(HNM) - Dư âm của vụ khủng bố với nỗi sợ hãi vẫn bao trùm thủ đô Paris và một mối lo ngại khác đang lớn dần. Đó là lòng thù hận, chia rẽ dẫn đến làn sóng bài ngoại dâng cao, đe dọa sự bình yên của không chỉ nước Pháp mà cả Châu Âu.
Không ít người cho rằng, biên giới mở giữa 28 nước thành viên Liên minh Châu Âu (EU) cùng các chính sách kinh tế của khối này đã và đang tạo điều kiện cho các vụ khủng bố. Việc một kẻ khủng bố tình nghi mang quốc tịch Syria vào Pháp từ Hy Lạp càng củng cố mối lo ngại rằng: Các nhóm khủng bố như tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng có thể trà trộn vào số 800.000 người di cư ồ ạt đổ về Lục địa già trong năm nay và Pháp, Châu Âu đang phải trả giá cho chính sách nhân đạo của mình.
Nhiều người vẫn tới địa điểm bị tấn công khủng bố tại Paris đặt nến và hoa tưởng niệm các nạn nhân. |
Tại Pháp, người dân bị ám ảnh bởi cảm giác không nơi đâu còn an toàn. Sợ hãi đang khiến họ trở nên hoài nghi và thù hận. Ngay sau vụ khủng bố, lãnh đạo đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia Pháp (FN) Marine Le Pen tuyên bố, những kẻ Hồi giáo cực đoan cần phải bị xóa bỏ, nước Pháp phải cấm các tổ chức đạo Hồi hoạt động, đóng cửa các nhà thờ cực đoan và trục xuất người nước ngoài gieo rắc lòng thù hận trên đất Pháp; những người nhập cư bất hợp pháp không có việc gì để làm tại đây. Nếu như trước đây, quan điểm này của nữ lãnh đạo FN sẽ không nhận được ủng hộ của các cử tri thì sau ngày thứ sáu kinh hoàng tuần trước, tỷ lệ hưởng ứng đường lối của FN đang tăng. Thậm chí, nhiều cuộc thăm dò dư luận cho thấy, bà Le Pen có thể giành thắng lợi trong các cuộc bầu cử vào tháng 12 tới và có thể là nhân tố chính trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm 2017.
Tại Đức, nữ Thủ tướng Angela Merkel cũng đang phải chịu áp lực phải hạn chế số người di cư mà Berlin tiếp nhận. Trong khi đó, Ba Lan trở thành quốc gia EU đầu tiên lên tiếng phản đối việc tiếp nhận người tị nạn theo hạn ngạch. Động thái này có thể sẽ mở đường cho các quyết định tương tự được đưa ra từ những thành viên EU vốn không tán thành kế hoạch áp đặt hạn ngạch phân bổ người di cư như Séc, Romania, Hungary.
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, Mỹ đã tỏ ra phân vân với chính sách miễn thị thực nhập cảnh đối với công dân một số nước, trong đó có Pháp. Ngày 19-11, nhiều nghị sĩ Mỹ đã đề xuất một dự luật, theo đó yêu cầu mọi đối tượng muốn vào nước Mỹ phải đợi 30 ngày để các cơ quan chức năng tiến hành rà soát hồ sơ lý lịch. Đối với người đến từ các nước được miễn visa thường xuyên đến Mỹ với mục đích du lịch hoặc làm ăn, dự luật trên đề xuất: Những người này đăng ký tham gia chương trình "Global Entry" một chương trình theo dõi các chuyến bay quốc tế của những đối tượng đã được xác định thuộc nhóm "nguy cơ đe dọa thấp".
Thảm họa ngày 13-11 tại Paris cho thấy, nhiệm vụ chống khủng bố đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Có thể thấy các biện pháp an ninh ở nhiều nước được siết chặt, không chỉ tại Châu Âu mà ngay cả những nước chưa từng bị ảnh hưởng bởi khủng bố. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, việc nhiều thành viên EU chối bỏ tiếp nhận người di cư sẽ khiến cuộc khủng hoảng tại Lục địa già tiếp tục rơi vào thế bế tắc. Đây là nguyên nhân khoét sâu thêm những khác biệt vốn tồn tại âm ỉ trong ngôi nhà chung 28 thành viên thời gian qua. Đáng lo ngại hơn, cách tiếp cận bài ngoại, phân biệt đối xử với những người di cư sẽ gieo mầm hận thù, khiến việc hòa nhập vào cuộc sống ở nước sở tại trở nên khó khăn hơn. Điều này có thể thổi bùng nguy cơ mâu thuẫn tôn giáo và văn hóa, làm gia tăng sự chia rẽ và căng thẳng trong xã hội, kéo theo những hệ lụy tồi tệ hơn mà nguy hiểm nhất là tình trạng cực đoan hóa của một số thanh niên, một trong những nguyên nhân đe dọa an ninh và sự bình yên của châu lục.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.