Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội: Tưng bừng các hoạt động vui đón Tết Trung thu

Hoàng Lân| 14/09/2018 11:57

(HNMO) - Từ tối nay (14-9), nhiều điểm vui chơi đón Tết Trung thu trên địa bàn Hà Nội sẽ khai mạc. Các di tích cũng đã hoàn tất kế hoạch tổ chức vui trung thu với nhiều hoạt động hướng về truyền thống.

Phố cổ Hà Nội khai hội

Tối nay (14-9), phố cổ Hà Nội sẽ mở màn cho chuỗi hoạt động vui Tết Trung thu trên địa bàn TP Hà Nội. Theo Ban Quản lý phố cổ Hà Nội, trong dịp Tết Trung thu 2018, tại các điểm di tích trong khu vực phố cổ sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa truyền thống hấp dẫn.

Phố cổ Hà Nội sẽ khai hội vui Tết Trung thu vào tối nay (14-9).


Cụ thể, từ ngày 14 đến 23-9, tại khu vực đình Kim Ngân (42-44 Hàng Bạc), các nghệ nhân sẽ trình diễn và hướng dẫn cách làm đồ chơi dân gian, như: Đèn ông sao, ông tiến sĩ giấy, ông đánh gậy, diều giấy, tò he….
Tại Ngôi nhà Di sản 87 Mã Mây, sẽ giới thiệu không gian Tết Trung thu truyền thống của gia đình Hà Nội và triển lãm ảnh Trung thu Hà Nội xưa.

Tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ), sẽ giới thiệu 3 dòng tranh dân gian và trình diễn, hướng dẫn cách làm tranh Kim Hoàng, Đông Hồ.

Tại đình Đồng Lạc (38 Hàng Đào) là hoạt động trình diễn nghệ thuật làm mặt nạ giấy bồi.

Không gian bích họa phố Phùng Hưng trong 3 ngày cuối tuần này sẽ giới thiệu các trò chơi dân gian và biểu diễn âm nhạc, như: Ô ăn quan, cà kheo, chơi thuyền, kéo co, nhảy sạp, cướp cờ, nhảy bao bố, bịt mắt bắt dê, mèo đuổi chuột… Ban Quản lý phố cổ Hà Nội cũng sẽ tổ chức các gian hàng, giới thiệu cách làm các đồ chơi trung thu truyền thống.

“Điểm đến” hấp dẫn cuối tuần

Trong hai ngày cuối tuần, 15 và 16-9, “Hội sách Trăng tròn - Trung thu rước sách” sẽ được tổ chức tại Phố sách Hà Nội (phố 19 tháng 12).

Tại “Hội sách Trăng tròn”, ngoài việc giới thiệu những bộ sách hay, Ban tổ chức còn có những hoạt động văn hóa như làm đèn lồng, mặt nạ ông địa hay những trò chơi dân gian như: Tìm hiểu và thực hành nặn tò he dành cho thiếu nhi, diễn ra lúc 16h ngày 15-9 với sự tham gia của nghệ nhân Đặng Văn Hậu; hoạt động làm lồng đèn, diễn ra từ 9h đến 10h30 ngày 16-9.


Ban tổ chức cho biết, để tăng tính hấp dẫn của “Hội sách Trăng tròn - Trung thu rước sách”, phố sách được trang trí đúng với không khí của ngày Tết. Ngay từ cổng vào hội sách sẽ là chiếc đèn ông sao khổng lồ cao 2,5m, từ đó mở ra một con đường lung linh với đèn lồng, đưa bạn đọc đến với khu vực trung tâm của hội sách.

Ngày 15-9, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tổ chức hoạt động “Cùng khám phá đồ chơi trung thu” để chuẩn bị cho chương trình “Trung thu 2018: Sắc màu văn hoá Ninh Thuận”. Các em nhỏ sẽ có điều kiện tìm hiểu, hướng dẫn cách làm đồ chơi trung thu truyền thống của người Việt trong dịp Tết Trung thu, như: Ông tiến sĩ, ông đánh gậy, đèn ông sao, đèn ông sư, đèn con thỏ, tò he, hoa quả bằng bột, đầu lân, mặt nạ, đèn kéo quân, tàu thuỷ sắt tây. Bên cạnh đó là các hoạt động trò chơi dân gian: Thi đội nước (văn hoá Chăm), kéo co, kéo co ếch, đuổi quạ, bịt mắt đập niêu, diều hâu bắt gà con (văn hoá Chăm), đi cà kheo…

Chương trình “Trung thu 2018: Sắc màu văn hoá Ninh Thuận” diễn ra sau đó, vào ngày 22 và 23-9 (tức ngày 13 và 14 tháng Tám âm lịch) với các hoạt động: Trình diễn văn nghệ dân gian, trình diễn nghề thủ công truyền thống, ẩm thực Ninh Thuận và các trò chơi của người Chăm, người Raglai…

Trải nghiệm Trung thu tại khu di sản

Hai di sản lớn của Hà Nội là Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Hoàng thành Thăng Long không chỉ là những điểm đến hấp dẫn người dân và du khách mà còn là những địa điểm thường xuyên tổ chức các hoạt động trải nghiệm, giáo dục di sản, văn hóa dành cho thiếu nhi.

