(HNMO) - Sáng nay, 21-9, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân.
Đại biểu Trung ương dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trần Hồng Hà - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Ngô Thị Doãn Thanh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội; đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đại diện các ban, ngành trung ương.
Dự hội nghị còn có đại biểu đại diện của 9 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Hồng và đại diện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Về phía thành phố Hà Nội có các đồng chí: Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố; Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy; Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Bùi Duy Nhâm, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Công Soái, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã... trên địa bàn thành phố.
Hà Nội đã đạt nhiều kết quả nổi bật
Mở đầu hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố đã trình bày báo cáo tóm tắt kết quả 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân” của Thành ủy Hà Nội
Đồng chí Nguyễn Đức Chung khẳng định, Hà Nội đã đạt nhiều kết quả nổi bật. Thông qua thực hiện chương trình, nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về nông nghiệp, nông dân, nông thôn có chuyển biến tích cực; kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá; quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được đổi mới; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường; các hoạt động văn hóa - xã hội, thể thao có chuyển biến tiến bộ theo hướng chuẩn hóa và xã hội hóa; chính trị - xã hội và quốc phòng - an ninh được đảm bảo; an sinh xã hội được chăm lo, đời sống của nhân dân được cải thiện...
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được quan tâm; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố vững chắc, lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ ngày càng được nâng lên, tạo thế và lực mới cho thành phố phát triển nhanh và bền vững hơn trong những năm tới.
Đáng chú ý, các mục tiêu đề ra cơ bản hoàn thành và đạt khá, trong đó có 3 chỉ tiêu vượt trước 2 năm so với mục tiêu chương trình đề ra là giá trị sản xuất nông nghiệp thực tế/ha đất nông nghiệp, tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới và tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm thường xuyên.
Thành phố đã có 6 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Gia Lâm và Quốc Oai. Toàn thành phố có 325/386 xã (chiếm 84,2%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (vượt kế hoạch trước 2 năm so với mục tiêu đề ra là có 80% số xã hoàn thành đến 2020); có 3 xã Đan Phượng, Song Phượng, Liên Trung của huyện Đan Phượng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Trong 61 xã chưa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới có 10 xã đạt và cơ bản đạt 19 tiêu chí, 43 xã đạt và cơ bản đạt từ 15-18 tiêu chí, 8 xã đạt và cơ bản đạt từ 11-14 tiêu chí.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện chương trình vẫn còn một số hạn chế như: Thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi trong sản xuất chưa nhiều. Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn là mối lo của người tiêu dùng... Kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các huyện chưa đồng đều. Nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới chủ yếu từ nguồn ngân sách nhà nước...
Thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm; tăng trưởng sản xuất nông nghiệp bình quân từ 3,5-4%/năm trở lên; tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí ở các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2020, thành phố có 85% số xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới…
Phấn đấu đến năm 2025, Hà Nội có 100% huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới
Chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới
Tại hội nghị, 3 đại biểu đại diện cho các địa phương, đơn vị của thành phố đã trình bày tham luận nhằm chia sẻ những kết quả và bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
Thay mặt nhân dân và cán bộ huyện Gia Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Ngọc Thuần cho biết, kết quả nổi bật sau 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới là bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện đã được đầu tư ngày càng hoàn thiện.
“Với định hướng xây dựng huyện thành quận trong giai đoạn 2020 - 2025, trong thời gian tới, huyện Gia Lâm sẽ tiếp tục tập trung các giải pháp xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa nhằm hướng tới mục tiêu: Duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn; xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển đô thị và bảo vệ môi trường; phấn đấu hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện thành quận”, đồng chí Nguyễn Ngọc Thuần cho biết.
Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu KINOKO Thanh Cao (xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức) Dương Thị Thu Huệ đã tham luận về "Công tác đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp phục vụ xây dựng nông thôn mới". Với diện tích 30.000m2 sản xuất nấm theo công nghệ Nhật Bản, hiện mỗi ngày, công ty sản xuất khoảng 1,5 - 2 tấn nấm kim châm chất lượng cao, đáp ứng được quy trình kiểm định khắt khe của các tổ chức trong và ngoài nước.
