(HNM) - Sau hơn 2 năm triển khai, đến nay dự án chôn lấp rác thải tại xã Đông Lỗ (Ứng Hòa) chưa hoàn thành được nửa khối lượng do khó khăn về vốn.
Sau hơn 2 năm triển khai, đến nay dự án chưa hoàn thành được nửa khối lượng do khó khăn về vốn. Tuy nhiên, ngay khi đang trong giai đoạn "nước rút" của dự án, người dân ở đây vẫn băn khoăn cho rằng: Dự án được thực hiện mà không có quyết định thu hồi đất; khâu chuyển đổi đất nông nghiệp cho các hộ dân không được thực hiện theo đúng quy trình...
Các hạng mục dự án chôn lấp rác thải tại xã Đông Lỗ vẫn còn ngổn ngang. |
Triển khai thiếu minh bạch...
Ngày 1-11-2010 UBND TP Hà Nội ban hành công văn số 8816/UBND-NN, chấp thuận chủ trương đầu tư việc xây dựng khu xử lý rác thải tập trung tại khu vực phía nam huyện Ứng Hòa. Tiếp đó, ngày 8-11-2010 UBND huyện Ứng Hòa thành lập Ban Quản lý (BQL) dự án xây dựng điểm tập kết rác thải khu vực phía nam huyện Ứng Hòa theo Quyết định số 736/QĐ-UBND. Về phía cơ quan chuyên môn, Sở Xây dựng đã có Công văn số 442/SXD-MTCTN và Công văn số 1536/SXD-MTCTN về việc thống nhất vị trí xây dựng và có ý kiến về thiết kế cơ sở bãi chôn lấp rác thải hợp vệ sinh khu vực phía nam huyện Ứng Hòa. Theo đó, dự án xây dựng xử lý rác thải tập trung tại khu vực phía nam huyện Ứng Hòa có quy mô xây dựng 3ha, do UBND huyện Ứng Hòa làm chủ đầu tư, đại diện là BQL dự án sự nghiệp vệ sinh môi trường (VSMT) huyện. Dự án có tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh là gần 50 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố. Tuy nhiên, do khó khăn về kinh phí, trước mắt UBND thành phố cho phép UBND huyện Ứng Hòa thực hiện việc xây dựng bãi chôn lấp rác thải hợp vệ sinh (Dự án CLRT) tại phía nam huyện. Ngày 22-10-2010, đại diện UBND huyện đã có buổi làm việc với Đảng ủy, UBND xã Đông Lỗ, thống nhất nội dung triển khai xây dựng bãi chôn lấp rác thải tại địa bàn. UBND huyện giao cho UBND xã Đông Lỗ có trách nhiệm chuyển các hộ dân đang canh tác tại vị trí xây dựng bãi chôn lấp rác thải sang vị trí khác thuộc quỹ đất 2 để thực hiện dự án.
Theo Trưởng phòng TN&MT huyện Ứng Hòa Nguyễn Văn Bình, việc chuyển đổi này là do "kinh phí thành phố dành cho dự án chỉ đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉ có một phần nhỏ kinh phí dành hỗ trợ giải phóng mặt bằng", nên việc tìm quỹ đất công để triển khai xây dựng là phù hợp. Thực hiện chỉ đạo này, cuối năm 2011, UBND xã Đông Lỗ đã tiến hành chuyển đổi khu đất cho 57 hộ dân có đất nông nghiệp tại khu vực đồng Dơ. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, toàn bộ ý kiến chỉ đạo của UBND xã Đông Lỗ đối với thôn Mạnh Tân về vấn đề chuyển đổi khu đất chủ yếu được thực hiện bằng... miệng, không có bất kỳ văn bản nào. Trong cuộc làm việc với 2 cán bộ địa chính và môi trường xã Đông Lỗ là ông Nguyễn Hữu Quý và ông Nguyễn Hồng Tuyên cũng thừa nhận "UBND xã khi đó chỉ chỉ đạo qua các hội nghị đối với lãnh đạo thôn Mạnh Tân và không có văn bản chỉ đạo nào liên quan đến việc chuyển đổi khu đất diện tích 3ha ở đồng Dơ được lưu lại". Đáng nói hơn là khi triển khai ý kiến chỉ đạo của UBND xã Đông Lỗ, lãnh đạo thôn Mạnh Tân đã tiến hành họp dân, lấy ý kiến nhưng việc ghi biên bản các cuộc họp lại không đầy đủ, thiếu thông tin. Trả lời câu hỏi ý kiến người dân tại các cuộc họp có đồng ý chuyển đổi hay không? Trưởng thôn Mạnh Tân Đào Văn Vui chỉ nói ngắn gọn: "Họ có nhất trí" nhưng lại không cung cấp được văn bản, nội dung cuộc họp số hộ dân đồng ý chuyển đổi khu đất là bao nhiêu và không có biên bản ký kết của các hộ dân vì lý do "biên bản cuộc họp không ghi lại những thông tin này". Ông Vui giải thích thêm rằng: "Ở nông thôn kiếm được người biết ghi biên bản chuẩn cũng khó, vì thế mỗi cuộc họp chỉ ghi sổ chiếu lệ...".