Nhiều hoạt động trải nghiệm trong các khu di sản.


Dịp Trung thu này, Trung tâm VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức loạt hoạt động trải nghiệm “Ký ức mùa trăng”, diễn ra từ ngày 21 đến 23-9 tại khu vực Hồ Văn. Với chủ đề hướng tới Tết Trung thu, chương trình “Ký ức mùa trăng” sẽ diễn ra nhiều hoạt động vui Tết Trung thu truyền thống, như múa lân, rước đèn, phá cỗ, trình diễn thư pháp. Bên cạnh đó là những hoạt động trải nghiệm: làm mặt nạ giấy bồi, học làm bánh trung thu, đèn ông sao, đèn kéo quân…

Trong chương trình sẽ có những tiết mục nghệ thuật, ca múa nhạc, trình diễn thời trang do các tài năng nhí và các nghệ sĩ biểu diễn, hứa hẹn sẽ đem đến một không gian vui chơi, giải trí thú vị.

Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Thăng Long - Hà Nội cũng vừa thông báo kế hoạch tổ chức sự kiện “Vui Tết Trung thu 2018”, khai mạc vào 9h ngày 19-9. Theo đó, tại Hoàng thành Thăng Long sẽ diễn ra chương trình nhạc hội ngôi sao nhí “Vầng trăng tuổi thơ 2018”.

Ngoài ra, các em được trải nghiệm không gian trưng bày, trang trí Trung thu truyền thống với chủ đề “Giấy hồng vui Tết Trung thu”, tham gia các trò chơi dân gian, thả diều; trải nghiệm các hoạt động tương tác: tô mặt nạ, nặn tò he, nghệ thuật gấp giấy Origami (Nhật Bản), xem múa rối nước. Đặc biệt là chương trình gặp gỡ giao lưu cùng các nhà sử học và nghệ nhân thông qua các chuyên đề giáo dục di sản…

Carnaval đường phố đón Trung Thu

Vào 20h10 ngày 23-9, Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp UBND thành phố Hà Nội, Công ty CP Phương Đông tổ chức Lễ hội trung thu “Đêm rằm xuống phố” tại trung tâm phố đi bộ - Vườn hoa Lý Thái Tổ, Hà Nội.

Hoạt động rước đèn đường phố sẽ diễn ra tại phố đi bộ Hồ Gươm.


Tại lễ hội trung thu này, Ban tổ chức sẽ tái hiện con đường đèn lồng và ngôi sao khổng lồ đầu tiên tại phố đi bộ Hồ Gươm. Bên cạnh đó, một lễ hội carnaval với các hình thức múa rồng, múa lân, rước đèn sẽ được tổ chức tưng bừng xuyên qua các con phố cổ.

Trong lễ hội, bên cạnh sự xuất hiện của các nhân vật quen thuộc như: Chú Cuội, chị Hằng, Tấm Cám, Thạch Sanh, Lý Thông, đại bàng, công chúa Quỳnh Nga, ông Bụt... còn có những nhân vật hiện đại được các bạn thiếu nhi yêu thích: Công chúa Elsa, Anna, người nhện, đội trưởng Mỹ, Thor, siêu nhân Gao, người sắt, nàng bạch tuyết và bảy chú lùn... Các nhân vật cổ tích, hoạt hình, các siêu anh hùng... sẽ cùng hàng trăm em nhỏ các độ tuổi khác nhau có mặt ở phố đi bộ để cùng trông trăng phá cỗ, rước đèn trung thu.

Đây sẽ là một bữa tiệc đầy màu sắc bằng âm nhạc, hài kịch, xiếc và vũ điệu với sự góp mặt của các gương mặt, nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng: Xuân Bắc, Tự Long, Isaac, Ái Phương, Nhà hát múa rối Thăng Long, Liên đoàn xiếc Việt Nam và các câu lạc bộ thiếu nhi.

Tết Trung thu là một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt. Từ nhiều năm nay, với xu hướng tìm về truyền thống, cội nguồn, các đơn vị tổ chức luôn chú trọng nhiều hoạt động trải nghiệm để không chỉ người lớn nhớ về Trung thu truyền thống xưa mà còn giáo dục, nhắc nhở trẻ nhỏ thêm yêu giá trị văn hóa dân tộc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Tưng bừng các hoạt động vui đón Tết Trung thu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.