(HNM) - Chuyện thứ nhất: Sáng 11-9, quận Bắc Từ Liêm có một sự kiện thể thao quan trọng và chỉ mời duy nhất Báo Hànộimới về đưa tin. Do đó, đại diện Ban tổ chức (BTC) rất lúng túng trước sự xuất hiện của cô gái tự giới thiệu là phóng viên một đài truyền hình đến đưa tin
Vì nhà có việc, khách đến là quý rồi, nên tuy có chút băn khoăn nhưng BTC cũng cấp phát hai bộ "tài liệu" cho cô gái nọ, vì "em còn đồng nghiệp đang ghi hình ngoài kia, chị ơi"... Chỉ có điều, khi sự kiện bắt đầu thì không thấy bóng dáng cô phóng viên đâu và chị Hòa cũng khẳng định "chẳng nhờ vả hoặc yêu cầu ai đến đây cả"...
Chuyện thứ hai: Ngày 25-9, tại hội nghị của một viện nghiên cứu khoa học. Sự kiện quan trọng, đơn vị tổ chức lại là một cơ quan tầm cỡ trung ương, nên quan khách ra vào khá đông. Ở bàn lễ tân, một cô gái trẻ tự giới thiệu là nhà báo, được mời dự và đưa tin về hội nghị. Nhận xong hai bộ "tài liệu" với quy trình giống như câu chuyện trên, nữ "nhà báo" không vào hội trường mà vội vàng quay gót... Thấy lạ, nhân viên lễ tân kiểm tra lại sổ đăng ký, thì tại mục tên cơ quan - đơn vị có ghi: Báo "Đời sống"... Một số nhà báo "xịn" có mặt được hỏi, hóa ra ai cũng "thấy quen quen, cứ tưởng ở đài X, báo Y...", nhưng tra Google mỏi mắt cũng chẳng ra được kết quả "Đời sống" là loại hình báo chí gì.
Qua hai câu chuyện trên có thể thấy rằng, việc mạo danh báo chí để trục lợi ngày càng phức tạp và tinh vi. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp... cần cảnh giác và kịp thời tố giác những kẻ mạo danh này khi phát hiện. Điều này để bảo vệ quyền lợi chính mình, là bảo vệ uy tín cho các nhà báo chân chính đang hoạt động theo đúng các quy định của pháp luật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.