Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội triển khai công tác phòng, chống thiên tai năm 2019

Kim Nhuệ| 24/04/2019 15:09

(HNMO) - Chiều 24-4, UBND TP Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019.


Cùng dự hội nghị có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu; Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương trong thành phố.

Nhiều nguy cơ thiệt hại

Năm 2018, trên địa bàn thành phố xảy ra 2 cơn bão, 2 áp thấp nhiệt đới, 7 đợt nắng nóng, 8 đợt không khí lạnh mạnh... Thiên tai đã làm 3 người chết, 2 người bị thương; hơn 3.000 hộ dân bị úng ngập nhà cửa, hơn 7.000ha lúa, hoa màu bị thiệt hại, hơn 12.000 gia súc, gia cầm bị chết, gần 2.000ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, 33 tuyến phố bị úng ngập… Cũng trong năm 2018, toàn thành phố xảy ra 10 vụ cháy rừng với diện tích 5ha, 805 vụ cháy, nổ làm 10 người chết, 23 người bị thương…

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội Chu Phú Mỹ, năm 2018, Thành ủy, HĐND, UBND và Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố đã chỉ đạo sâu sát, quyết liệt công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn... UBND và Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp đã chủ động triển khai các hoạt động giảm nhẹ thiên tai…

Tuy nhiên, công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai của Hà Nội còn một số hạn chế, khó khăn. Cụ thể, một số địa phương, đơn vị còn tư tưởng chủ quan: Xây dựng phương án phòng, chống thiên tai chưa cụ thể, sát thực tế, nhất là ở những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, lũ rừng ngang, sạt lở đất. Có địa phương chưa ký hợp đồng cụ thể với các đơn vị cung ứng lương thực, thực phẩm và một số mặt hàng phục vụ nhân dân khi xảy ra tình huống, sự cố, thiên tai. Nhiều địa phương vẫn để xảy ra tình trạng xâm hại công trình đê điều, thủy lợi nhưng chưa xử lý hoặc xử lý thiếu kiên quyết, triệt để. Việc thực hiện Quy hoạch lưu vực sông Đáy vẫn chưa được triển khai khiến một số huyện như: Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thạch Thất, Quốc Oai… còn gặp bất lợi khi xảy ra mưa lớn, lũ rừng ngang đổ về…

Toàn cảnh hội nghị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai năm 2019.


Nhận định về tình hình thiên tai trong thời gian tới, đồng chí Võ Văn Hòa, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ cho biết, năm 2019, khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có thành phố Hà Nội, có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp 1-2 cơn bão, áp thấp nhiệt đới. Thời gian ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới tập trung chủ yếu vào các tháng 7, 8 và 9.

Mùa mưa năm nay có khả năng xuất hiện 6-8 đợt mưa vừa, mưa to diện rộng, tập trung chủ yếu từ tháng 5 đến tháng 10, với tổng lượng mưa 1.300-1.600mm. Có khả năng xuất hiện 6-8 đợt nắng nóng (từ 2 ngày trở lên); trong đó có 1-2 đợt nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt, nhiệt độ cao nhất tuyệt đối phổ biến ở mức 38-40 độ C, khu vực nội thành 39-41 độ C kèm hiệu ứng đô thị, nhiệt độ có lúc đạt khoảng 50 độ C; thời gian xuất hiện các đợt nắng nóng tập trung từ tháng 5 đến tháng 7… 


​Chủ động ứng phó


Để giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho rằng, giải pháp quan trọng nhất là làm tốt công tác phòng ngừa. Vì vậy, các cấp, ngành, địa phương và các sở cần sà soát lực lượng, vật tư, phương tiện phục vụ công tác phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”; tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng hồ đập, đê điều, cơ sở hạ tầng và các công trình phòng, chống thiên tai, chủ động sửa chữa các hư hỏng; tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đào tạo, tập huấn, diễn tập và nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn…

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết, năm 2019, khu vực nội thành Hà Nội còn 13 điểm có nguy cơ xảy ra úng ngập khi xuất hiện các trận mưa có cường độ 50-100mm/2 giờ… Để giảm tình trạng ngập lụt đô thị, ngành xây dựng đang tập trung nâng cấp Trung tâm Điều hành hệ thống thoát nước; phối hợp với cơ quan truyền thông để cung cấp thông tin, giúp nhân dân chủ động không lưu thông qua các điểm xảy ra úng ngập; đẩy nhanh tiến độ duy tu, bảo dưỡng hệ thống thoát nước hiện có; tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm hành lang hệ thống thoát nước…

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại hội nghị.