Bà Dương Thị Thu Huệ kiến nghị các cơ quan chức năng có giải pháp ngăn chặn tình trạng nhập lậu nấm từ nước ngoài vào Việt Nam để doanh nghiệp yên tâm sản xuất ra những sản phẩm chất lượng, an toàn, phục vụ người tiêu dùng.
Là hộ gia đình tích cực đóng góp vào chương trình xây dựng nông thôn mới, ông Phạm Đình Thiện, thôn 1, xã Lại Yên, huyện Hoài Đức đã tham luận về chủ đề: "Phát huy vai trò người dân là chủ thể xây dựng nông thôn mới". Ông Phạm Đình Thiện cho biết, từ năm 2012 đến năm 2017, gia đình đã hỗ trợ kinh phí và hiến 70m2 đất thổ cư để địa phương mở rộng khuôn viên, tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử cấp quốc gia Lăng đá Quận công Phạm Đôn Nghị; xây dựng cổng Đình Làng... Ước tính, kinh phí gia đình đã đóng góp cho xây dựng nông thôn mới ở xã Lại Yên là hơn 1 tỷ đồng.
“Gia đình tôi đã đồng thuận, nhất trí cao để tham gia, hưởng ứng, đóng góp vào quá trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương”, ông Phạm Đình Thiện chia sẻ.
Những nhân tố điển hình trong xây dựng nông thôn mới
Huyện Gia Lâm và Quốc Oai được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018
Tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao Bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018 cho huyện Gia Lâm và huyện Quốc Oai.
Đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội và đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã trao Cờ thi đua xuất sắc của thành phố Hà Nội cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình số 02- CTr/TU của Thành ủy.
Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội và đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố đã trao Bằng khen của Ban Thường vụ Thành ủy cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình số 02- CTr/TU Thành ủy.
Cũng tại hội nghị, các tập thể, cá nhân, hộ gia đình có nhiều đóng góp trong phong trào xây dựng nông thôn mới đã được nhận Bằng khen của UBND thành phố Hà Nội.
Lấy khu vực nông thôn, ngoại ô là hạt nhân phát triển, đi đầu cả nước
Phát biểu tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, đánh giá cao kết quả Hà Nội đã đạt được trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình số 02- CTr/TU của Thành ủy.
Thủ tướng khẳng định, Hà Nội đã đóng góp kinh nghiệm hay cho cả nước về xây dựng nông thôn mới. Đây chính là nơi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới với quy mô nhiệm vụ lớn nhất cả nước khi có tới 17 huyện, 386 xã trên diện tích ngoại thành hơn 2.230 km2, số dân 4,1 triệu người ở nông thôn (tức khoảng 1/2 dân số Thủ đô sống ở nông thôn).
Song song với phân tích những thành tựu của Thủ đô trong xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng cũng đánh giá, sản xuất nông nghiệp nói riêng, kinh tế nông thôn nói chung của Hà Nội còn nhỏ bé, quy mô phân tán, phát triển dưới tiềm năng. Môi trường nông thôn chưa được cải thiện tích cực, người dân một số nơi còn kêu ca về rác thải, nước thải, ô nhiễm không khí. Còn một số trường hợp, vấn đề về đạo đức gia đình, làng xóm đáng lo ngại... Do đó, bên cạnh việc phát huy vị trí trung tâm, đầu tàu ở chức năng đô thị, thành phố cũng cần chú trọng phát triển khu vực nông thôn, ngoại ô, coi đây là hạt nhân phát triển, đi đầu cả nước.
Tôn vinh nét đẹp trong văn hóa, truyền thống nghề nghiệp của những con người, vùng đất nên thơ của Hà Nội, Thủ tướng nhắc đến câu ca dao “Xứ Đoài là đất trăm nghề/Đi buôn làm thợ đề huề tinh tươm” và đề nghị thành phố có nhiều hành động hơn nữa để bảo tồn, phát triển bản sắc văn hóa khu vực nông thôn. Đặc biệt, thành phố cần xây dựng một nền nông nghiệp đặc trưng, nông nghiệp đô thị, nông nghiệp có vị trí chi phối trong vùng, quốc gia về công nghệ, dịch vụ, về chuỗi giá trị gia tăng, chế biến, đặc biệt là việc tổ chức thương mại nội địa, xuất khẩu.
