Đô thị

Dịch vụ xe đạp đô thị ở Hà Nội:Vì sao chưa thật sự hấp dẫn?

Thùy Trang - Khánh Xuân 24/10/2024 - 06:35

Dịch vụ xe đạp đô thị ở Hà Nội được kỳ vọng góp phần giảm thiểu phương tiện cá nhân, trở thành “mảnh ghép” kết nối hiệu quả các loại hình giao thông công cộng, hướng tới mục tiêu xây dựng một thành phố xanh, sạch, thông minh... Tuy nhiên, sau hơn 1 năm thí điểm, loại hình này dường như mới chỉ phục vụ việc đi chơi, trải nghiệm của một bộ phận người dân, chưa trở thành lựa chọn hằng ngày của người tham gia giao thông nên hiệu quả chưa như mong muốn...

xe-dap.jpg
Người dân sử dụng dịch vụ xe đạp đô thị bằng ứng dụng TNGo. Ảnh: Trí Nam

Góp phần xây dựng Thủ đô xanh

Từ ngày 24-8-2023, dịch vụ xe đạp đô thị đã được triển khai thí điểm tại thành phố Hà Nội. Với giá thuê rẻ (chỉ 10.000 đồng/giờ), nhiều người dân sống tại Hà Nội, kể cả học sinh, sinh viên cũng có thể tiếp cận dịch vụ xe đạp đô thị. Nhiều trạm xe đạp được đặt gần các ga đường sắt đô thị, điểm dừng xe buýt, công viên, vườn hoa, trung tâm thương mại... đã đem lại sự thuận tiện khi người dùng phải di chuyển tới nhiều địa điểm.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Trí Nam Đỗ Bá Dân (đơn vị thí điểm dịch vụ xe đạp đô thị) cho biết, sau hơn một năm thí điểm, tập đoàn đã triển khai hơn 700 xe đạp tại 88 điểm ở 6 quận được phép cho hoạt động. Đến nay, dịch vụ đã thu hút hơn 208.000 khách đăng ký, trung bình mỗi ngày có gần 700 khách đăng ký mới. Có gần 340.000 chuyến đi được thực hiện (trung bình mỗi ngày hơn 1.100 chuyến). 100% thời gian hoạt động trong ngày đều có khách hàng sử dụng. Trên toàn bộ khu vực thí điểm chưa xảy ra vụ tai nạn giao thông nào liên quan đến hoạt động của xe đạp đô thị.

Là một trong những khách hàng sử dụng dịch vụ xe đạp đô thị, bạn Nguyễn Lan Hương, sinh viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội chia sẻ: Việc tải ứng dụng và sử dụng dịch vụ khá dễ dàng. Chỉ sau khoảng 1 phút thao tác quét mã QR trên ứng dụng TNGo, người dùng có thể sử dụng xe hoặc trả xe ở bất kỳ trạm nào. Ngoài ra, xe đạp cũng được thiết kế để tối ưu hóa trải nghiệm cho khách hàng, có đầy đủ giỏ để đồ, chỗ để bình nước, cài điện thoại chắc chắn.

Đặc biệt, thống kê cho thấy, trong tổng số 88 trạm xe đạp, có 42 trạm gần với các điểm dừng, nhà chờ xe buýt và nhà ga đường sắt đô thị (chiếm tỷ lệ 46,5%). Hơn 100.000 chuyến đi đã được thực hiện tại các trạm này phản ánh tiềm năng lớn trong việc kết nối xe đạp đô thị với các phương tiện giao thông công cộng khác. Lưu lượng sử dụng trung bình 100 chuyến xe đạp/ngày tại trạm nhà ga đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông là một điển hình về tính hiệu quả của việc kết nối này.

“Việc triển khai dịch vụ xe đạp công cộng phù hợp với xu hướng phát triển giao thông xanh, thân thiện môi trường, đáp ứng nhu cầu di chuyển ngắn, linh hoạt của người dân, góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông. Đồng thời, dịch vụ cũng góp phần nâng cao ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường, xây dựng thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng thay vì phương tiện cá nhân”, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Đào Việt Long đánh giá.

Kiến nghị gia hạn thời gian thí điểm

Được kỳ vọng nhiều, song thực tế lại cho thấy, dịch vụ xe đạp đô thị vẫn chưa thể đáp ứng mục tiêu trở thành phương thức di chuyển phổ biến của hành khách, mà mới chủ yếu phục vụ việc đi chơi, trải nghiệm của một bộ phận người dân, nhất là giới trẻ.

Lãnh đạo Công ty cổ phần Tập đoàn Trí Nam thừa nhận, dù được thành phố miễn phí sử dụng vỉa hè, song đến nay, dịch vụ cho thuê xe đạp vẫn chưa thể có lãi. Chi phí đầu tư giai đoạn đầu là hơn 6,4 tỷ đồng nhưng doanh thu chỉ đạt hơn 3,7 tỷ đồng.

Nhiều ý kiến cho rằng, nắng nóng, mưa lớn, gió mùa, những diễn biến thất thường của thời tiết đã khiến việc đạp xe trở nên khó khăn và ít hấp dẫn hơn so với các phương tiện khác. Số lượng trạm xe và mật độ xe còn thấp. Hơn nữa, hạ tầng đường bộ chưa đồng bộ với hệ thống xe đạp. Hiện nay, thành phố Hà Nội vẫn chưa có nhiều đường dành riêng cho xe đạp. Điều này khiến người đi xe đạp phải đối mặt với nhiều nguy hiểm khi tham gia giao thông hỗn hợp cùng với xe máy, ô tô... Trong khi đó, đa số người dân Hà Nội vẫn đang quen thuộc với việc sử dụng xe máy, ô tô cá nhân. Do đó, việc chuyển sang sử dụng xe đạp công cộng đòi hỏi một sự thay đổi rất lớn trong nhận thức.

Nhằm đánh giá chính xác hơn về hiệu quả của hoạt động dịch vụ xe đạp đô thị, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã kiến nghị UBND thành phố Hà Nội gia hạn thời gian thí điểm đến hết năm 2025 để tiếp tục nghiên cứu, đề xuất và hoàn thiện các cơ sở, quy định quản lý đối với loại hình này. Cùng với đó, thành phố sẽ nghiên cứu mở rộng phạm vi hoạt động. Việc mở rộng phạm vi sẽ được thực hiện trên cơ sở báo cáo đánh giá, rà soát các vị trí thí điểm hiện nay để điều chỉnh, bổ sung các vị trí mới nhằm thu hút người dân sử dụng dịch vụ…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dịch vụ xe đạp đô thị ở Hà Nội: Vì sao chưa thật sự hấp dẫn?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.