Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội trước thềm năm học mới 2018-2019: Tìm lời giải cho hai bài toán cũ

Thống Nhất| 16/08/2018 06:27

LTS: Trong bối cảnh quy mô học sinh tăng nhanh, quy hoạch mạng lưới trường lớp và chất lượng đội ngũ nhà giáo là hai vấn đề được ngành Giáo dục - Đào tạo Thủ đô xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong năm học.

Trường Tiểu học Ngô Thì Nhậm (quận Hai Bà Trưng) được xây mới, đưa vào sử dụng từ năm học 2018-2019. Ảnh: Nhật Nam


Bài đầu: Kiên trì giảm quá tải trường lớp

Bài toán quá tải trường, lớp học đã được Hà Nội đặt ra từ nhiều năm nay và ngày càng "nóng". Tìm lời giải cho bài toán này, các cấp, ngành thành phố cần kiên trì trong việc giảm tải trường lớp thì mới hy vọng giải quyết được nỗi bức xúc đã tồn tại nhiều năm qua.

Nhiều nơi bị tăng tải

Những năm gần đây, quy mô học sinh vào các lớp đầu cấp tại Hà Nội liên tục tăng, trong khi mạng lưới trường, lớp học còn hạn chế, dẫn tới tình trạng quá tải về chỗ học. Nguyên nhân chính là do tốc độ đô thị hóa nhanh, dẫn đến quy mô dân số ngày càng tăng và có nhiều học sinh trong độ tuổi ra lớp. Năm học 2018-2019, toàn thành phố có 130.000 học sinh vào lớp 1, tăng 30.000 em so với cùng kỳ năm học trước. Đáng chú ý, số lượng học sinh tăng tập trung ở một số địa bàn, khiến cho những nơi vốn đã quá tải, nay càng thêm áp lực. Tình trạng quy mô học sinh/lớp ở mức 60 em (Bộ Giáo dục - Đào tạo quy định sĩ số với học sinh lớp 1 là 35-40 học sinh/lớp) đã xuất hiện ở nhiều nơi.

Ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy cho biết: Số học sinh vào lớp 1 năm nay của toàn quận là 6.900 em, tăng 1.700 so với năm học trước. Hầu hết các trường trên địa bàn đều có sĩ số học sinh/lớp ở mức trung bình là 55 học sinh/lớp và một số trường tiểu học có sĩ số học sinh/lớp ở mức trên 60 như: Dịch Vọng A, Dịch Vọng B, Nghĩa Tân, Nghĩa Đô...

Tình trạng tương tự diễn ra tại quận Hoàng Mai. Với mức tăng bình quân mỗi năm từ 6.000 đến 8.000 học sinh, trong khi việc xây dựng các dự án khu đô thị, chung cư cả cũ và mới trên địa bàn gần như chưa đồng bộ với việc xây dựng trường học công lập, khiến cho việc tìm nơi học tập cho con em của người dân khá chật vật, nhất là tại các phường: Hoàng Liệt, Đại Kim, Định Công... Chị Lê Thị Mai (ở Khu đô thị Linh Đàm) chia sẻ: Vài năm gần đây, phụ huynh phải đi xa để gửi con ở trường công lập thuộc địa bàn khác, hoặc gửi con ở trường tư thục với mức học phí cao gấp 2-3 lần so với trường công.

Theo quy định, mỗi đơn vị hành chính cấp phường, xã, thị trấn tại Hà Nội phải có tối thiểu 1 trường học công lập ở mỗi cấp học: Mầm non, tiểu học, trung học cơ sở. Thế nhưng, chỉ riêng 4 quận trung tâm (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa), đã có 27/74 phường không bảo đảm có tối thiểu 1 trường công lập ở mỗi cấp học, chiếm 36%. Quy mô học sinh tăng quá nhanh, hệ thống trường công lập lại chưa kịp đáp ứng, dẫn đến tình trạng quá tải ngày càng tăng, nhất là ở cấp học mầm non. Sĩ số trẻ/lớp ở nhiều nơi đã vượt xa quy định tại Điều lệ trường mầm non là từ 30 đến 35 trẻ. Điển hình như ở quận Cầu Giấy lên tới 57 trẻ/lớp, Nam Từ Liêm 51 trẻ/lớp, Bắc Từ Liêm 45 trẻ/lớp, Ba Đình 43 trẻ/lớp, Hoàng Mai 39 trẻ/lớp...

