(HNM) - Làm thế nào để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu chứ không chỉ đơn giản là thực hiện các chính sách khắc khổ
Đó là câu hỏi lớn được đặt trên bàn nghị sự cuộc họp của các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm các nước công nghiệp phát triển G7 diễn ra trong hai ngày cuối tuần tại thành phố Aylesbury ở phía Tây bắc thủ đô London (Anh).
Tìm kiếm giải pháp thúc đẩy kinh tế toàn cầu là chủ đề của hội nghị lãnh đạo tài chính G7 tại London. |
Diễn ra trong bối cảnh bức tranh chung của kinh tế toàn cầu chưa thực sự khởi sắc, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của lãnh đạo tài chính các nền kinh tế lớn nhất thế giới trong lần nhóm họp này là tìm ra "liều thuốc giải" hiệu quả hơn nhằm sớm thoát khỏi tình trạng trì trệ. Không ít ý kiến cho rằng, thay vì áp dụng triệt để các biện pháp kinh tế khắc khổ, các nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) cần đầu tư nhiều hơn nữa cho tăng trưởng và tạo việc làm để giảm căng thẳng xã hội. Xuất phát từ thực tế của xứ Sương mù cũng như nhiều quốc gia Eurozone đang chịu nhiều sức ép phải cắt giảm chi tiêu công để giảm nợ nần, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew đã một lần nữa cảnh báo, việc siết chặt ngân sách một cách thô bạo sẽ cản trở tiêu dùng - một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hiện nay.
Thừa nhận rằng nền kinh tế toàn cầu chưa thực sự phục hồi, Bộ trưởng Tài chính nước chủ nhà George Osborne lại đề cao vai trò quan trọng của các ngân hàng trung ương trong việc góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như giữ lạm phát ổn định trong trung hạn, nhất là trong bối cảnh hầu hết các chính phủ đang nỗ lực cắt giảm chi tiêu và tăng thuế. Khi nguy cơ tái diễn khủng hoảng tài chính toàn cầu như đã từng xảy ra sau sự sụp đổ đầu tiên của Tập đoàn Tài chính Lehman Brothers (Mỹ) năm 2008 vẫn hiện hữu, việc thực hiện một cách hiệu quả các quy định tài chính tiếp tục là trọng trách nặng nề được đặt lên vai các ngân hàng trung ương.
Cùng với việc tìm lối thoát cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nguy cơ một "cuộc chiến tiền tệ" sau khi Nhật Bản cũng như một loạt quốc gia tìm cách phá giá đồng tiền nội tệ nhằm tăng khả năng cạnh tranh cho hàng xuất khẩu, tiếp tục trở thành chủ đề nóng được bàn thảo tại hội nghị này. Hơn một tháng kể từ khi tân Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) Haruhiko Kuroda đưa ra quyết định tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ để kích thích tăng trưởng và duy trì lạm phát ở mức 2%/năm, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đã đón nhận nhiều dấu hiệu tích cực. Trong đó có việc đồng yên giảm xuống mức thấp nhất so với USD trong 4 năm qua, vượt qua mốc 100 yên/USD.
Thế nhưng, động thái mới nhất từ BOJ lại châm ngòi cho một cuộc tranh cãi về những nguy cơ tiềm ẩn mà chính sách nới lỏng tiền tệ có thể gây ra cho thị trường tài chính cũng như nền kinh tế toàn cầu. Các quan chức Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng như nhiều chuyên gia kinh tế quan ngại khi lượng lớn tiền được bơm vào thị trường, thông qua chính sách nới lỏng tiền tệ, sẽ dẫn đến bong bóng tài sản hoặc tình trạng quá nóng tại một số thị trường mới nổi. Cụ thể hơn, tiền mặt chảy vào nền kinh tế toàn cầu từ việc nới lỏng tiền tệ tại Mỹ, Nhật Bản và Châu Âu đang ảnh hưởng đến những giá trị tiền tệ và thúc đẩy đầu tư vào hàng hóa, bất động sản và các tài sản khác ở nhiều nước trên thế giới.
Dù chưa tạo được bước đột phá nào trong việc giải quyết tình trạng suy giảm kinh tế nhưng cuộc hội ngộ của các nhà lãnh đạo tài chính G7 tại Anh lần này vẫn mang lại nhiều hy vọng cho thế giới về một giải pháp hài hòa hơn nhằm bảo đảm tăng trưởng bền vững của kinh tế toàn cầu. Những khuyến nghị được đưa ra tại hội nghị này sẽ là cơ sở để các nhà lãnh đạo G7 thông qua những quyết sách quan trọng tại hội nghị thượng đỉnh sẽ diễn ra vào tháng 6 tới tại Bắc Ireland.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.