Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội xây dựng mô hình trường chất lượng cao: Đích đến là sự bứt phá toàn diện về chất lượng

Hồng Hạnh| 10/08/2013 06:46

(HNM) - Theo Nghị quyết do Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội ban hành ngày 17-7-2013, từ năm học 2013-2014, Hà Nội sẽ áp dụng mô hình trường chất lượng cao...

Mục tiêu đặt ra tới năm 2015 sẽ có khoảng 30-35 trường CLC trên địa bàn thành phố phục vụ nhu cầu học tập đa dạng của con em nhân dân. Quyết định này có làm ảnh hưởng đến nhu cầu và quyền lợi học tập của HS ở mọi địa bàn như dư luận băn khoăn hay không?

Trường THPT Lê Lợi là một trong những trường áp dụng mô hình chất lượng cao từ năm học 2013-2014. Ảnh: Thu Trang


Thẩm định kỹ, "hậu kiểm" chặt chẽ

Cho đến thời điểm này, Hà Nội là địa phương đầu tiên và duy nhất ban hành được bộ tiêu chí với 5 tiêu chí bắt buộc của trường CLC gồm: Cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp giảng dạy và dịch vụ giáo dục. Tùy theo cấp học, các yêu cầu trong từng tiêu chí có sự điều chỉnh, song đều hướng tới mục đích cuối cùng là bảo đảm điều kiện chăm sóc, dạy, học tốt nhất để tạo ra những "sản phẩm" có chất lượng toàn diện.

Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Thùy: Bảo đảm quyền tự nguyện của học sinh

Chiều 9-8, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, bà Nguyễn Thị Thùy, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP Hà Nội cho biết, HĐND TP đã thông qua Nghị quyết số 15 dựa trên 4 nguyên tắc: Thứ nhất là Luật Thủ đô cho phép; thứ hai là thực tế có nhu cầu về trường chất lượng cao; thứ ba là chỉ thành lập các trường chất lượng cao ở nơi đã có đủ trường công lập; thứ tư là nguyên tắc tự nguyện. Trong đó, nguyên tắc thứ ba là rất quan trọng, nhưng vì không được đưa vào trong Nghị quyết số 15, nên có thể đã gây ra những ý kiến chưa đồng tình trong dư luận. Nếu tôi là phụ huynh khi đọc Nghị quyết số 15 mà không biết đến nguyên tắc thứ ba này thì cũng lo lắng. Tuy nhiên, nguyên tắc này đã được thể hiện rất rõ trong các quyết định, quy định về tiêu chí trường chất lượng cao của UBND TP. Nếu được tìm hiểu đầy đủ thông tin từ Nghị quyết số 15 cùng với những quy định của UBND TP, tôi tin là mọi người sẽ đồng thuận với cách làm của thành phố.

Quốc Bình

Hà Nội hiện có 14 trường công lập thí điểm mô hình CLC. Tuy nhiên, việc có được "đóng dấu" CLC hay không còn phụ thuộc vào sự thẩm định của cơ quan quản lý. Theo Sở GD-ĐT, việc thẩm định sẽ phải tuân theo quy trình nghiêm ngặt, kỹ lưỡng theo đúng, đủ 5 tiêu chí do UBND thành phố quy định. Đây là điều kiện tiên quyết cho việc bảo đảm chất lượng "đầu ra" của "sản phẩm" CLC. Nhưng không phải cứ được "đóng dấu" CLC rồi thì các trường mặc nhiên áp mức phí cao mà thu. Quy trình "hậu kiểm" đã được định rõ theo chu kỳ 4-5 năm (tùy theo cấp học). Giữa các chu kỳ, cơ quan quản lý sẽ kiểm tra, thanh tra đột xuất, đơn vị nào vi phạm sẽ bị "tuýt còi" và bị thu hồi quyết định công nhận trường CLC. Việc chặt chẽ khâu "hậu kiểm" sẽ khiến các trường phải nỗ lực không ngừng về mọi mặt để phát triển, tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các nhà trường, đồng thời bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người học.

Theo ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, chủ trương xây dựng mô hình trường CLC là đúng đắn và phù hợp với yêu cầu thực tế. Với nguyện vọng được học tập trong môi trường giáo dục tốt, nhiều gia đình đã phải cho con đi du học. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng đã thu hút khá nhiều HS Việt Nam khi xây dựng nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội với mức học phí khá cao, từ 100 - 200 triệu đồng/năm học. Với 5 tiêu chí của trường CLC mà Hà Nội sẽ áp dụng, có thể khẳng định các trường CLC này sẽ không thua kém gì những trường có yếu tố nước ngoài về mọi phương diện, trong khi HS chỉ phải đóng học phí ở mức khoảng 30-35 triệu đồng/năm học. Thực tế tại các trường đang thí điểm mô hình CLC ở quận Cầu Giấy, Đống Đa hay huyện Từ Liêm cho thấy, số lượng hồ sơ đăng ký dự tuyển vào trường năm sau luôn cao hơn năm trước.

