(HNM) - Hàng loạt vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe tải, xe khách, đặc biệt là vụ tai nạn thảm khốc ở Lào Cai mới đây đã cho thấy những lỗ hổng lớn về mặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ hiện nay.
Hộp đen: Chưa đủ độ tin cậy
Thiết bị giám sát hành trình (hay còn gọi là hộp đen) mà các DN bắt buộc phải lắp đặt và kết nối thông tin với Trung tâm Dữ liệu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) thời gian qua được đánh giá là công cụ hữu hiệu giúp các cơ quan quản lý nhà nước dễ giám sát, xử lý vi phạm; về phía các DN cũng dễ dàng quản lý đội ngũ lái xe. Tuy nhiên, từ kết quả phân tích tình hình vi phạm từ dữ liệu hộp đen trong tháng 8-2014 cho thấy, dường như các DN vận tải và lái xe vẫn còn mang nặng tư tưởng đối phó với cơ quan chức năng. Thống kê cho thấy, số phương tiện đã truyền dữ liệu từ hộp đen về máy chủ tại Tổng cục là 69.973 xe, trong đó phương tiện vi phạm quá tốc độ là hơn 36.000 phương tiện (chiếm tỷ lệ 51,5%) tăng 1,6% phương tiện so với tháng 7-2014; vi phạm về thời gian lái xe khá phổ biến với 51.564 lần lái xe vi phạm chạy liên tục quá 4 giờ, tăng 5.072 lần so với tháng 7-2014. Bên cạnh một số địa phương có tỷ lệ truyền dữ liệu cao như Sóc Trăng (94,7%), Long An (91,7%), Ninh Bình (88,7%)... vẫn còn nhiều địa phương có tỷ lệ phương tiện truyền dữ liệu thấp dưới 50% là Khánh Hòa (36,2%), Hà Nội (42,9%), Bình Phước (47,8%), Quảng Nam (50%)...
Việc khám sức khỏe định kỳ cho lái xe là hết sức cần thiết.Ảnh: Hồ Như |
Có thể nói, hộp đen ít nhiều đã phát huy tác dụng bởi từ các thông tin trích xuất được, không ít DN vận tải đã bị xử lý. Thế nhưng, sau vụ tai nạn thảm khốc tại Lào Cai, đã có những câu hỏi được đặt ra, xe khách Sao Việt có hộp đen nhưng tại sao cơ quan chức năng không phát hiện ra chiếc xe xấu số đó chạy sai hành trình, đáng ra phải dừng ở TP Lào Cai nhưng lại "vô tư" chạy tiếp lên Sa Pa. Câu hỏi này được đại diện Tổng cục ĐBVN giải thích: Phần mềm của trung tâm tích hợp, xử lý dữ liệu thiết bị giám sát hành trình của Tổng cục chưa thể tổng hợp và đưa ra cảnh báo về xe chạy sai tuyến.
Nhận định về việc hộp đen chưa thể nhận biết xe chạy sai tuyến, ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng đây là thiếu sót cần sớm được khắc phục. Với hộp đen, hai yếu tố quan trọng nhất cần quản lý là tốc độ và hành trình xe chạy. Nếu kiểm soát được hành trình xe chạy thì sẽ góp phần loại được những xe chạy sai tuyến, xe hợp đồng trá hình nhằm bảo đảm ATGT và làm trong sạch hoạt động vận tải.
Bộ GTVT cho biết: Đã có 63/63 tỉnh, thành phố có báo cáo kết quả khám sức khỏe cho lái xe. Cụ thể, đã tổ chức khám được 129.105/tổng số 136.132 lái xe trong diện phải khám sức khỏe, phát hiện gần 1.800 trường hợp không đủ điều kiện hành nghề, gồm 381 trường hợp dương tính với chất ma túy và 1.388 trường hợp không đủ sức khỏe. Trong số các địa phương triển khai tích cực, hiệu quả là Hải Phòng đã tổ chức 2 đợt khám với tổng cộng 10.909 lái xe, phát hiện 56 lái xe dương tính với chất ma túy; TP Hồ Chí Minh khám 35.358 lái xe, phát hiện 117 lái xe dương tính với chất ma túy; Hải Dương khám 1.787 lái xe, phát hiện 62 lái xe dương tính với chất ma túy… Hà Nội cũng đã khám sức khỏe cho hơn 24.700 lái xe, qua đó đã có 55 lái xe bị loại (có 6 lái xe nghiện ma túy). Với những lái xe không đi khám, Sở GTVT Hà Nội đã yêu cầu DN vận tải kiên quyết chấm dứt hợp đồng lao động. |
Đừng đổ lỗi cho kỹ thuật
Phân tích về nguyên nhân gây ra tai nạn, các cơ quan liên quan thường đề cập tới sự bất cập về hạ tầng giao thông. Điều này không sai nhưng đây chỉ là một yếu tố và yếu tố này không dễ khắc phục chỉ trong vài tháng, vài năm bởi đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đòi hỏi phải lâu dài và tốn kém. Cần phải nhìn nhận nghiêm túc rằng, nguyên nhân chính khiến cho tai nạn giao thông ở Việt Nam trở thành "đại dịch" chính là yếu tố con người.
Trong một lần trực tiếp ngồi theo dõi hoạt động vận tải hành khách qua màn hình cỡ lớn tại Trung tâm Dữ liệu của Tổng cục ĐBVN, chúng tôi được chứng kiến rất nhiều xe khách, xe tải lưu hành trên tuyến quốc lộ 1 liên tục phát tín hiệu chạy quá tốc độ, trong đó có những xe chỉ trong vòng một tiếng phát tín hiệu tới cả chục lần. Rõ ràng lái xe hoàn toàn có thể tự kiểm soát tốc độ, hành trình chạy xe nhưng đã không thực hiện nghiêm túc yêu cầu này. Tình trạng lái xe không bảo đảm sức khỏe, thậm chí nghiện hút cũng rất đáng lo ngại. Thời gian qua, các địa phương đã tổ chức tổng kiểm tra, loại hàng nghìn lái xe không đủ điều kiện, nhưng như ý kiến của đại diện Ủy ban ATGT quốc gia, dường như con số này vẫn chưa đúng với thực tế.
Một vấn đề nữa cũng rất đáng nói, đó là các lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ trên các tuyến quốc lộ. Không khó để nhận biết xe vi phạm chạy quá tốc độ, chở quá số người quy định, chở quá tải, xe không bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật. Thế nhưng, kiểm tra nhiều nhưng xử được bao nhiêu?
Thực tế thì tỷ lệ báo cáo vi phạm bị xử lý luôn ở mức thấp. Mặc dù Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo phải quyết liệt nâng cao trách nhiệm người thực thi công vụ nhưng có hay không tiêu cực trong đội ngũ này vẫn luôn là dấu hỏi lớn. Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã từng đặt vấn đề: Có những xe vi phạm chỉ cần một mảnh giấy dán trên xe có thể ung dung chạy suốt từ Nam ra Bắc và ngược lại. Đó nên gọi là gì nếu không phải là "bảo kê", xã hội "đen", tiêu cực?
Để hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật về giao thông, các cơ quan chức năng, các địa phương cần siết chặt quản lý hoạt động vận tải đường bộ; đặc biệt là phải có chế tài mạnh hơn nữa để tăng cường tinh thần trách nhiệm chống tiêu cực trong lực lượng thực thi công vụ; cũng như chất lượng đăng kiểm, sát hạch lái xe; đồng thời tăng cường giáo dục ý thức đạo đức người lái xe…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.