Đối với việc phòng, chống úng ngập khu vực ngoại thành, ông Trần Đình Cường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy cho biết, đã kiểm tra, đánh giá xong toàn bộ hiện trạng công trình thủy lợi trước mùa mưa, lũ năm 2019; đang tập trung sửa chữa, bảo dưỡng các thiết bị cơ điện, các trạm bơm tiêu, các công trình phục vụ tiêu úng, vận hành thử các trạm bơm tiêu, các cống điều tiết tiêu; chuẩn bị lắp đặt trạm bơm tiêu úng cho khu vực có thể xảy ra úng ngập cục bộ…


Về công tác chuẩn bị của các địa phương, ông Đỗ Huy Chiến, Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai cho biết đã tổ chức tập huấn cho cán bộ, lực lượng quản lý đê; tập huấn, huấn luyện phòng, chống thiên tai cho các lực lượng chuyên trách trực tiếp điều khiển trang, thiết bị kỹ thuật phòng, chống thiên tai…

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung trao Bằng khen của UBND thành phố cho các tập thể.


Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương trong thành phố thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 10-4-2019 của UBND thành phố về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2019; trong đó, tập trung tuyên truyền phổ biến kiến thức về kỹ năng, kinh nghiệm phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, sự cố; vận động nhân dân chủ động chuẩn bị, sẵn sàng phòng, chống cho gia đình và tích cực tham gia cùng cộng đồng về công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.

Bên cạnh đó, các đơn vị và địa phương kiểm tra, đánh giá lại chất lượng phương tiện, thiết bị, vật tư phục vụ công tác phòng, chống thiên tai tại địa phương, đơn vị. Các đơn vị, địa phương rà soát, điều chỉnh, bổ sung xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của địa phương, đơn vị, bảo đảm phòng ngừa, chủ động ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả các sự cố thiên tai; thực hiện nghiêm phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ); thực hiện ngay việc tu sửa, sửa chữa, nâng cấp các công trình đã xuống cấp, hư hại; đặc biệt là hệ thống đê kè, hồ đập, các công trình tiêu úng trọng điểm nhằm chủ động đối phó với những tình huống bất lợi về thời tiết có thể xảy ra.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung trao Bằng khen của UBND thành phố cho các cá nhân.


Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cũng yêu cầu các đơn vị rà soát dự án mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn, phòng cháy, chữa cháy. Sở Giao thông - Vận tải, Sở Xây dựng, Công an thành phố cần thường xuyên nắm bắt tình hình, kịp thời huy động lực lượng, phương tiện, thực hiện tốt việc phân luồng giao thông, chống úng ngập cục bộ khu vực nội thành, bảo đảm an toàn, an ninh trật tự trong phòng, chống thiên tai. Chủ tịch UBND thành phố cũng đề nghị Bộ Tư lệnh Thủ đô chủ động hiệp đồng với các đơn vị lực lượng vũ trang để chuẩn bị lực lượng, phương tiện, sẵn sàng tham gia ứng cứu, hỗ trợ khi có tình huống xảy ra...

"Ngay sau hội nghị này, các đơn vị, địa phương kiểm tra, rà soát, kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên" - Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu. 


Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm tuyên truyền, đào tạo kỹ năng phòng, chống thiên tai cho học sinh. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Sở Xây dựng tăng cường kiểm tra việc bảo đảm an toàn lao động trong các công trình xây dựng. 

Các công ty công viên cây xanh, vườn thú tăng cường kiểm tra, kịp thời xử lý các sự cố gãy đổ, bảo đảm an toàn giao thông. Sở Y tế kiểm tra các phương án, vật tư, thiết bị phục vụ công tác phòng chống thiên tai, dịch bệnh... 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội triển khai công tác phòng, chống thiên tai năm 2019

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.