Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hạn chế phương tiện cá nhân: Khó mấy cũng phải làm

Tuấn Lương| 01/01/2016 07:00

(HNM) - Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, với tốc độ gia tăng phương tiện giao thông



Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, với tốc độ gia tăng phương tiện giao thông "chóng mặt" như hiện nay, nếu không sớm xây dựng lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân thì chỉ 4-5 năm tới, tình hình giao thông sẽ rất phức tạp.

Xây dựng và khai thác cầu vượt, một trong những giải pháp hiệu quả giảm ùn tắc giao thông. Ảnh: Giang Sơn


Ùn tắc đã giảm nhưng chưa bền vững

Sau 5 năm kiên trì thực hiện chương trình mục tiêu giảm ùn tắc giao thông (UTGT) giai đoạn 2011-2015, đặc biệt trong "Năm trật tự văn minh đô thị 2014 và 2015", số "điểm đen" UTGT trên địa bàn thành phố đã giảm từ 89 điểm xuống còn 51 điểm. Thời gian ùn tắc tại các "điểm đen" cũng đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, những kết quả trên chưa thực sự bền vững. Điều này có nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân chính vẫn là sự gia tăng nhanh chóng lượng phương tiện giao thông cá nhân (tăng trung bình khoảng 10%/năm), cộng với ý thức của người tham gia giao thông chưa cao, mạng lưới vận tải hành khách công cộng chưa đáp ứng yêu cầu.

Tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương, ngày 28-12-2015, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã phải đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp với Hà Nội, xây dựng lộ trình hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, nhằm góp phần giảm UTGT bền vững. Đây là giải pháp quan trọng trước tình hình giao thông ngày càng phức tạp, trong khi hạ tầng giao thông còn hạn chế. Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho rằng, bình quân mỗi tháng, Hà Nội đăng ký mới 18.000 - 22.000 xe máy, 6.000 - 8.000 xe ô tô, chỉ riêng phương tiện cá nhân, Hà Nội sẽ có gần 1 triệu ô tô và 7 triệu xe máy vào năm 2020. Chưa kể đến năm 2018 các dòng thuế liên quan đến ô tô được miễn giảm, tốc độ gia tăng phương tiện sẽ còn cao hơn nữa, nếu không có ngay giải pháp thì 4-5 năm nữa vấn đề giao thông Hà Nội sẽ rất phức tạp.

Cần thiết và phù hợp

Thực ra, vấn đề hạn chế phương tiện giao thông cá nhân không phải bây giờ mới được Hà Nội tính đến, mà đã nhiều lần được lãnh đạo thành phố và các cơ quan chức năng bàn thảo. Hơn 10 năm trước, thành phố đã thí điểm ngừng cấp đăng ký xe máy tại 4 quận nội thành (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng). Đây được xem là một trong những biện pháp mạnh để hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, nhưng sau một thời gian triển khai, đã phải bãi bỏ vì chưa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Thủ đô. Nhiều giải pháp khác, ngay từ khi mới bàn thảo, lấy ý kiến, đã vấp phải phản ứng dư luận, trong đó chủ yếu do hệ thống vận tải hành khách công cộng của Hà Nội chưa phát triển, nếu hạn chế phương tiện cá nhân, sẽ ảnh hưởng đến việc đi lại, sinh hoạt của người dân… Chính vì vậy, trong nhiều năm qua, Hà Nội đã cùng các bộ, ngành triển khai hàng loạt chương trình, đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị, với 2 tuyến đầu tiên là Nhổn - Ga Hà Nội, Cát Linh - Hà Đông; xây dựng tuyến xe buýt nhanh khối lượng lớn - BRT Kim Mã - Yên Nghĩa; mở rộng vùng phục vụ của xe buýt, đổi mới đoàn phương tiện và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và điều hành hoạt động của xe buýt…

Đại diện Sở GT-VT Hà Nội cho rằng, để thuyết phục được người dân thì đầu tiên phải phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân, rồi mới tính toán các bước tiếp theo. Khi phương tiện công cộng thuận lợi, người dân sẽ dần từ bỏ đi phương tiện cá nhân, chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng. Hiện mạng xe buýt đã cơ bản phủ khắp thành phố, kéo dài đến nhiều điểm trung tâm huyện, xã, thị trấn và kết nối với một số tỉnh lân cận như Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam…

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông dự kiến cuối năm 2016 sẽ bắt đầu vận hành. Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội đang được tập trung triển khai để đến năm 2019 cũng sẽ đưa vào khai thác. Ngoài ra, Hà Nội cũng đang xúc tiến dự án đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo và một số tuyến đường sắt đô thị, xe buýt nhanh khác… Những điều kiện cơ bản để xây dựng phương án và lộ trình hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đã có.

Theo nhiều chuyên gia giao thông, phương tiện cá nhân gia tăng quá nhanh, gây ùn tắc và tai nạn giao thông tại các đô thị lớn từ lâu đã là mối quan ngại. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, chúng ta chưa giải quyết thấu đáo. Đến thời điểm này, đề xuất của lãnh đạo TP Hà Nội xây dựng lộ trình hạn chế phương tiện giao thông cá nhân là cần thiết và phù hợp. Tuy nhiên, phương án, lộ trình phải xác định được tỷ lệ hợp lý giữa các phương thức vận tải đến 2020 và giai đoạn tiếp theo; các giải pháp nâng cao năng lực vận tải khách công cộng và kiểm soát sự phát triển của phương tiện cá nhân; giải pháp phân luồng vận tải hàng hóa, hành khách liên tỉnh, giảm phương tiện vào trung tâm thành phố... Mặt khác, nếu chỉ đặt vấn đề kiểm soát phương tiện giao thông cá nhân thì e rằng thiếu toàn diện. Trong khi, để giải quyết vấn đề UTGT còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như quy hoạch và thực hiện quy hoạch đô thị, phát triển hạ tầng giao thông, kiểm soát dân số nội đô, di dời các trường đại học, bệnh viện, dân cư phố cổ ra khỏi vùng lõi... Rất nhiều vấn đề đặt ra, cần được nghiên cứu, tính toán nghiêm túc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hạn chế phương tiện cá nhân: Khó mấy cũng phải làm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.