Rõ ràng khi thực hiện việc chuyển đổi đất nông nghiệp của 57 hộ dân thôn Mạnh Tân từ vị trí này sang khu khác không có bằng chứng bằng văn bản cho thấy cách làm của chính quyền xã Đông Lỗ là "cẩu thả và chưa tôn trọng ý kiến người dân". Thực trạng này đã dẫn đến những thắc mắc. Người dân băn khoăn nghi ngờ là "UBND huyện Ứng Hòa lập danh sách bồi thường cho những người không phải là chủ sở hữu diện tích đất nông nghiệp, trong khi 57 hộ ở thôn Mạnh Tân có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp lại không được nhận tiền hỗ trợ". Giải thích việc này, ông Nguyễn Văn Bình cho biết: "Vì các hộ dân đã được xã Đông Lỗ chuyển đổi sang canh tác ở khu đất khác nên vào tháng 8-2013, UBND huyện Ứng Hòa ban hành thông báo hủy giấy chứng nhận đất nông nghiệp cấp cho các hộ từ năm 1999. Khu đất 3ha ở đồng Dơ đã trở thành đất công ích, sử dụng xây dựng công trình phúc lợi dân sinh nên không phải giải phóng mặt bằng. Thực tế khu đất 3ha này đã được các hộ dân đồng ý cho ông Nguyễn Văn Hùng thuê thầu lại để thả sen và nuôi trồng thủy sản. Do vậy, dự án chỉ hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho 7 hộ dân có tài sản hình thành trên đất và liên quan đến công trình phục vụ cho dự án với tổng số tiền gần 363 triệu đồng, trong đó hộ ông Nguyễn Văn Hùng được hỗ trợ nhiều nhất là gần 300 triệu đồng (bao gồm cả hỗ trợ kinh phí đã xây dựng kè bao khu ruộng và hỗ trợ trồng sen trên diện tích đất 3ha).
Tiến độ vẫn chậm
Sau quá trình chuẩn bị có phần vội vàng và thiếu minh bạch từ chính quyền xã Đông Lỗ, ngày 6-6-2012 dự án được chính thức khởi công trên phạm vi cánh đồng Dơ, thuộc địa bàn 3 thôn Nhân Trai, Ngọc Trục và Mạnh Tân. Theo dự kiến, dự án được hoàn thành vào cuối năm 2014. Để rõ hơn về tiến độ dự án, ngày 21-7-2014, nhóm PV Báo Hànộimới đã có mặt tại khu vực cánh đồng Dơ, nơi đang triển khai dự án để tìm hiểu vụ việc. Tại khu vực triển khai dự án hiện vẫn rất ngổn ngang. Ngoài nhà quản lý đã được xây dựng xong, ô chôn lấp mới chỉ được đào lên, chưa được lót đáy, hiện như cái ao chứa đầy nước. Tuyến đường dài 3km dẫn vào khu dự án đang ngổn ngang cát, sỏi, xi măng do đơn vị thi công đang xây dựng những mét kè cuối cùng trước khi tiến hành đổ bê tông toàn tuyến. Khó có thể hình dung dự án sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2014 như khẳng định của đại diện UBND huyện Ứng Hòa và xã Đông Lỗ! Theo ông Nguyễn Văn Bình, do gặp khó khăn về nguồn vốn nên sau hơn 2 năm khởi công, đến nay dự án mới thực hiện được trên 40% khối lượng công việc với tổng nguồn vốn đã giải ngân là 23 tỷ đồng. UBND huyện Ứng Hòa đã chỉ đạo đơn vị nhà thầu ứng kinh phí để thi công kịp tiến độ đề ra từ nay đến cuối năm.
Ngoài chuyện bùng nhùng trong chuyển đổi đất, tiến độ chậm, nhiều hộ dân cho rằng chủ đầu tư dự án không thực hiện đầy đủ quy trình triển khai dự án theo đúng quy định của pháp luật, không ban hành quyết định thu hồi đất trước khi khởi công, thực hiện dự án. Về thông tin này, trong cuộc làm việc với Phòng TN&MT huyện Ứng Hòa cũng không cung cấp được quyết định thu hồi đất cho thực hiện dự án. Đề cập đến các vấn đề người dân đang thắc mắc, ông Dương Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Lỗ lại tỏ ra rất bất ngờ khi cho biết: "Cho đến nay, xã chưa nhận được bất cứ đơn thư khiếu kiện nào của người dân thôn Mạnh Tân cũng như nhân dân cả ba thôn nơi triển khai dự án. Có hai lần người dân thôn Mạnh Tân kéo lên UBND xã khi nghe tin nhà báo về làm việc với chính quyền địa phương, nhưng khi lãnh đạo xã ra gặp gỡ để tìm hiểu nguyện vọng của người dân thì họ đều từ chối. Sau khi có thông tin về việc người dân thôn Mạnh Tân chưa đồng tình việc thu hồi đất, về chính sách đền bù, GPMB khu vực triển khai dự án, đại diện UBND xã đã hai lần trực tiếp xuống thôn vận động bà con ra họp để xã nắm bắt thông tin và có giải thích rõ ràng, nhưng bà con lại không hợp tác...".
Một điều lo lắng khác đối với người dân xã Đông Lỗ là dự án chôn lấp rác có thể gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là nguồn nước ngầm, trong khi Đông Lỗ là một trong những khu vực có mức độ ô nhiễm nước ngầm cao. Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Văn Bình, vào tháng 9-2011, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án. Tuy nhiên, qua tìm hiểu chúng tôi vẫn nhận được nhiều ý kiến băn khoăn và nghi ngại. Chị N.T.V, ở thôn Mạnh Tân, một người đang làm trang trại ở cận kề dự án, than phiền: "Chúng tôi có nghe nói là xử lý công nghệ cao, lót tấm vải địa và có hồ xử lý sinh học nhưng chưa biết khi đi vào hoạt động sẽ như thế nào? Nếu tấm lót bị bục thì sẽ thẩm thấu nước thải ra bên ngoài, khi đó hàng trăm hộ dân ở Đông Lỗ là người phải gánh chịu".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.