(HNM) - Thời gian gần đây, một loạt di sản văn hóa vật thể được nhận danh hiệu di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt. Chùa chiền ngày càng được quan tâm. Nhà nước quan tâm, địa phương quan tâm, dư luận quan tâm, dường như bất kỳ động thái nào gây ảnh hưởng xấu tới di tích cũng bị coi là chuyện lớn, cơ quan chức năng vào cuộc ngay. Đó là điều đáng phấn khởi.
Nhưng, cũng đáng được gọi là di sản nhưng nhiều danh lam thắng cảnh không nhận được sự quan tâm đủ mức, như chúng đáng được nhận bởi có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển nói chung, phát triển du lịch nói riêng. Có thể coi đó là góc khuất về bảo tồn di sản, không được đánh giá đúng mực và cũng không có đủ giải pháp quản lý, bảo tồn phù hợp.
Môi trường, cảnh quan là một phần nguồn sống của du lịch. Với danh lam thắng cảnh, các chuyên gia của ngành du lịch và ngay cả một nhân viên lữ hành cũng có cách nhìn nhận nhạy cảm hơn nhiều ngành khác, đơn giản là sự mất mát đi liền với hậu quả mà họ phải gánh. Về vấn đề này, xét trên mô hình quản lý hiện nay của ngành văn hóa, thể thao và du lịch, chủ yếu là ở cấp tỉnh, thành, cho thấy có vẻ như việc quản lý ngành đang có sự đưa tay nọ chặn tay kia dù về nguyên tắc, khi ghép "văn, thể, du" vào một, trước vấn đề quan trọng thì "ba cây" phải "chụm lại". Những giải pháp quản lý văn hóa, đối với trường hợp cụ thể là danh lam thắng cảnh nói chung, đã không tạo thêm thuận lợi cho du lịch trong giai đoạn trước mắt và có thể sẽ mang đến nhiều hệ lụy trong tương lai nếu vấn đề không được nhận diện một cách nghiêm túc. Vì sao?
Du lịch, cả hiện tại và tương lai, đang sống khỏe và có thể tiếp tục sống khỏe, một phần lớn là nhờ vẻ đẹp thiên tạo. Tuy thế, danh thắng và sự kỳ vĩ của tự nhiên, như người ta nói là được hình thành qua hàng nghìn, vạn, triệu năm, có thể mất sạch trong vài thập kỷ, thậm chí là trong nháy mắt nếu không được quan tâm bảo vệ. Ở Việt Nam, các chuyên gia đã đưa ra cảnh báo sau khi một số danh lam thắng cảnh đã, đang bị hủy hoại. Tùy vào mức độ nghiêm trọng và tầm ảnh hưởng từ sự hư hại, có thể đưa vào danh sách nói trên những sự cố liên quan đến tượng đá Tô Thị ở Lạng Sơn, một loạt thác nước tiêu biểu ở Lâm Đồng, nạn "bê tông hóa" ở một số bãi biển đẹp nổi tiếng của Việt Nam… Sự quan tâm thái quá đến việc phát triển hạ tầng du lịch, dựa trên quy trình phát triển thiếu tầm nhìn xa và không có được sự trợ giúp đầy đủ về quy hoạch phát triển chung, giải pháp bảo vệ danh thắng, vô hình trung đã hạn chế hoặc phá hủy vẻ đẹp mà thiên nhiên ban tặng.
Những người làm du lịch biết rõ tầm quan trọng đặc biệt của cảnh quan, môi trường, đặc biệt là danh thắng đối với việc tạo dựng hình ảnh điểm đến. Trong giai đoạn hiện nay, khi xu hướng phát triển ngày càng cho thấy rõ sự quan tâm chung của khách du lịch là vẻ đẹp tự nhiên, việc không biết, hoặc có biết nhưng không thể đề ra giải pháp hiệu quả cho vấn đề bảo vệ môi trường cảnh quan du lịch cần được "đặt lên bàn" nhằm tìm giải pháp cấp bách và quyết liệt hơn. Cần khẩn trương, bởi, như những gì đã được người trong ngành cảnh báo, chúng ta có thể mất, hoặc phải chứng kiến sự biến dạng khủng khiếp ở những điểm đến thu hút khách bậc nhất hiện nay, như Mũi Né, Sa Pa, Đà Lạt, Phú Quốc, Hạ Long, Vân Đồn, Cần Thơ, Hà Tiên…
Khai thác và bảo tồn, với danh lam thắng cảnh ở Việt Nam là vấn đề "hai trong một", không thể coi nhẹ mặt này hay mặt kia.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.