(HNM) - Từ đầu năm 2022 đến nay, thị trường hàng hóa của Hà Nội đã có sự hồi phục mạnh mẽ khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Hàng loạt chương trình khuyến mại tập trung, liên kết vùng, xúc tiến thương mại… với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp được triển khai đồng bộ, hiệu quả đã góp phần kích cầu tiêu dùng, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của thành phố.
Nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn
Từ cuối tháng 4-2022, thành phố Hà Nội đã phát động chương trình khuyến mại tập trung quy mô lớn, trọng tâm vào các tháng 5, 7, 11, với mức giảm giá, khuyến mại lên tới 100% tại hơn 2.000 điểm bán hàng. Đặc biệt, chương trình Tháng khuyến mại Hà Nội năm 2022 do Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội tổ chức là sự kiện trọng tâm trong chuỗi các hoạt động khuyến mại tập trung của thành phố.
Bên cạnh việc chuẩn bị đầy đủ hàng hóa tham gia chương trình Tháng khuyến mại Hà Nội năm 2022, chuỗi siêu thị BRG Mart đăng ký 9 điểm khuyến mại tập trung, với chương trình mua sắm giảm giá từ 30% đến 50% cho hơn 300 sản phẩm, mặt hàng thiết yếu, như: Gạo, dầu ăn, trái cây, đồ uống, bánh, kẹo, sữa, mỹ phẩm… Tương tự, siêu thị MM Mega Market Thăng Long cũng triển khai nhiều chương trình khuyến mại với mức giảm giá từ 10% đến 50% đối với các mặt hàng thực phẩm, trái cây, gia dụng... “Các mặt hàng này thu hút được rất nhiều khách hàng khi đến với siêu thị. Sau hai tuần triển khai, doanh thu của siêu thị tăng khoảng 20% so với những ngày trước đó. Với kênh bán hàng trực tuyến qua website và các ứng dụng liên kết, tỷ lệ tăng trưởng là 25% - 30%”, Giám đốc Trung tâm MM Mega Market Thăng Long Nguyễn Văn Ngọc cho biết.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới tại các “Điểm vàng” khuyến mại như: Siêu thị Mediamart Mỹ Đình (18 Phạm Hùng, quận Cầu Giấy), siêu thị MM Mega Market Thăng Long (Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm), siêu thị BRG Mart (tòa nhà The Light, Khu đô thị Trung Văn, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm)…, hàng hóa tham gia chương trình được các đơn vị trưng bày ở những vị trí bắt mắt, giúp người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn và mua sắm. Lượng khách hàng ghi nhận tăng trong những ngày cuối tuần. Bà Nguyễn Thu Minh (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) chia sẻ, sau dịch Covid-19, nhiều khoản thu nhập bị cắt giảm nên những chương trình khuyến mại lớn của thành phố Hà Nội giúp người lao động tiết kiệm được khá nhiều chi phí. “Các sản phẩm hàng Việt ngày càng được nâng cao về chất lượng, mẫu mã nên chúng tôi rất yên tâm lựa chọn sử dụng”, bà Nguyễn Thu Minh nói.
Đẩy mạnh xúc tiến tiêu dùng nội địa
Theo Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn thành phố trong 10 tháng năm 2022 đạt 567,5 nghìn tỷ đồng, tăng 28,8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 364,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 64,2% tổng mức và tăng 18,6%. “Kết quả này khẳng định hiệu quả của việc mở cửa nền kinh tế và triển khai các chương trình kích cầu nội địa, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, qua đó đóng góp cho tăng trưởng kinh tế Thủ đô”, bà Trần Thị Phương Lan nhận định.
Là đơn vị chủ trì Tháng khuyến mại Hà Nội năm 2022, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội Bùi Duy Quang thông tin, Tháng khuyến mại Hà Nội năm 2022 là một trong những giải pháp thúc đẩy tiêu dùng nội địa, khẳng định thị trường nội địa là một trong những động lực tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, Tháng khuyến mại góp phần cân đối cung cầu thị trường, giúp người tiêu dùng mua sắm hàng hóa với giá cả hợp lý dịp cuối năm.
Dự báo của Bộ Công Thương cũng cho thấy triển vọng về tiêu dùng trong nước những tháng cuối năm sẽ tích cực hơn do dịch Covid-19 được kiểm soát hiệu quả. Vì thế, Hà Nội sẽ triển khai nhiều chương trình khuyến mại lớn khác, như “Hanoi sales promotion 2022”, sự kiện "Hà Nội đêm không ngủ - Hanoi midnight sale 2022", “Hà Nội - Online xuống phố” gắn với ngày Black Friday, trong đó có các hình thức khuyến mại lên tới 100%. “Hà Nội sẽ tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất các tỉnh, thành phố tham gia cung ứng nông sản, thực phẩm và xúc tiến thương mại, mở các điểm bán hàng tại Hà Nội, góp phần bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho Thủ đô”, bà Trần Thị Phương Lan khẳng định.
Cũng theo bà Trần Thị Phương Lan, thành phố tiếp tục thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển các phương thức kinh doanh hiện đại, phù hợp với kinh tế số; hỗ trợ doanh nghiệp hình thành chuỗi sản xuất, cung ứng trong nước.
Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga đánh giá, các sự kiện khuyến mại được nâng cao chất lượng, gắn với đẩy mạnh xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam sẽ góp phần kết nối hiệu quả giữa sản xuất và tiêu thụ, giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng để hình thành các chuỗi cung ứng. Tổng thể các giải pháp đó sẽ thúc đẩy tiêu dùng nội địa, tăng trưởng về doanh thu cho doanh nghiệp, giúp thành phố Hà Nội đạt được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và những năm tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.