Sẽ điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường học

Hà Nội đang nỗ lực giải quyết căn bản tình trạng thiếu trường, lớp học. Ảnh: Nhật Nam


2018-2019 là năm học đầu tiên của hơn 600 học sinh lớp 10 Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú (huyện Quốc Oai). Với tốc độ đô thị hóa nhanh, sự ra đời của Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú đã góp phần giảm tải về chỗ học cho huyện Quốc Oai.

Ngoài ra, cấp trung học phổ thông của Hà Nội năm nay có thêm một ngôi trường mới ở quận Nam Từ Liêm là Trường Trung học phổ thông Xuân Phương. Với kinh phí đầu tư 160 tỷ đồng, ngôi trường mới đã giúp cho học sinh ở Khu đô thị Xuân Phương và khu vực lân cận không phải đi quá xa để học tập. Đặc biệt, quận Hà Đông đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng mới thêm 5 trường mầm non và 2 trường tiểu học.

Tuy nhiên, không phải nơi nào cũng thuận lợi như vậy. Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy Phạm Ngọc Anh, các nhà trường trên địa bàn quận đã bổ sung hơn 30 phòng học để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh; đồng thời, tăng biên chế giáo viên theo định mức tối đa là 1,5 giáo viên/lớp để bảo đảm chất lượng dạy học.

Người dân xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ), nơi có Khu công nghiệp Phú Nghĩa, nhiều năm nay cũng đối mặt với những khó khăn trong việc tìm chỗ học cho trẻ mầm non. Theo bà Đặng Thị Yến, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, để giảm tải cho trường công lập, chính quyền và ngành Giáo dục huyện tạo điều kiện, hỗ trợ hệ thống trường, nhóm lớp tư thục hoạt động tốt, giúp người dân yên tâm gửi con.

Nhằm giải quyết căn bản tình trạng thiếu chỗ học, ngành Giáo dục - Đào tạo Thủ đô xác định công tác quy hoạch mạng lưới trường học là nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2018-2019. Ông Nguyễn Thế Sơn, Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) cho biết: Mỗi năm dân số Thủ đô tăng thêm khoảng 200.000 người, do vậy, nhu cầu về chỗ học tiếp tục tăng mạnh trong những năm tới. Sở đang tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan trình UBND TP Hà Nội thẩm định và phê duyệt quyết định điều chỉnh bổ sung quy hoạch mạng lưới trường học đến năm 2030, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng trường học ở các khu đô thị mới, khu công nghiệp.

Dựa trên bản quy hoạch đã được phê duyệt theo Quyết định 3075/QĐ-UBND của UBND thành phố phê duyệt năm 2012, quy hoạch mới sẽ có sự điều chỉnh cụ thể về hệ thống trường học, xác định nhu cầu đầu tư xây dựng trường học tại từng địa bàn xã, phường, thị trấn kèm theo kinh phí, loại hình và cả vị trí, diện tích quỹ đất, điều mà nhiều nơi đang mắc khi đề cập đến việc bổ sung trường học. Chẳng hạn, tại huyện Sóc Sơn, từ nay tới năm 2020, ngoài các trường đã được quy hoạch tại Quyết định 3075/QĐ-UBND sẽ có thêm 10 cơ sở mới, trong đó có 3 trường công lập là Tiểu học Dục Tú, Tiểu học thị trấn B ở thôn Lâm Tiên và Trung học cơ sở thị trấn 2 ở thôn Lâm Tiên.

Nếu quy hoạch được phê duyệt, số trường học được cải tạo, xây mới trên toàn thành phố từ nay đến năm 2030 là 1.557 trường, với tổng kinh phí khoảng 74.000 tỷ đồng. Đây sẽ là giải pháp giải quyết căn bản tình trạng thiếu chỗ học ở Thủ đô trong những năm tới.

(Còn nữa)

Chỉ riêng năm học 2017-2018, TP Hà Nội đã dành tới 19.000 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học, chiếm 25,5% mức chi từ ngân sách.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội trước thềm năm học mới 2018-2019: Tìm lời giải cho hai bài toán cũ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.