(HNM) - Mùa hè 2012 là một trong những mùa hè nóng nhất xứ Cờ hoa trong hơn 50 năm qua. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), lượng mưa ít và nhiệt độ cao khiến 3/5 diện tích lục địa Mỹ đang ở trong tình trạng hạn hán từ mức độ vừa phải đến nghiêm trọng.
Các cánh đồng ngô ở bang Illinois (Mỹ) bị đốt cháy vì nắng nóng kéo dài.
Kể từ đầu tháng 6, nhiệt độ đã đạt mức 100 độ F (gần 40 độ C) trong một thời gian dài ở nhiều nơi trên nước Mỹ, đặc biệt ở khu vực đồng bằng trung tâm. Do thiếu nước và nắng nóng cao độ, USDA đã xác định 1.297 khu vực tại 29 bang là "điểm thiên tai" trong năm nay. Kéo theo đó, khoảng 55% diện tích đất nông nghiệp bị khô hạn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và sản lượng nông sản, chưa kể nắng nóng thiêu cháy các đồng cỏ, tác động tiêu cực đến chăn nuôi gia súc. Nhà khí tượng học Erik Pindrock nhận định tình trạng nhiệt cao, không khí khô nóng sẽ kéo dài suốt tháng 7 và diễn ra cả trong tháng 8. Các cánh đồng rộng lớn trồng ngô và đậu tương tại miền Trung - Tây nước Mỹ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt hạn hán đang hứa hẹn còn kéo dài này. Mặc dù lĩnh vực nông nghiệp của Mỹ chỉ chiếm 1,2% trong tổng GDP quốc gia, nhưng đây lại là một trong các nước sản xuất và xuất khẩu hàng đầu thế giới về ngô, lúa mỳ và đậu tương. Điều đó đồng nghĩa với việc hạn hán sẽ ảnh hưởng tới sản lượng của những mặt hàng trên, gây thiếu hụt lương thực và cả lạm phát trên toàn cầu. Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết từng được dự báo đạt doanh thu kỷ lục 14 tỷ USD trong năm nay, nhưng giờ đây chỉ còn lại 31% sản lượng ngô đạt chất lượng tốt. Ngày 18-7 vừa qua, giá ngô ngắn hạn trên thị trường Chicago lên tới 7,71 USD/bushel (1 bushel tương đương 25,4 kg ngô). Thời tiết nắng nóng đồng thời cũng tác động mạnh tới giá đậu tương, hiện cũng đã lên đến 15,9 USD/bushel, tăng 31,2% và giá lúa mỳ cũng ở trong tình trạng tương tự - chạm mốc 8,85 USD/bushel, tăng 26,1%. Giá lúa mỳ tăng cao còn do tác động của thời tiết xấu tại khu vực biển Đen. Giá lương thực tăng và kéo dài quá lâu đã đẩy giá thực phẩm tăng theo với mức tăng trung bình khoảng 3,5%-4,5%. Cụ thể, giá dầu thực vật tăng 4-5%, giá thịt bò và thịt gà tăng 3-4%, giá sữa và pho mát tăng 2-3%, giá trứng tăng 1-2%...
Mỹ là nhà sản xuất ngũ cốc và thịt hàng đầu thế giới, do đó, trong bối cảnh hạn hán nghiêm trọng đang diễn ra, các nhà đầu cơ nông sản xứ Cờ hoa quả quyết rằng, xu hướng tăng giá nông sản trong thời gian tới là không thể đảo ngược. Hơn thế, nó còn trở thành mối đe dọa làm tăng giá nhiên liệu; đồng thời cắt giảm sản lượng xuất khẩu cũng như cứu trợ cho các quốc gia đói nghèo trên khắp thế giới. Các chuyên gia kinh tế thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách lương thực của Mỹ nhận định rằng, giá bánh mỳ ở khu vực Bắc Phi sẽ tăng, giá thịt gà và lợn ở Trung Quốc cũng sẽ tăng theo, tiếp đến là thịt bò, sữa và trứng cũng lên giá do ngô và đậu tương là hai thức ăn chính để nuôi các loại gia súc và gia cầm tăng cao. Theo các chuyên gia nông nghiệp, các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở Châu Á sẽ là Trung Quốc, Ấn Độ - hai nước có dân số đông nhất thế giới - và hầu hết các nước Mỹ Latin cũng sẽ bị ảnh hưởng do đợt tăng giá lương thực này.
Như vậy, nếu cuộc "chống hạn" bất thành tại nhiều vùng nông nghiệp ở nước Mỹ thì lạm phát gia tăng và kéo dài trong nhiều tháng tới là điều có thể không chỉ ở xứ Cờ hoa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.