Dịp Tết Thanh Minh, khoảng 300.000 người cùng tới một công viên ở thành phố Thâm Quyến, khoảng 10.000 trong số đó đi bằng xe đạp thuê, và rất nhiều người không biết để xe ở đâu.
Số lượng xe đạp khổng lồ xếp trùng trùng lớp lớp khiến người đi bộ phải men theo mép hồ. Thậm chí, việc đi bộ qua bãi xe này khó tới mức, ai đó hoàn toàn có thể đơn giản là lấy một chiếc xe bất kỳ nào đó và lái đi, ít nhất cũng tạo ra một chỗ trống, theo Business Insider.
Thực tế, tình hình ô nhiễm không khí lên đến mức báo động tại các thành phố lớn ở Trung Quốc dẫn đến việc chính phủ nước này kêu gọi người dân tiết kiệm nhiên liệu, giảm sử dụng các phương tiện giao thông cá nhân có sử dụng động cơ nhằm giảm khí thải ra môi trường.
Xe đạp vốn gắn bó lâu đời với người dân Trung Quốc, nhưng trong vài năm gần đây, dịch vụ cho thuê xe đạp (hay chia sẻ xe đạp - bike-sharing) phát triển chóng mặt, đặc biệt bùng nổ tại các thành phố lớn. Những cái tên như Mobike, Ofo và mới đây là Bluegogo góp phần tạo ra cuộc chiến sở hữu những con phố tràn ngập xe đạp.
Nhưng cạnh tranh lại nảy sinh những rắc rối khi các hãng đua nhau mang đến những dịch vụ mà ở đó, xe càng dễ sử dụng và càng dễ thuê càng tốt.
Khi cần dùng, bạn chỉ cần tới một bãi để xe, quẹt thẻ và lái đi. Khi kết thúc, chỉ việc để xe ở bãi để xe gần nhất.
Nhưng thậm chí có hãng còn không cần tới bãi để xe. Xe đạp được đặt ở những địa điểm chính khắp thành phố, và nhờ kết nối qua GPS, khách hàng có thể xác định vị trí thông qua ứng dụng trên di động. Khi đó chỉ việc quét mã để mở khóa và lấy xe đi rồi để lại bất cứ chỗ nào khi đã xong việc. Tất cả chỉ cần: định vị, mở khóa, khóa, trả tiền.
Để bắt kịp các đối thủ, hãng đến sau là Bluegogo tự xây dựng nhà máy sản xuất và có quan hệ đối tác với 8 nhà máy khác. Nhà sáng lập hãng, Tony Li, 28 tuổi, từng tiết lộ rằng hãng này sản xuất 10.000 xe mỗi ngày.
Theo quy định của một số thành phố, như Thượng Hải, xe đạp phải có tính năng định vị và phải trở thành đồ phế liệu sau 3 năm sử dụng. Đặc biệt, trẻ em dưới 12 tuổi bị cấm sử dụng xe đạp.
Đại diện chính quyền thành phố Thượng Hải cho biết, một cuộc điều tra cho thấy xe đạp loại này được sản xuất dưới tiêu chuẩn quốc gia, có thể chứa đựng những nguy cơ về an toàn sau khi được sử dụng ở tần suất cao và quãng đường dài. Bên cạnh đó, các hãng tung ra thị trường nhiều xe đến mức không đủ người để quản lý và bảo dưỡng xe. Những vấn đề nảy sinh còn bao gồm việc xe bị để sai chỗ và việc quản lý tiền đặt cọc không minh bạch.
Khi xe bị loại bỏ sau 3 năm, mọi linh kiện không được phép tái sử dụng để lắp cho xe mới. Ngoài ra, các chủ sở hữu tư nhân bị cấm tham gia dịch vụ cho thuê xe.
Khoảng 2,2 triệu xe đạp được các hãng cho thuê "dàn quân" ở những thành phố lớn tại Trung Quốc. Xe thường được người dân sử dụng để đi từ bến tàu điện ngầm tới chỗ làm, về nhà hoặc những địa điểm khác. Vào dịp cuối tuần, khách du lịch dùng xe đạp để tham quan những di tích lịch sử trong thành phố.
Trong khi các nhà quản lý vẫn đang nỗ lực tìm giải pháp quản lý, các hãng cho thuê xe vẫn đua nhau thu hút khách hàng. Ngày càng nhiều xe xuất hiện trên đường phố, góp phần khiến giao thông thêm phức tạp, đặc biệt khi dùng xong, người ta bỏ lại xe bất cứ chỗ nào thấy tiện.
Vào giờ cao điểm, xe đạp thậm chí nằm trên làn đường dành cho xe buýt. Xe đạp xếp hàng dài dằng dặc, thậm chí xếp đống bên lối đi bộ. Sự bừa bãi ngày càng phổ biến, và việc sửa chữa, đối với những chiếc xe đang được sử dụng cũng như thói quen và ý thức của người dân, là không thể đo đếm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.