(HNMO) - Phát biểu giải trình tại Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII diễn ra sáng 1-12, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, có 12 ngành công nghiệp văn hóa, nhưng từ kinh nghiệm của thế giới và thực tế tại Thủ đô, Hà Nội lựa chọn 6 ngành trọng tâm, trọng điểm để tập trung đầu tư phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Chuẩn bị công phu, ý nghĩa quan trọng
Một trong những nội dung được quan tâm nhất tại Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII diễn ra từ ngày 30-11 đến ngày 1-12 là dự thảo Nghị quyết chuyên đề của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là 1 trong 2 nghị quyết chuyên đề theo chương trình công tác toàn khóa XVII của Thành ủy Hà Nội.
Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Cán sự đảng UBND thành phố đã chủ trì xây dựng dự thảo Nghị quyết. Văn bản trình Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã được chuẩn bị công phu trên cơ sở tổng hợp từ thực tiễn về công tác phát triển văn hóa trong thời gian qua; tham khảo kinh nghiệm các quốc gia trong khu vực và tham vấn của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tại Hà Nội, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, cùng nhiều ý kiến tham gia của các cơ quan, đơn vị liên quan.
Dự thảo Nghị quyết đã đưa ra quan điểm, mục tiêu, định hướng của thành phố về phát triển công nghiệp văn hóa, cùng với 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, với 42 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo. Đáng chú ý, Dự thảo nghị quyết đặt ra chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025, công nghiệp văn hóa đóng góp 4-5% trong GRDP của thành phố, đến năm 2030 đóng góp 7%, đến năm 2045 đóng góp 10%.
Tổng hợp kết quả thảo luận tại các tổ cho biết, 32 lượt đại biểu đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết. Các ý kiến đều thống nhất cao về sự cần thiết ban hành nghị quyết, nhất là khi Hà Nội đang có “mỏ vàng” di sản nhưng chưa được khai thác xứng tầm.
Thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy giải trình về các vấn đề đại biểu đặt ra, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, vấn đề văn hóa đã được đề cập qua các kỳ đại hội Đảng bộ thành phố. Đến kỳ này, đứng trước yêu cầu, nhiệm vụ và đòi hỏi từ thực tiễn, nhất là tiếp thu tinh thần mới của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và xu thế thời đại, việc xây dựng và ban hành Nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa đã hội đủ các điều kiện cần thiết. Đồng chí khẳng định, Hà Nội có tiềm năng rất to lớn để phát triển công nghiệp văn hóa, nhất là từ vị trí, vai trò trung tâm văn hóa lớn của cả nước; những giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử nghìn năm; là nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng nền văn hóa, văn minh của dân tộc với 5.922 di tích, 1 di sản văn hóa thế giới, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể; trong đó có 3 di sản được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 1 di sản Tư liệu thế giới, 26 di sản trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Chưa kể, công nghiệp văn hóa dựa trên nền tảng là văn hóa, khoa học công nghệ và sáng tạo. Trong khi đó, năm 2019, Hà Nội đã tham gia mạng lưới “Thành phố sáng tạo” của UNESCO. Hà Nội còn là nơi có nhiều làng nghề nhất cả nước, là một trong số ít Thủ đô có tới 1.350 làng nghề, trong đó có những làng nghề trên 1.000 năm tuổi.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, việc ban hành Nghị quyết nhằm phát triển công nghiệp văn hóa không chỉ phù hợp với xu thế chung của thế giới mà còn giúp gắn kết văn hóa với kinh tế, bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, bảo đảm an sinh xã hội; hiện thực hóa chuyển đổi số và ứng dụng những thành tựu mới nhất từ cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tăng cường giới thiệu quảng bá, xuất khẩu sản phẩm văn hóa...
Cả hệ thống chính trị thành phố tổ chức thực hiện
Theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, có 12 ngành liên quan đến công nghiệp văn hóa như: Quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, điện ảnh, thời trang, nhiếp ảnh và triển lãm, truyền hình, phát thanh... Qua điều tra khảo sát, tạm tính năm 2018, các ngành công nghiệp văn hóa của Hà Nội đóng góp giá trị khoảng 1,49 tỷ USD, tương đương 3,7% GRDP. Tuy nhiên, giá trị này còn chưa thống kê được đóng góp của các làng nghề trên địa bàn thành phố, nên chỉ tiêu đến năm 2025, công nghiệp văn hóa đóng góp 4-5% là phù hợp và có tính khả thi.
Đồng chí Nguyễn Văn Phong khẳng định, cứ đóng góp 1% GRDP thì tương đương với 0,5% lực lượng lao động; nên phát triển công nghiệp văn hóa mở ra nhiều triển vọng. Mặc dù có 12 ngành liên quan đến công nghiệp văn hóa, nhưng thành phố tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào 6 ngành, lĩnh vực để trở thành kinh tế mũi nhọn, đó là: Du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, phần mềm và trò chơi giải trí, thiết kế sáng tạo, ẩm thực và thủ công mỹ nghệ.
“Nghị quyết này hoàn toàn có tính khả thi. Bất kỳ địa phương nào của thành phố cũng có lợi thế và hoàn toàn tổ chức thực hiện được. Quan trọng là cách làm, bước đi như thế nào”, Phó Bí thư Thành ủy nhìn nhận.
Trong kết luận hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu sau hội nghị, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ chỉ đạo tổng hợp tiếp thu nghiêm túc, tối đa các ý kiến góp ý của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố và ý kiến của các đại biểu; hoàn thiện và ban hành để cả hệ thống chính trị thành phố tổ chức thực hiện.
Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, Nghị quyết của Thành ủy về phát triển công nghiệp văn hóa được ban hành sẽ là cơ sở, định hướng quan trọng để các cấp, các ngành thành phố xây dựng chương trình, kế hoạch nhằm tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế về truyền thống văn hóa, lịch sử ngàn năm văn hiến, anh hùng của Thủ đô Hà Nội, để từng bước phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có sự phát triển rõ rệt cả về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GRDP của thành phố, sớm đạt được mục tiêu Hà Nội trở thành một trong 3 trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước; tạo nền tảng vững chắc, động lực quan trọng thúc đẩy Thủ đô phát triển xanh và bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.