Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hai người chết, hàng nghìn căn nhà bị tốc mái do bão

Theo Vnexpress| 02/04/2012 18:51

Bão Pakhar đổ bộ vào đất liền đã làm 2 người chết tại Đồng Nai và Ninh Thuận. Còn tại TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương..., bão đã tàn phá hàng nghìn căn nhà, hàng trăm cây xanh bị đổ...


Sáng 2/4, UBND TP HCM đã có cuộc họp với Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn để đánh giá thiệt hại do bão gây ra trên địa bàn và hướng khắc phục. Lãnh đạo thành phố đánh giá, do chủ động phòng chống nên thiệt hại do bão không đáng kể.

Bão với gió mạnh kèm lốc xoáy khiến hàng trăm cây xanh tại TP HCM bị đổ.


Thống kê sơ bộ của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu hộ thành phố, bão Pakhar đã làm gần 500 căn nhà tại TP HCM đổ sập và tốc mái, hơn 400 cây xanh bị đổ, 11 ghe tàu bị chìm, 85 hệ thống đường điện bị hư hỏng, 8 điểm ngập có độ sâu từ 30 đến 50cm gồm: Huỳnh Tấn Phát (quận 7), Hòa Bình, Âu Cơ (Tân Phú), Bàu Cát, Đồng Đen (Tân Bình), Tỉnh lộ 43 (Thủ Đức), Đỗ Xuân Hợp (quận 9), Nguyễn Văn Quá (quận 12).

Ở trung tâm thành phố, nhiều cây cổ thụ đổ gây cản trở giao thông trên các tuyến đường như Hai Bà Trưng, Lê Duẩn, Đông Du, Nam Kỳ Khởi Nghĩa… Có trường hợp cây xanh đè lên nhà dân, taxi… nhưng rất may không gây thiệt hại về người. Cây xanh đổ vào đường dây điện, đè gãy gần 20 trụ điện khiến hơn 137 khu vực bị mất điện đến 3h sáng.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Anh, Phó giám đốc công viên cây xanh TP HCM cho biết, ở các khu vực trung tâm như 1, 2, 3, 5, 10... bão Pakhar đã quật ngã 227 cây, gần 70 nhánh bị gãy. Ngay trong tối 1/4, hơn 200 nhân viên công ty đi khắp các địa bàn, phối hợp với các đơn vị triển khai công tác khắc phục sự cố. Hiện Công ty công viên cây xanh vẫn tiếp nhận thông tin từ người dân về sự cố cây xanh để kịp thời xử lý.

Theo ông Đoàn Thanh Điệp, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão huyện Cần Giờ, đến 10h sáng 2/4, huyện có trên 170 căn nhà bị sập và tốc mái, 280 cây bị đổ, 11 ghe bị chìm, một thuyền bị trôi và gãy hai trụ điện. Những sự cố này xảy ra tại các xã Thạnh An, Bình Khánh, An Thới Đông, Tam Thôn Hiệp… UBND huyện chuẩn bị đưa gần 2.000 người dân xã đảo Thạnh An trở lại cuộc sống bình thường.

Đến trưa 2/4, nhiều tuyến đường vẫn còn ngổn ngang sau khi cơn bão đi qua.

Theo ghi nhận của chúng tôi, đến trưa 2/4, nhiều tuyến đường thuộc khu vực trung tâm vẫn còn cây đổ ngổn ngang chưa được xử lý. Dù suốt đêm qua, Công ty TNHH Công viên cây xanh đã huy động gần 300 người để dọn dẹp, xử lý, nhưng do quá nhiều cây đổ nên vẫn chưa thể thu dọn hết.

Trước những thiệt hại do bão gây ra, ông Lê Minh Trí, Phó chủ tịch UBND TP HCM, yêu cầu các đơn vị tập trung mọi nguồn lực giúp dân khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống; rà soát tất cả thiệt hại về nhà cửa để có hỗ trợ hợp lý. Ông Trí yêu cầu ban chỉ huy phòng chống lụt bão các quận huyện trang bị phương tiện để luôn trong tư thế sẵn sàng khi có tình huống xấu.

Tại Đồng Nai, theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão, đến 7h sáng bão đã làm một người chết do bị điện giật khi leo lên nóc nhà chằng néo lại mái tôn và 5 người bị thương. Ngoài ra, trong mưa dông gần 700 căn nhà đã bị tốc mái, sập 19 căn nhà khác. Trước thiệt hại nặng nề do bão, chính quyền địa phương đã huy động 1.000 dân quân tự vệ hỗ trợ người dân khắc phục.

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu hiện vẫn chưa có thống kê về thiệt hại. Tuy nhiên, theo thông tin ban đầu, huyện Xuyên Mộc là khu vực bị thiệt hại nặng nhất với hơn 500 căn nhà bị tốc mái, 40 căn bị sập hoàn toàn, 10 ghe nhỏ bị chìm và 15ha diện tích hoa màu bị hư hại.

Một căn nhà bị bão làm sập tại Bình Dương.

Còn tại Bình Dương, theo thống kê chưa đầy đủ của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh, bão kèm mưa to, lốc xoáy đã gây sập tốc mái hàng chục căn nhà, nhiều ha cao su đang khai khác của người dân bị gãy đỗ, hàng trăm góc măng cụt bị bứt góc.

Trước đó, ngày 31/3 do ảnh hưởng của bão, 230 căn nhà tại tỉnh Long An đã bị tốc mái và 28 căn nhà bị sập hoàn toàn gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Chính quyền tỉnh cũng đã hỗ trợ mỗi hộ bị sập nhà 5 triệu đồng để sửa lại nhà cửa, ổn định cuộc sống.

Xuất hiện sớm vào tháng 3, lại đổ bộ vào khu vực đồng bằng Nam Bộ, Parkhar là cơn bão được đánh giá "bất thường". Trong 30 năm qua chỉ có một cơn bão đổ bộ vào Việt Nam trong khoảng thời gian này. Đường đi của những cơn bão đầu mùa thường hướng vào miền Bắc và dịch dần xuống phía Nam vào cuối mùa mưa bão. Dự báo năm 2012 sẽ có 6-7 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, nhiều hơn trung bình nhiều năm.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hai người chết, hàng nghìn căn nhà bị tốc mái do bão

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.