(HNM) - Với 6 sản phẩm được Bộ NN&PTNT chứng nhận đạt 5 sao trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Hà Nội là địa phương có số lượng sản phẩm 5 sao tốp đầu cả nước. Các sản phẩm OCOP 5 sao của Hà Nội mang nét đặc trưng, tiêu chuẩn, chất lượng cao và hội tụ đủ điều kiện để xuất khẩu… Sau khi được công nhận, các chủ thể có cơ hội quảng bá, tiêu thụ sản phẩm tốt hơn, từ đó sản xuất cũng được mở rộng hơn.
Đưa nét đặc trưng vào từng sản phẩm
Năm 2020, Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm) có 4 sản phẩm được chứng nhận OCOP 5 sao. Đó là “Bộ bát đĩa gốm sứ hoa sen đỏ”, “Bộ bát đĩa gốm sứ chim én hoa sen”, “Bộ bát đĩa gốm sứ rồng phượng” và “Bộ ấm chén gốm sứ chim én hoa sen”. Các sản phẩm OCOP 5 sao này có sự kết hợp giữa thủ công và công nghệ. Thủ công ở việc tạo hình các họa tiết, làm nên tính độc đáo và tính thẩm mỹ cao. Trong mỗi sản phẩm, doanh nghiệp đều khéo léo truyền tải nét văn hóa của người Việt, như hình tượng hoa sen, rồng phượng, chim én... Để mỗi sản phẩm đạt đến sự hoàn mỹ, bên cạnh làm thủ công, công ty sử dụng máy móc để tạo hình, kiểm soát chất lượng, giúp sản phẩm có độ mịn, an toàn cao, không cong vênh, nứt mẻ…
Đầu năm 2023, chăn bông tơ tằm tự dệt của Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức cũng được Bộ NN&PTNT công nhận OCOP 5 sao. Nghệ nhân Phan Thị Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức chia sẻ, sản phẩm ra đời là kết tinh của nhiều tâm huyết, mày mò thử nghiệm. Sinh ra và lớn lên ở “quê hương dâu tằm” Phùng Xá, từ nhỏ bà Thuận đã gắn bó với nong tằm, cái kén. Đầu những năm 2010, khi ngồi quan sát con tằm làm tơ, đan kén, bà Thuận đã nảy ra ý tưởng để cho tằm tự dệt chăn tơ. Nghĩ là làm, nhưng bà cũng gặp nhiều khó khăn vì tằm nhả tơ một cách tự nhiên theo bản năng. Lúc đó, bà lại phải tự tay bắt tằm, kiên trì sắp xếp chúng vào đúng vị trí. Vì buộc phải nhả tơ khi đến kỳ, nên tằm đã nhả tơ theo vị trí được định trước. Vậy là hàng ngàn, hàng vạn con tằm cùng nằm trên một mặt phẳng, rút ruột nhả tơ một cách chăm chỉ để dệt thành những tấm chăn bông tơ tằm bền đẹp. Khi tằm hết chu kỳ nhả tơ cũng là lúc tấm chăn hoàn thành...
Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, đến nay, Hà Nội có 6 sản phẩm được công nhận OCOP 5 sao. Trong đó, có 4 sản phẩm của Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh; 1 sản phẩm của Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức và 1 sản phẩm của Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh gốm Tân Thịnh. “Sản phẩm OCOP không như các sản phẩm được sản xuất hàng loạt trong các nhà máy lớn, với công nghệ hiện đại, mà là sản phẩm mang tính đặc thù, lợi thế của từng địa phương, nên đặc sắc, có giá trị cao”, ông Nguyễn Văn Chí đánh giá.
Tự tin với thương hiệu “Made in Việt Nam”
Mỗi năm, Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức hoàn thành hàng nghìn chiếc chăn tơ tằm tự dệt. “Doanh nghiệp bán sản phẩm theo cân nặng, mỗi ki lô gam chăn có giá 4 triệu đồng. Sau khi được công nhận sản phẩm OCOP, người tiêu dùng biết đến chăn tơ tằm nhiều hơn. Mặc dù cung không đủ cầu, song công ty vẫn giữ nguyên giá để nhiều người tiêu dùng được trải nghiệm, sử dụng sản phẩm chăn từ nguyên liệu tự nhiên, cao cấp”, nghệ nhân Phan Thị Thuận cho hay.
Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh Hà Thị Vinh cho biết, sản phẩm được đánh giá, phân hạng 5 sao là vinh dự lớn, “giấy thông hành” để doanh nghiệp củng cố, phát triển thương hiệu sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước… Hơn 80% sản phẩm gốm sứ Quang Vinh được dành xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, đến cả các thị trường khó tính nhất, như: Đức, Mỹ, Nhật, Đan Mạch...
Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh gốm Tân Thịnh là chủ thể hợp tác xã duy nhất có sản phẩm “Bộ sản phẩm gốm men suối ngọc” được đánh giá, công nhận OCOP 5 sao. Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh gốm Tân Thịnh Trần Đức Tân thông tin, đơn vị có 20 thành viên, là những nghệ nhân, thợ giỏi của làng nghề gốm sứ Bát Tràng. Mỗi thành viên của hợp tác xã lại chuyên về một dòng sản phẩm khác nhau nên có nhiều tiềm năng để phát triển.
Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, thành phố phấn đấu đến năm 2025 có thêm 2.000 sản phẩm OCOP được chứng nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có 3% sản phẩm tiềm năng 5 sao.
Là Chủ tịch Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp trung ương, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhận định, các sản phẩm OCOP 5 sao của Hà Nội ngày càng chất lượng, mẫu mã đa dạng và gắn với nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, việc lập hồ sơ đánh giá sản phẩm còn sơ sài. “OCOP là chương trình có ý nghĩa lớn, nhằm phát triển kinh tế nông thôn, nên các chủ thể hãy tự tin sản xuất ra các sản phẩm đúng nghĩa "Made in Việt Nam"”, ông Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.