Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hàn Quốc với nỗi lo già hóa dân số

Kim Phượng| 04/03/2018 08:10

(HNM) - Bất chấp những nỗ lực trong suốt thập kỷ qua nhằm làm chậm quá trình già hóa dân số, số lượng trẻ sơ sinh chào đời tại Hàn Quốc trong năm 2017 tiếp tục giảm xuống mức thấp kỷ lục mới.


Báo cáo công bố ngày 28-2 của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc cho biết, số lượng trẻ sơ sinh chào đời trong năm 2017 ở nước này là 357.700 trẻ, giảm 11,9% (tương đương 48.500 trẻ) so với năm 2016. Đây là tỷ lệ trẻ sơ sinh thấp nhất kể từ khi Cơ quan Thống kê Hàn Quốc tiến hành thu thập dữ liệu liên quan thông số này hồi năm 1970.

Theo tính toán trung bình của năm 2017, mỗi phụ nữ Hàn Quốc trong cả cuộc đời của mình sinh 1,05 con, giảm so với tỷ lệ 1,17 con trong năm 2016. Cơ quan Thống kê Hàn Quốc dự báo, do tỷ lệ kết hôn hiện rất thấp, nên tỷ lệ sinh con trong những năm tới tại nước này khó có thể tăng cao.

Vào thập kỷ 70 của thế kỷ trước, số trẻ ra đời ở Hàn Quốc trong một năm từng đạt tới 1 triệu. Tuy nhiên, bắt đầu từ sau năm 2000, Hàn Quốc rơi vào nhóm các nước có tổng tỷ suất sinh thấp nhất thế giới. Nếu tiếp tục xu hướng này, tới năm 2065, dân số trong độ tuổi lao động ở Hàn Quốc sẽ giảm xuống 20,62 triệu người.

Mặc dù già hóa dân số là xu hướng chung trên toàn thế giới nhưng vấn đề đặt ra là tốc độ này ở Hàn Quốc đang ở mức cao nhất thế giới. Tính tới năm 2017, dân số trên 65 tuổi của Hàn Quốc chiếm 13,8% tổng dân số, vẫn thuộc giai đoạn mới bước vào xã hội già hóa. Nhưng từ năm 2018, dự kiến con số này vượt ngưỡng 14%, và Hàn Quốc chính thức bước vào xã hội già; tới năm 2026 sẽ đạt trên 20% - giai đoạn xã hội “siêu già”. Dự kiến tới năm 2050, độ tuổi bình quân của người Hàn Quốc sẽ là 53 tuổi, đưa nước này trở thành quốc gia có dân số già nhất thế giới.

Trong một thập kỷ qua, Chính phủ Hàn Quốc đã chi 80.000 tỷ won (74,5 tỷ USD) để cải thiện tỷ lệ sinh, khuyến khích mô hình các gia đình đông con... Dẫu vậy, tỷ lệ sinh thấp "kinh niên" và dân số già hóa đặt ra mối lo ngại về thiếu hụt nguồn nhân lực, làm tăng chi phí trợ cấp xã hội, đồng thời giảm triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 4 Châu Á.

Khi nguồn lao động giảm, tiêu dùng và sản xuất sẽ đồng thời giảm theo. Đặc biệt, nếu dân số trong độ tuổi lao động tiếp tục xu hướng thấp đi như hiện nay thì đến năm 2036, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc sẽ rơi xuống ngưỡng 0%.

Để ngăn chặn kịp thời nguy cơ này, nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ Hàn Quốc cần nhanh chóng nghiên cứu tìm ra giải pháp và đối phó một cách chủ động với tình hình già hóa dân số hiện nay. Seoul cũng thấy rõ thách thức khi cho biết những năm tới có thể là cơ hội cuối cùng để đất nước nỗ lực thoát ra khỏi cái "bẫy" dân số.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hàn Quốc với nỗi lo già hóa dân số

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.