(HNMO) - Chiều 23-5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã báo cáo Quốc hội dự án Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.
Người đứng đầu ngành tài chính khẳng định, dự án Luật nếu được thông qua sẽ góp phần hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý điều chỉnh hoạt động đầu tư và quản lý vốn nhà nước; khắc phục những bất cập đang tồn tại hiện nay và đảm bảo tính pháp lý đồng bộ với các luật có liên quan. Đồng thời, việc ban hành Luật sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phục vụ cho quá trình tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), tái cơ cấu nền kinh tế cũng như đóng góp tích cực vào công tác phòng, chống tham nhũng và lãng phí trong quản lý kinh tế.
Song thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của QH cho thấy, còn nhiều nội dung phải chỉnh sửa mới đạt mục đích nêu trên. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu đề nghị, Ban soạn thảo cần xác định rõ hơn những ngành, lĩnh vực sẽ đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp theo từng hình thức đầu tư cụ thể. Theo đó, cần hạn chế tối đa việc Nhà nước thành lập doanh nghiệp mới, cũng như làm rõ những ngành, lĩnh vực mà Nhà nước cần tiếp tục duy trì tỷ lệ cổ phần, vốn góp và đề nghị quy định cụ thể hơn về vai trò, mô hình hoạt động của doanh nghiệp có chức năng đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước. Cũng theo ông Nguyễn Văn Giàu, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định cụ thể hóa định hướng tiếp tục sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước như đã nêu tại Kết luận số 50-KL/TW ngày 29/10/2012 tại Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.
Về quản lý vốn, tài sản tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, quy định tỷ lệ về phân phối lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp phải thống nhất với các quy định pháp luật về quản lý ngân sách nhà nước.
Để bảo đảm nguồn vốn Nhà nước đầu tư cho DN đạt 2 yếu tố: minh bạch, hiệu quả, nên xác định rõ hơn những ngành, lĩnh vực mà Nhà nước được đầu tư, đặc biệt lĩnh vực độc quyền Nhà nước, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội...(Điều 10); những ngành, lĩnh vực cần duy trì doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (Điều 13); những ngành, lĩnh vực mà Nhà nước cần tiếp tục duy trì tỷ lệ cổ phần, vốn góp tại doanh nghiệp (Điều 16); nguyên tắc để mua lại một phần vốn hoặc toàn bộ doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác khi Nhà nước điều chỉnh cơ cấu kinh tế, trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội (Điều 19).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.