(HNM) - Trong bối cảnh hiện nay, nhiệt điện than vẫn giữ vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển của kinh tế đất nước, do vậy thay đổi công nghệ để hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường là điều cấp thiết.
Theo Bộ Công Thương, những năm qua, Ngành Điện Việt Nam đã có những phát triển ấn tượng, đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội với tốc độ tăng trưởng cao, từ 10 đến 13%. Dự báo, trong giai đoạn tới nhu cầu điện tại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao. Theo quy hoạch điện điều chỉnh, nhiệt điện than vẫn đóng vai trò quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng. Đến năm 2020, tổng công suất nhiệt điện than khoảng 26.000MW, chiếm 29,3% lượng điện sản xuất; năm 2025 đạt khoảng 47.600MW, chiếm 55% điện sản xuất; năm 2030 đạt 55.300MW, chiếm 53,2% điện sản xuất.
Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí (Quảng Ninh) nằm giữa trung tâm thành phố. |
Tuy nhiên, theo PGS.TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật nhiệt Việt Nam, nhược điểm của nhiệt điện than là dùng khối lượng lớn nhiên liệu để sản xuất điện (chiếm 60% giá thành sản xuất điện), là nguồn phát thải lớn các chất thải ra môi trường, chi phí về đầu tư, vận hành và bảo dưỡng hệ thống xử lý môi trường tốn kém, chiếm nhiều diện tích làm địa điểm xây dựng nhà máy điện, làm bãi chứa tro, xỉ. Sử dụng nhà máy nhiệt điện than sẽ thải ra môi trường rất nhiều chất thải, bao gồm cả chất thải rắn, chất thải nước, chất thải khí.
TS Nguyễn Mạnh Hiến, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng cũng nhấn mạnh, trong khi nguồn năng lượng tái tạo chỉ có thể được coi là nguồn bổ trợ mà không thể thay thế nguồn nhiệt điện than bởi hệ số công suất thấp (chỉ từ 20 đến 30%), chi phí đầu tư lớn hơn, phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên như địa điểm, thời điểm..., thì các nhà máy nên sử dụng các công nghệ hiện đại cho các dự án mới.
Trong quá trình khai thác, cần tuân thủ nghiêm các quy trình vận hành, từng bước đầu tư, xây dựng năng lượng tái tạo với lộ trình thích hợp cũng như tiếp tục triển khai sâu rộng chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. PGS.TS Trương Duy Nghĩa lại cho rằng, để giảm thiểu tác động đến môi trường, các nhà máy nhiệt điện than cần sử dụng các biện pháp khử chất độc hại trước khi thải ra môi trường.
Tại hội thảo, đại diện Bộ Công Thương chia sẻ, trong bối cảnh năng lượng tái tạo vẫn cần nguồn hỗ trợ, chi phí giá thành cao, tiềm năng thủy điện đã được khai thác đáng kể, nguồn khí cũng đang cạn kiệt, điện hạt nhân có nhiều lo ngại thì việc tiếp tục phát triển công nghệ nhiệt điện than là một giải giáp nhằm bảo đảm an ninh năng lượng của đất nước trong giai đoạn tới. Khiếm khuyết của công nghệ này là tạo ra các loại chất thải.
Tuy nhiên, với trình độ hiện nay, đây là vấn đề hoàn toàn có thể giải quyết được, thêm nữa, chi phí khắc phục không lớn so với các công nghệ khác. Mặt khác, nếu xử lý được chất thải rắn thì đây có thể trở thành nguồn tài nguyên để phát triển các nguồn nguyên liệu khác.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng ban hành các khuôn khổ pháp lý về công nghệ và môi trường cho các nhà máy nhiệt điện than; xây dựng cơ chế chính sách, xử lý, sử dụng hiệu quả chất thải tro, xỉ làm nguyên liệu, xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật sử dụng tro, xỉ, san lấp mặt bằng. Đặc biệt là khuyến khích các doanh nghiệp thay thế gạch nung tiến tới không sản xuất gạch nung thì lượng tro, xỉ hoàn toàn có thể xử lý được...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.