Theo Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, người dân thích ăn thịt nạc, rau
Từng bao cám được công nhân vác ra lán trại heo 500 con của hộ nuôi ở huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) vào giờ ăn chiều. Họ cũng mang theo một bịch nhỏ chứa chất màu trắng đặt cạnh máy trộn. Khi nhóm người vừa đổ chất này trộn chung với cám thì đoàn kiểm tra của Chi cục Thú y xuất hiện, ngăn cản.
"Hàng chục con heo dương tính với chất cấm Salbutamol, nồng độ gấp hàng trăm lần cho phép. Chất màu trắng là Salbutamol nguyên chất dùng trộn vào cám giúp heo tăng nạc", cán bộ Chi cục Thú y Đồng Nai nói về vụ việc.
Đùi heo chỉ có lớp da, còn lại là nạc, được cho ăn chất tạo nạc - gây ung thư cho người tiêu dùng. Ảnh: Nguyệt Triều. |
Giải thích việc dùng chất cấm, chủ trang trại cho hay được thương lái hướng dẫn trộn Salbutamol vào cám làm heo nhiều nạc, sẽ được ưu tiên mua sớm với giá cao. Khi được giải thích về sự nguy hiểm của Salbutamol, nằm trong danh mục cấm, chủ trại cam kết không sử dụng, chấp nhận nộp phạt.
"Đây cũng là trường hợp hiếm hoi thừa nhận thương lái hướng dẫn họ sử dụng chất cấm. Thường khi bị phát hiện, người vi phạm không khai báo gì mà chỉ chấp nhận nộp phạt. Điều này khiến chúng tôi rất khó truy nguồn gốc để xử lý", một thanh tra ngành nông nghiệp cho biết.
Khẳng định thương lái đã có hành vi "ép" người chăn nuôi sử dụng chất cấm, ông Nguyễn Kim Đoán - Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai - nói đó là kết quả theo dõi suốt 5-6 năm qua. "Heo có nạc nhiều sẽ dễ tiêu thụ ở các chợ đầu mối nên thương lái xúi người chăn nuôi sử dụng Salbutamol để tạo nạc. Bởi nếu dùng thì mỗi kg heo tăng 2.000-3.000 đồng, còn không sử dụng họ sẽ ép giá hoặc không mua nên nông dân rất sợ", ông Đoán chia sẻ.
Theo lãnh đạo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, chủ trang trại trong tỉnh có kiến thức khá cao. Họ biết chất cấm sẽ giúp heo tăng nạc nhưng lợi nhuận từ việc này không nhiều nên đa phần không sử dụng. Heo ăn chất cấm thường yếu chân, hay nằm nhiều khiến thời gian xuất chuồng sẽ lâu hơn, tốn chi phí. Nhưng một số hộ do không chủ động được đầu ra, sợ thương lái không mua nên nhắm mắt làm theo.
Cùng quan điểm, ông Phạm Tiến Dũng – Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành Bộ Nông nghiệp - cho biết, các thương lái nói thẳng với người nuôi nếu lợn có chất tạo nạc sẽ mua với giá cao, bao nhiêu cũng hết. Ngược lại, nếu không có chất tạo nạc họ sẽ không mua hoặc ép giá xuống rất thấp. Thông tin này ông Dũng có được qua quá trình điều tra và lấy ý kiến của các cơ sở chăn nuôi.
Bình nhớt thải dùng tưới rau muống ở huyện Củ Chi, TP HCM. Ảnh: A.X |
Về vấn đề này, một lãnh đạo ngành An toàn thực phẩm cho rằng, do người dân thích ăn thịt heo nạc nên thương lái và người chăn nuôi phải dùng chất cấm để tăng tỷ lệ nạc. Việc rau muống bị tưới nhớt thải hay măng chua ngâm với chất vàng ô cũng xuất phát từ tâm lý người tiêu dùng thích hàng "đẹp mã" nên người bán phải đáp ứng.
"Cần nhất bây giờ là giáo dục ý thức của người dân. Như Thái Lan chẳng hạn, vấn đề chất cấm cũng từng khiến ngành chăn nuôi nước này điêu đứng nhưng sau đó họ dành ra 5 năm thì dẹp được vấn nạn này", ông này nói.
Để hạn chế tình trạng người sản xuất quá phụ thuộc vào thương lái mà phải sử dụng chất cấm, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Kim Đoán đề xuất một giá bán thống nhất để nông dân khỏi cạnh tranh heo nạc, heo mỡ. Đồng thời, cần có cơ chế bảo vệ người chăn nuôi chân chính bởi hiện nay đầu ra của họ vẫn chưa khác gì so với những người làm ăn không chân chính. Cá biệt, nhiều hộ nuôi gian dối còn bán heo được giá cao hơn.
"Gia nhập TPP rồi, giờ mà thịt nước ngoài vô thì đặt lên bàn cân người tiêu dùng sẽ chọn thịt ngoại do nghi ngờ thịt trong nước bẩn. Khi đó ngành chăn nuôi của ta sẽ chết nếu không dẹp được vấn nạn dùng chất cấm", ông Đoán nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.