Từ Tampere, thành phố trẻ bạt ngàn rừng và hồ, vợ chồng tôi đi Helsinki. Tàu đông, một anh chàng đầu trọc, áo quần đầy dây xích giở gương, phấn, bút ra tự tạo hình, một gương mặt chỉ thấy trong phim kinh dị. Chả ai để ý, cứ hí hoáy đọc sách, rì rầm chuyện trò, một đặc tính Phần Lan - rất tôn trọng sự riêng tư.
Đón sẵn ở ga là anh chị Võ Xuân Quế, Bùi Việt Hoa - cặp vợ chồng nổi tiếng trong cộng đồng Việt ở xứ sở của ông già Noel (Santa Claus). Đều là tiến sĩ ngành ngôn ngữ, văn học, họ đã chuyển sang tiếng Việt nhiều tác phẩm Phần Lan tiêu biểu như “Mumi” của nữ nhà văn, họa sĩ Tove Jansson, “Người Ai Cập - Quyền lực và Tình yêu” của Mika Toimi Waltari… Chị Hoa đã dịch “Con rít” của nhà văn Phần Lan Risto Isomäki. Hơn hai chục năm trước, chị nhận giải thưởng Văn học dịch của Hội Nhà văn Việt Nam với “Sử thi Phần Lan Kalevala”, biên soạn “Con cháu Mon Mân” từ các sử thi Việt sang tiếng Phần.
Còn cuốn “Ngôi sao phương Bắc” của anh Quế được nhiều người Việt coi là cẩm nang khi muốn tìm hiểu “đất nước đáng sống nhất thế giới”, tái bản có bổ sung nhiều lần. Với bộ đôi “hướng dẫn viên” này, hành trình du ngoạn thủ đô Phần Lan hẳn phải dày đặc địa chỉ văn hóa. Chứ nếu không, tôi đã chỉ ghi nhận được bằng mắt, rằng Helsinki nhiều sắc dân, kiểu cách mặc, món ăn hơn, các kiến trúc cổ kính điệu đà, không thiên về công năng như Tampere hiện đại.
Ngạc nhiên là chủ nhà mang theo xe đạp. “Thăm Helsinki phải có cái này” - anh Quế nói. Đạp xe là một văn hóa ở xứ nhiều đồi dốc, chả phải chỉ để thể dục, thư giãn mà còn cho công việc. Còn về thời gian, đang mùa hạ hoa trái nơi nơi, ai cũng tranh thủ ra ngoài trời, vài tháng nữa ngày “co” lại, tuyết xuống là chịu. Người Phần Lan bình thường ít giao tiếp nhưng lại ưa đến với những sự kiện lớn.
Đang có festival âm nhạc, thanh niên mặc đủ kiểu đổ ra đường, đội mưa xem trình tấu. Với con xe nhiều tầng líp, lúc thủng thẳng ngắm nhìn, lúc bặm môi leo dốc, mồ hôi ròng ròng, tôi thấy thương khách đi “tua” (ở Việt Nam) chỉ chứng kiến phong cảnh trong ô tô máy lạnh. Luôn được ô tô nhường đường, nên tôi lại nhường người đi bộ, nhất là trẻ em gặp trên đường.
Thư viện thành phố nằm không xa ga tàu, hoàn thành dịp 100 năm Phần Lan tách khỏi Liên Xô. Nhiều kệ sách đủ chủng loại, có tiếng Nga, Anh, Pháp, Trung, Việt... mượn hay trả đều qua máy tính chứ không phải thủ thư. Thư viện có chức năng đa dạng: Sân chơi trẻ em, chỗ nghỉ ngơi, sửa quần áo, làm sự kiện… Tôi định chụp người ngủ ngon trong “ghế” tạo hình ngộ nghĩnh nhưng được nhắc làm vậy là xâm phạm đời tư.
