(HNMO) - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã có Báo cáo số 328-BC/TU, sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 5-12-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi hành án dân sự, hành chính”.
Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, công tác thi hành án dân sự, hành chính trên địa bàn thành phố có nhiều chuyển biến tích cực. Kết quả thi hành án dân sự toàn thành phố về việc hằng năm đều vượt chỉ tiêu được giao (trừ năm 2021 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chưa đạt chỉ tiêu được giao).
Đặc biệt, năm 2022, kết quả thi hành án dân sự toàn thành phố vượt chỉ tiêu được giao cả về việc và về tiền (về việc vượt 0,16% so với chỉ tiêu được giao, về tiền vượt 2,2% so với chỉ tiêu được giao).
Chi cục Thi hành án dân sự các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố cũng đã thực hiện rất tốt công tác tham mưu cấp ủy, UBND, Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự quận, huyện, thị xã trong thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi hành án dân sự tại địa phương.
Các vụ việc phức tạp, cần phải tổ chức cưỡng chế, huy động nhiều lực lượng của các ngành tham gia đều được báo cáo Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự quận, huyện chỉ đạo. Việc tổ chức cưỡng chế được tiến hành theo đúng trình tự luật định, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn về người và tài sản, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật…
Phát huy kết quả đạt được, trong thời gian tới, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 19-CT/TU. Trong đó, tiếp tục phổ biến, quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác cải cách tư pháp nói chung, công tác thi hành án dân sự, hành chính nói riêng; đồng thời tiếp tục xây dựng các cơ quan thi hành án dân sự trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Đồng thời tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo UBND thành phố thường xuyên kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự hai cấp thành phố; tập trung chỉ đạo quyết liệt, dứt điểm việc tổ chức thi hành án, nhất là đối với những vụ việc trọng điểm, phức tạp, những vụ án liên quan đến tham nhũng, tín dụng, ngân hàng, những địa bàn, địa phương có lượng án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội...
Đối với cấp ủy, chính quyền địa phương và công tác phối hợp liên ngành, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn công tác phối hợp thi hành án dân sự, đặc biệt là phối hợp trong hướng dẫn nghiệp vụ, cưỡng chế thi hành án và thống kê liên ngành. Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương trong quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng trong hoạt động thi hành án dân sự.
Cùng với đó, tăng cường chỉ đạo công tác phối hợp với các cơ quan liên quan trên địa bàn để tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương; tăng cường công tác vận động, thuyết phục người phải thi hành án chấp hành bản án, hạn chế thấp nhất việc phải huy động lực lượng tham gia cưỡng chế thi hành án dân sự…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.