Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hai vấn đề then chốt!

Bình Nguyên| 15/05/2015 06:08

(HNM) - Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định bổ sung hơn 470 tỷ đồng từ ngân sách trung ương năm 2015 cho 9 địa phương để thực hiện chính sách bảo vệ và phát triển đất trồng lúa năm 2014, bao gồm Bắc Ninh (13,7 tỷ đồng), Thanh Hóa (64,7 tỷ đồng), Quảng Ngãi (14,9 tỷ đồng), Đồng Tháp (hơn 113 tỷ đồng), Kiên Giang (gần 161 tỷ đồng)... Trước đó, Chính phủ đã bổ sung khoảng 321 tỷ đồng từ ngân sách trung ương năm 2014 cho 18 tỉnh để thực hiện chính sách này.

Ở nước ta, chưa bao giờ vấn đề bảo vệ, phát triển đất trồng lúa "nóng" như mấy năm gần đây. Diện tích đất trồng lúa bị thu hẹp, "bờ xôi ruộng mật" bị bỏ hoang hóa… liên tục được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng, trở thành chủ đề của nhiều cuộc hội thảo, nhiều lần được đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội.

Có những nguyên nhân hết sức đáng lo ngại khiến diện tích lúa suy giảm nhanh chóng: Trước hết, trong quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, không ít địa phương ồ ạt chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, bao gồm đất trồng lúa, sang phục vụ xây dựng nhà máy, khu đô thị, khu nhà ở… mà không hề tuân thủ quy hoạch (đất nông nghiệp nói chung, đất trồng lúa nói riêng). Thứ hai, sản xuất nông nghiệp nói chung, canh tác lúa nói riêng, ngày càng không hấp dẫn vì lao động vất vả, rủi ro cao, thu nhập lại thấp. Tại nhiều địa phương, tình trạng nông dân bỏ ruộng, khiến "bờ xôi ruộng mật" trở nên hoang hóa diễn ra khá phổ biến. Diện tích đất trồng lúa bị thu hẹp còn do yêu cầu giải phóng mặt bằng, phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông. Chưa kể, có hiện tượng nhiều cá nhân, tổ chức "mua gom" ruộng của nông dân vì những mục đích khác nhau…

Giữ đất trồng lúa là yêu cầu cấp thiết. Theo giới chuyên gia, các nhà quản lý và thực tế đã chứng minh, ở giai đoạn khủng hoảng, chính nông nghiệp mà sản xuất lúa có tỷ trọng lớn đã đóng vai trò "bệ đỡ" cho nền kinh tế. Không những vậy, sản xuất lúa còn gắn liền với an ninh lương thực. Để bảo vệ và phát triển đất trồng lúa, ngày 13-4 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 35/2015/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa. Theo đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ các địa phương kinh phí đối với từng loại đất chuyên trồng lúa nước, đất trồng lúa khác; hỗ trợ kinh phí khai hoang, cải tạo đất trồng loại cây lương thực này… Tuy nhiên, một trong những điểm quan trọng là phải công khai và quản lý chặt chẽ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa của địa phương đã được xét duyệt; xác định ranh giới, lập bản đồ diện tích đất trồng lúa, vùng đất chuyên trồng lúa nước có năng suất cao, chất lượng cao. Nếu không, vì mục tiêu phát triển kinh tế trước mắt, không ít địa phương sẽ lại sa vào việc chuyển đổi vô tội vạ mục đích sử dụng đất nông nghiệp như thời gian trước. Đặc biệt, cần có chính sách phát triển khoa học - công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp nói chung, canh tác lúa nói riêng để lĩnh vực này mang lại thu nhập ở mức có thể chấp nhận được nhằm ngăn chặn xu hướng nông dân bỏ ruộng.

Có thể nói, đây chính là hai vấn đề mang tính then chốt. Nếu không giải quyết tốt, chuyện suy giảm đất trồng lúa sẽ tiếp tục diễn ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hai vấn đề then chốt!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.