Thời gian này, Bảo tàng Nghệ thuật Helsinki tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm ngày sinh của tác giả Mumi - nữ nhà văn, họa sĩ Tove Jansson (9-8-1914) với nhiều hoạt động như chiếu phim hoạt hình, bày sách, tranh tượng... Chúng tôi đạp xe qua thư viện đại học, đồi Nghị viện, những đài kỷ niệm danh nhân, rồi tượng Mannerheim - vị thống chế “vĩ đại nhất” lịch sử hiện đại của đất nước… Một địa chỉ vợ tôi “hằng nghe, hằng mơ” là nhà thờ Tin lành Temppeliaukio. Vẻ ngoài cứng cáp như “boong ke” rất “phi truyền thống” nhưng trong nhà thờ cũng những hàng ghế, bục lễ... Nhà thờ này từng gây tranh cãi, bị chỉ trích và vẽ bậy lên khi khánh thành cách nay bảy chục năm. Dần dần, chốn thờ phụng “kiêm” thêm địa chỉ du lịch (vé khoảng 7 - 9 euro) nhờ kiến trúc độc đáo, thiết kế chỉ chọn được qua ba cuộc thi. Mái vòm tròn đường kính 24m thu hút ánh sáng tự nhiên. Tường cao 13m gồm những khối đá granite chắc phải chục tấn màu vàng chồng lên nhau. Khách đủ màu da, Nhật, Hàn, Nga… xếp hàng vào đông, im lặng trong thánh đường hoặc say mê chụp ảnh. Temppeliaukio còn là một đặc trưng cho kiến trúc dưới lòng đất của Helsinki - thành phố có 10 triệu mét vuông ngầm chống bom đạn (nếu có), hiện được sử dụng làm bể bơi, nhà thờ, cửa hàng, đường đua xe…
“Bây giờ ta thăm nghĩa trang”, anh Quế nói khi vào mũi đất chìa ra biển Baltic. Tôi ngạc nhiên, rồi nhận thấy mình đang khám phá một địa điểm dày đặc văn hóa, lịch sử của Phần Lan. Nghĩa trang Hietaniemi gần 200 tuổi, chừng như ban đầu có một phần chìm của các gia tộc lớn. Ngoài nhà nguyện, khu hỏa táng “thông thường” là tượng thống chế Mannerheim và hàng trăm mộ binh lính vô danh mất trong các cuộc chiến tranh nửa đầu thế kỷ XX. Râm mát, sạch sẽ và rất đẹp, người tản bộ được thưởng tâm thức an lành, tò mò khám phá. Tại đây có những khu riêng của người theo Do Thái giáo, Hồi giáo, Chính thống giáo. Rừng Chính khách là nơi yên nghỉ của nhiều đời tổng thống, người có ảnh hưởng. Đồi Nghệ sĩ có mộ tác giả “Mumi”, “Người Ai Cập - Quyền lực và Tình yêu” đã nhắc ở trên. Có tượng, quây rào gang hay chỉ phiến đá đơn giản, người nằm bên dưới - ở dạng tro cốt, hẳn an lành vì luôn được thay hoa tươi, nghe mòng biển kêu sin sít, đàn ngỗng vừa ăn cá biển lại đủng đỉnh gặm cỏ.
Rời nghĩa trang, chúng tôi qua cảng Tây có tàu du lịch sang Estonia, cảng Đông đi Thụy Điển, khu sauna nổi tiếng cạnh công trường lấn biển làm du lịch. Ngoài ra còn có ba tàu phá băng, vườn thú, đảo pháo đài Suomenlinna… Hai ngôi nhà cao nhất thành phố được gọi là “Manhattan của Helsinki” nhưng chỉ độ mươi tầng. Về nhà anh chị Quế - Hoa, toàn thân tôi nhức mỏi, đẫm mồ hôi, xem bản đồ không khỏi tự hào đã đạp xe qua nửa chu vi thủ đô Phần Lan, lại “tiếc” không được đi bộ chục cây số ấy.
Trận mưa lướt thướt sáng hôm sau không cản trở hành trình xe đạp. Người ta ra ngoài trời nhiều, đi bộ thảnh thơi với ủng, quần áo mưa. Bờ Baltic quãng này ít di tích hơn, thiên nhiên trở thành chủ đạo. Khu dân cư nào cũng có sân chơi trẻ em với đu, ngựa gỗ, cầu trượt, bãi cát sỏi... Sậy và đủ sắc hoa sát mép nước. Đàn ngỗng biển dữ tợn có thể tấn công người. Tôi ngạc nhiên, nước biển Baltic không mặn, rồi té ra chỗ này gần cửa sông. Ngôi làng ở đây là phát tích của thủ đô Phần Lan hiện nay, vua Thụy Điển chuyển dân ra, giờ còn dấu vết tòa thị chính đầu tiên. Còn kiến trúc ốp gạch đỏ cổ kính hóa ra là nhà tù, vẫn dùng, với thư viện, máy tính, phòng thể dục. Chốn không có tự do như thế chắc có tác dụng giáo dục với người chịu án...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.