tìm được lời giải, để rồi kết quả là sức khỏe đứng cuối bảng ưu tiên vì bữa ăn chỉ đủ no…
Công nhân tiết giảm chi tiêu, chợ ngày càng ế ẩm nên chất lượng thực phẩm cũng "xuống cấp". Tiểu thương không dám nhập thực phẩm tươi ngon về bán. Thịt, cá hay rau, củ, quả đều lựa hàng kém chất lượng để "đầu vào" rẻ hơn. "Bán đắt thì tụi nhỏ mua không nổi nên phải lấy loại 2, loại 3 để có thể bán rẻ hơn một chút" - bà Mười, bán hàng ở chợ Bùi Văn Ba, vừa nói vừa thở dài.
Từ đầu năm đến nay, CPI của TP tăng 12,73%, riêng mặt hàng thực phẩm trong 7 tháng đã tăng đến 20,67%. Trong rổ hàng hóa tính CPI tháng 7 thì thịt lợn, trứng ghi nhận mức tăng vượt trội so với các mặt hàng khác là 4,13%, 5,54% so với tháng 6. |
Trước sức ép giá cả bật tăng trong tháng 7 và chưa có xu hướng giảm trong tháng 8, UBND TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, tăng cường kiểm tra thị trường, phát hiện kịp thời những bất hợp lý về giá. Sở Tài chính được giao nhiệm vụ chỉ đạo các đoàn kiểm tra liên ngành, tăng cường kiểm soát thị trường, không để tình trạng lợi dụng biến động của thị trường để đầu cơ tăng giá bất hợp lý.
Để tạo điều kiện ổn định đời sống cho người lao động trong thời điểm giá cả luôn biến động hiện nay, kế hoạch "phủ đầy" cửa hàng bình ổn giá ở 15 KCX, KCN cũng đã được lãnh đạo TP đề ra với mục tiêu cuối năm 2011 sẽ thực hiện xong. Với giá hàng bình ổn thấp hơn thị trường ít nhất 10% và bảo đảm chất lượng, công nhân cũng sẽ đỡ phần nào mối lo tiền chợ. Tuy nhiên, cho đến nay mới chỉ có 2 cửa hàng Co.op Food của Saigon Co.op tại KCX Linh Trung II và KCN Hiệp Phước. So với 15 KCX, KCN đang hoạt động với hơn 250.000 công nhân hiện nay thì 2 cửa hàng bình ổn giá chỉ là con số ít ỏi.
Theo bà Quách Tố Dung, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, từ nay đến cuối năm 2011 sẽ có 9 cửa hàng bình ổn giá được mở tại KCN - KCX. Khó khăn nhất hiện nay là quỹ đất mở cửa hàng vì quy hoạch các KCX, KCN không dành phần đất cho hạ tầng xã hội. Hiện Sở Công thương đã làm việc với các ngành chức năng liên quan về việc dành đất xây dựng cửa hàng, xúc tiến nhanh việc xây dựng các cửa hàng bán hàng bình ổn giá ở các KCX, KCN để giảm bớt khó khăn cho công nhân trước sức ép tăng giá đang đè nặng lên cuộc sống như hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.