(HNM) - Trong chuyến thăm chính thức Liên bang Nga, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã có cuộc hội đàm nồng ấm với Tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin tại Sochi. Theo đó, hai bên đã nhất trí khôi phục quan hệ ở cấp độ đối ngoại bình thường.
Đây là dấu mốc quan trọng, chấm dứt những khủng hoảng, hoàn tất quá trình hàn gắn mối quan hệ giữa hai quốc gia từng là những đối tác thân cận của nhau. Đây là chuyến thăm thứ hai trong vòng 2 tháng qua của người đứng đầu Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tới Nga.
Tổng thống Nga V.Putin (phải) và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc gặp tại Sochi. |
Tổng thống V.Putin cho biết đã thảo luận với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ về việc loại bỏ các rào cản thương mại cũng như khôi phục đầy đủ mối quan hệ giữa hai nước. Ông chủ Điện Kremlin cũng tin tưởng “Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là một đối tác quan trọng và đầy hứa hẹn của Nga”; khẳng định sau một thời kỳ căng thẳng với nhiều thử thách, quan hệ hai nước đang quay trở lại đúng quỹ đạo vốn có, sẵn sàng phát triển hợp tác về nhiều mặt. Đáp lại, Tổng thống R.Erdogan cũng đề cao sự hợp tác của Mátxcơva và Ankara khi cho rằng, việc phối hợp giữa hai bên sẽ đem lại nhiều thay đổi quan trọng đối với khu vực Trung Đông hiện nay. Đều là những quốc gia có ảnh hưởng đến tình hình Syria, việc Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tìm được tiếng nói chung sẽ đem lại những thay đổi tích cực cho quốc gia này, đặc biệt trong vấn đề xác định vai trò tương lai của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Một tín hiệu đáng mừng cũng xuất hiện khi ông R.Erdogan lên máy bay về nước, đã đưa ra nhận định tích cực rằng, việc thành lập các khu vực giảm căng thẳng tại Idlib và 5 vùng khác tại Syria theo đề xuất trước đó của Nga sẽ giải quyết được 50% xung đột trong khu vực.
Cuộc khủng hoảng trong quan hệ giữa Mátxcơva và Ankara nổ ra sau khi một chiếc F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay ném bom Su-24 của Nga tại Syria vào tháng 11-2015. Quan hệ giữa hai nước chỉ được cải thiện khi Tổng thống R.Erdogan gửi thư tới người đồng cấp Nga, chính thức xin lỗi về sự cố đáng tiếc trên. Tuy nhiên, kể từ đó tới nay, những biện pháp trừng phạt kinh tế mà Nga áp đặt lên Thổ Nhĩ Kỳ (tháng 1-2016) vẫn chưa được dỡ bỏ hoàn toàn, khiến mỗi bên thiệt hại khoảng 2 tỷ USD. Vì vậy, việc bình thường hóa quan hệ kinh tế nhận được ưu tiên hàng đầu trong nỗ lực hàn gắn quan hệ giữa hai bên. Trong chuyến thăm lần này, Nga cũng đã thông báo sẽ khởi động một quỹ đầu tư chung trị giá khoảng 1 tỷ USD với Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời khẳng định cam kết sẵn sàng giúp nước này cải thiện an ninh tại các khu du lịch nghỉ dưỡng.
Ở một khía cạnh khác, việc Thổ Nhĩ Kỳ xích lại gần Nga có thể sẽ tác động đáng kể đến cục diện các mối quan hệ quốc tế, đặc biệt tại Châu Âu. Chuyến công du diễn ra chỉ một ngày sau khi Tổng thống R.Erdogan lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ Liên minh Châu Âu (EU), trong bài phát biểu tại buổi lễ đánh dấu việc ông được bầu lại làm Chủ tịch đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền. Ông R.Erdogan đã cáo buộc EU cố tình để Thổ Nhĩ Kỳ phải chờ đợi quá lâu và đưa ra quá nhiều điều kiện để được gia nhập khối, đồng thời cảnh báo nếu EU không mở ra một chương mới trong tiến trình giúp Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập liên minh, Ankara sẽ buộc phải nói lời từ biệt. Trong khi đó, Mỹ tới nay cũng không che giấu tham vọng lôi kéo Thổ Nhĩ Kỳ về phía mình. Sau cuộc trưng cầu Hiến pháp gây tranh cãi ngày 16-4, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng là nhà lãnh đạo phương Tây duy nhất gọi điện chúc mừng ông R.Erdogan.
Do đó, việc đạt được bình thường hóa quan hệ với Nga chắc chắn sẽ tạo ra lợi thế lớn hơn cho Thổ Nhĩ Kỳ trong việc xây dựng quan hệ với Mỹ. Đặc biệt, trong bối cảnh nhà lãnh đạo quốc gia nằm giữa hai lục địa Á - Âu sẽ thăm Nhà Trắng trong hai ngày 16 và 17-5 tới. Trên thực tế, Ankara vẫn cần tới sự ủng hộ của Washington trong những cuộc đàm phán với các nhà lãnh đạo EU vào cuối tháng 5 trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Brussels (Bỉ).
Sau thời gian dài căng thẳng về ngoại giao, cuộc gặp mang tính xây dựng giữa nhà lãnh đạo cao nhất của hai nước một lần nữa chứng tỏ thiện chí từ cả Thổ Nhĩ Kỳ và Nga nhằm hàn gắn những mâu thuẫn trong quá khứ và tái lập mối quan hệ hợp tác tốt đẹp, cùng có lợi trong tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.