Hiện nay, Sở GD-ĐT đang khẩn trương xây dựng để trình UBND thành phố thủ tục đánh giá, công nhận trường CLC và các quy định liên quan, đồng thời xúc tiến thành lập Hội đồng thẩm định trường CLC với sự tham gia của các sở, ngành và chuyên gia giáo dục. Đội ngũ giáo viên trường CLC cũng sẽ được tuyển chọn kỹ càng về cả chuyên môn và kỹ năng nghiệp vụ thông qua quá trình sát hạch.

Chỉ xây dựng trường CLC ở nơi đã có đủ chỗ học

Trước những băn khoăn của một số phụ huynh về việc con em mình có thể bị bắt buộc theo học CLC để đóng phí cao, hoặc nếu không sẽ bị mất chỗ học ở trường công lập từ những năm học tới, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ khẳng định: Một trong những nguyên tắc bắt buộc khi triển khai mô hình này là chỉ phát triển trường CLC ở những khu vực đã có đủ chỗ học cho HS và việc theo học là tự nguyện. Tùy theo điều kiện và khả năng, HS có quyền quyết định lựa chọn mô hình học phù hợp.

Vậy mô hình trường CLC của Hà Nội có tạo nên sự bất công bằng trong giáo dục công lập như dư luận lo lắng hay không? Lãnh đạo Sở GD-ĐT cho biết, mô hình trường CLC của Hà Nội được Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị ban đầu song không cấp định mức cho HS như với các trường công lập. HS khi vào học được hưởng các dịch vụ giáo dục cao hơn hẳn so với HS các trường công lập (về chương trình, phương pháp, đội ngũ giáo viên, các dịch vụ…) thì đương nhiên phải đóng học phí nhiều hơn. Trong khi đó, HS ở các trường công lập đại trà được hưởng định mức ngân sách ngày càng tăng: Mầm non là 3,4 triệu đồng/HS/năm học; tiểu học 3 triệu đồng/HS/năm học, THCS 3,7 triệu đồng/HS/năm học và THPT là 4 triệu đồng/HS/năm học. Những HS có năng khiếu được theo học ở các trường chuyên (Hà Nội - Amsterdam, Nguyễn Huệ, Sơn Tây, Chu Văn An) và được cấp định mức cao gấp hơn 3 lần so với trường công lập đại trà. Ngoài ra, Hà Nội còn có tới gần 800 trường học đạt chuẩn quốc gia (chiếm tỷ lệ hơn 30% tổng số trường) mà mức học phí chỉ vài chục nghìn đồng/HS/tháng. Điều này cho thấy, mạng lưới trường học hiện nay của Hà Nội đã đáp ứng được nhu cầu học của mọi HS ở các điều kiện sống khác nhau. Tuy nhiên, việc đòi hỏi một sự công bằng tuyệt đối là khó, nhất là trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, cần có sự chung tay của cộng đồng để phát triển giáo dục, định hình một mô hình giáo dục mới và cần thiết ở Việt Nam.

Kế hoạch xây dựng từ 30 đến 35 trường CLC vào năm 2015 là mục tiêu hướng tới của Hà Nội. Song Sở GD-ĐT cũng khẳng định, với nguyên tắc thẩm định và "hậu kiểm" chặt chẽ, chỉ những trường có đủ điều kiện và tuân thủ đúng các cam kết ban đầu mới được duy trì, bởi cái đích cuối cùng là sự bứt phá về chất lượng giáo dục, tạo nên những trường học tiên tiến đầu tiên của Việt Nam và đáp ứng xu thế hội nhập quốc tế.

Theo Nghị quyết số 15/2013/NQ-HĐND do Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội ban hành ngày 17-7-2013:
- Nguyên tắc thực hiện trường CLC: Bảo đảm công bằng về cơ hội học tập và phát triển của HS trong thụ hưởng ngân sách giữa HS trường công lập và HS trường công lập CLC; tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa trường công lập CLC và trường ngoài công lập CLC. Học phí của trường công lập CLC được thu tương xứng với tiêu chí cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp giảng dạy được kiểm định.
- HS trường công lập CLC vẫn được áp dụng các chế độ miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập như đối với HS tại các trường công lập. Phần kinh phí được miễn, giảm, hỗ trợ chi phí học tập được ngân sách nhà nước chi trả trực tiếp cho HS.
- Cơ sở giáo dục công lập đang thực hiện thí điểm mô hình dịch vụ CLC trong năm học 2013-2014 chưa đạt tiêu chí để được công nhận là CLC được tiếp tục thực hiện cơ chế tài chính đang áp dụng đến hết năm học 2014-2015. Từ năm học 2015-2016 trở đi, nếu chưa được công nhận là cơ sở giáo dục CLC thì được chuyển về cơ sở giáo dục công lập bình thường.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội xây dựng mô hình trường chất lượng cao: Đích đến là sự bứt phá toàn diện về chất lượng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.