Thủ tướng yêu cầu nông nghiệp Hà Nội phải trở thành một nền nông nghiệp hiện đại trong khu vực và trên thế giới; tiếp tục xây dựng vùng nông thôn xanh, đẹp, một miền quê đáng sống, một không gian kinh tế nông thôn với thế mạnh đất trăm nghề gắn với các lễ hội, nét đẹp văn hóa, để cùng với nông nghiệp sạch, hữu cơ đặc trưng tạo nên không gian du lịch hấp dẫn trong bức tranh tổng thể phát triển Thủ đô. Bên cạnh đó, cần xác lập vai trò, vị thế của người nông dân, chủ thể nông thôn.
Yêu cầu “Nông thôn Hà Nội phải đi trước, đứng đầu trong áp dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0”, Thủ tướng mong muốn Hà Nội phát triển mạnh mẽ hơn nữa các trung tâm đô thị vệ tinh; xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị. Nông thôn Hà Nội cần gìn giữ văn hóa truyền thống Thủ đô nghìn năm văn hiến, thanh lịch, sâu sắc và bản sắc.
Thủ tướng tin tưởng, trong thời gian tới, Hà Nội sẽ đạt được nhiều kết quả to lớn hơn nữa trong xây dựng nông thôn mới, trở thành hình mẫu, là niềm tự hào để Thăng Long Hà Nội tiếp tục bay cao, bay xa.
Xây dựng nông thôn Hà Nội xanh, sạch, trở thành hình mẫu
Thành tố quyết định sự thành công của chương trình là sự ủng hộ và tích cực của nhân dân
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố khẳng định, Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm của chương trình xây dựng nông thôn mới.
Đồng chí Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình 02 - CTr/TU của Thành ủy đã đóng góp nhiều cho việc hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm kỳ Đại hội XVI Đảng bộ thành phố, đặc biệt trong đó có các chỉ tiêu đã về đích trước 2 năm (tính đến hết năm 2018). Đó là có 352 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bằng 84,2% (kế hoạch nhiệm kỳ là 80%); tỷ lệ trường công lập 4 cấp (mầm non, tiểu học, THCS, THPT) đạt chuẩn quốc gia đạt 66,2% (kế hoạch là 65-70%); tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều mới còn 1,16% (kế hoạch là dưới 1,2%). Bên cạnh đó, còn rất nhiều kết quả nổi bật đã được làm rõ tại hội nghị.
"Hà Nội rất phấn khởi được đứng trong nhóm đầu các tỉnh, thành phố có số xã đạt chuẩn nông thôn mới và mức thu nhập bình quân khu vực nông thôn cao nhất cả nước. Có được những kết quả đó là nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ thành phố tới cơ sở, và đặc biệt, thành tố quyết định sự thành công của chương trình chính là sự ủng hộ và tích cực của đông đảo nhân dân", đồng chí Bí thư Thành ủy khẳng định.
Phát huy những kết quả đạt được, khắc phục tồn tại, hạn chế qua 10 năm thực hiện chương trình, đồng chí Hoàng Trung Hải đề nghị các ban, ngành chức năng, MTTQ và các đoàn thể chính trị thành phố và cấp ủy, chính quyền, Ban Chỉ đạo các huyện, thị xã, các xã tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm của chương trình xây dựng nông thôn mới đã nêu trong báo cáo và quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội đảng các cấp.
Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô, đồng chí Hoàng Trung Hải gửi lời cảm ơn sâu sắc tới sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ; sự ủng hộ, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành trung ương, các tỉnh, thành phố đối với Hà Nội trong thời gian qua và mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ trong thời gian tới.
Sự ủng hộ của nhân dân – nhân tố quyết định thành công trong xây dựng nông thôn mới
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.