(HNMO) - Chiều 18-12, UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam tổ chức hội thảo “Kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) các tỉnh Nam Bộ”.
Hội thảo có sự tham gia của gần 200 đại biểu là các chủ thể đã và đang tham gia Chương trình OCOP; các doanh nghiệp, nhà bán lẻ, nhà phân phối của Hà Nội và các tỉnh Nam Bộ. Dự hội thảo có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến.
Hội thảo “Kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm OCOP các tỉnh Nam Bộ” nằm trong chuỗi sự kiện “Giới thiệu, quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP và đặc sản các vùng, miền gắn với văn hóa các tỉnh Nam Bộ; đẩy mạnh tuyên truyền thông điệp 5K của Bộ Y tế về phòng, chống dịch Covid-19” do UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức tại Không gian biểu diễn văn hóa nghệ thuật ẩm thực đường phố quận Tây Hồ trong 5 ngày (từ ngày 17 đến 21-12-2020).
Hội thảo nhằm mục đích kết nối giao thương, tiêu thụ các sản phẩm tại các hệ thống phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, cửa hàng kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP... để người tiêu dùng Thủ đô, trong nước và quốc tế nhận diện thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm...
Báo cáo tại hội thảo, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, Chương trình OCOP thành phố Hà Nội đề ra mục tiêu: Phát triển, nâng cấp, hoàn thiện và tổ chức đánh giá xếp hạng sản phẩm từ 800 đến 1.000 sản phẩm. Trong đó, có từ 500 sản phẩm tham gia được đánh giá và xếp hạng sản phẩm cấp thành phố, sản phẩm được tham gia đánh giá và xếp hạng sản phẩm cấp quốc gia theo quy định.
Kết quả, thành phố đã quyết định công nhận 630 sản phẩm OCOP, trong đó có 14 sản phẩm tiềm năng 5 sao; 421 sản phẩm 4 sao; 195 sản phẩm 3 sao. Hiện nay, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp huyện và Tổ tư vấn đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp thành phố đang đẩy nhanh tiến độ đánh giá phân hạng khoảng 370 sản phẩm hoàn thành trong tháng 12-2020, phấn đấu đến hết năm 2020, thành phố Hà Nội có hơn 1.000 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng.
Song song với phát triển sản phẩm OCOP, công tác thông tin, quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP được triển khai kịp thời, thường xuyên, giúp các chủ thể giới thiệu sản phẩm OCOP đến tận người tiêu dùng. Cũng trong năm 2020, Hà Nội đã lựa chọn và khai trương, đưa vào hoạt động được 13 điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP trên toàn thành phố. Hàng hóa bày bán trong các điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm nêu trên đều là các sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên.
Đẩy mạnh kết nối, giao thương cho sản phẩm
Tại hội thảo, các nhà bán lẻ, nhà phân phối, các chủ thể có sản phẩm OCOP đã trao đổi về hướng hợp tác, liên kết trong tiêu thụ sản phẩm. Là chủ thể tham gia Chương trình OCOP của thành phố Hà Nội, bà Trịnh Kim Thư, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần MD Queens cho biết, đơn vị chuyên sản xuất và phân phối trà xạ đen, mong muốn sản phẩm tốt được chứng nhận OCOP, được các nhà bán lẻ tiêu thụ trong các kênh phân phối để nhiều người biết đến. Đây cũng là mong muốn của bà Đinh Thị Hải Yến, Giám đốc Công ty cổ phần thương mại chế biến thực phẩm sạch Từ Tâm - đơn vị có 20 sản phẩm ẩm thực truyền thống, trong đó có 12 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP của thành phố Hà Nội năm 2019.
Tham luận tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu, đại diện cho chuỗi hệ thống siêu thị Vinmart, cửa hàng Vinmart+ cho biết, hiện nay, đơn vị đang có 124 siêu thị và gần 2.500 cửa hàng trên cả nước. Để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP, đơn vị sẽ tham quan, xem xét hàng hóa, sản vật OCOP gắn với các tỉnh Nam Bộ để kết nối, mua sản phẩm đưa vào hệ thống phân phối của đơn vị.
Trong khi đó, ông Đỗ Hoàng Thạch, Giám đốc Công ty xúc tiến thương mại nông nghiệp Việt Nam cho rằng, hội thảo là cơ hội để doanh nghiệp kết nối với các chủ thể OCOP của các tỉnh, thành phố trên cả nước để mua sản phẩm. “Hiện nay, chúng tôi đang đưa hàng vào các trường học, sàn thương mại điện tử, công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn thành phố Hà Nội. Các sản phẩm OCOP tuy độc đáo nhưng còn ít người biết đến nên cần đẩy mạnh quảng bá về chương trình này. Hơn nữa, Hà Nội cần xây dựng thêm các chuỗi cửa hàng bán sản phẩm OCOP, đưa sản phẩm OCOP vào các tour du lịch… để sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng".
Cũng tại hội thảo, đã có 21 biên bản ghi nhớ, hợp tác, kết nối giao thương giữa các nhà phân phối, nhà bán lẻ với các chủ thể tham gia Chương trình OCOP của thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ được ký kết.
Hà Nội ủng hộ và tiếp tục hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP
Phát biểu tại hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết, Thủ đô Hà Nội là trung tâm kinh tế - chính trị lớn của cả nước. Năm 2020 là năm đặc biệt khó khăn, song Hà Nội đã hoàn thành cơ bản các mục tiêu đặt ra; giữ vị trí tốp đầu về tăng trưởng kinh tế. “Đặc biệt, dù gặp nhiều khó khăn, nhưng ngành Nông nghiệp Hà Nội vẫn tăng trưởng 4,2% - mức tăng cao nhất trong nhiều năm gần đây, đưa nông nghiệp trở thành trụ đỡ trong phát triển kinh tế, ổn định đời sống nông dân. Riêng với chương trình OCOP, Hà Nội đặt ra đến năm 2020 có 1.000 sản phẩm OCOP, đây là mục tiêu rất lớn nhưng đến thời điểm hiện nay, cơ bản Hà Nội đã hoàn thành mục tiêu đề ra”, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh.
Theo đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, hội thảo kết nối giao thương tiêu thụ sản phẩm OCOP là sự kiện có ý nghĩa góp phần thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP. Đồng chí gợi mở: Hà Nội có hơn 1.000 chung cư cao tầng (có chung cư hơn 10.000 người dân sinh sống), nên việc đưa sản phẩm OCOP vào khu chung cư, siêu thị, chợ dân sinh là những kênh phân phối nhiều tiềm năng, thành phố Hà Nội ủng hộ và tiếp tục hỗ trợ thực hiện.
Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến cũng đề nghị các cấp, ngành của Hà Nội tiếp tục phối hợp với các cơ quan trung ương, các tỉnh, thành phố đưa sản phẩm chất lượng cao của các tỉnh về Hà Nội và sản phẩm của Hà Nội đi các tỉnh, thành phố; tiếp đó là xuất khẩu ra nước ngoài.
Đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo của Sở NN&PTNT Hà Nội, UBND quận Tây Hồ trong tổ chức chuỗi sự kiện giới thiệu, quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP và đặc sản các vùng, miền gắn với văn hóa các tỉnh Nam Bộ, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến mong muốn các hội chợ, xúc tiến thương mại, xúc tiến du lịch gắn với sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp được tổ chức nhiều hơn để thúc đẩy sản xuất phát triển, nâng cao đời sống cho người dân, đặc biệt trong bối cảnh Hà Nội thực hiện rất tốt công tác phòng, chống dịch bệnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.