(HNMO) - Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình mặt đất đến năm 2020 vừa diễn ra, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn đã yêu cầu các cơ quan báo chí của Thành phố dành thời lượng thích hợp, tăng cường tuyên truyền việc triển khai Đề án số hóa truyền hình mặt đất.
Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) có trách nhiệm chủ trì, biên soạn nội dung tuyên truyền gửi tới các đơn vị. Sở Lao động Thương binh và xã hội phối hợp với Sở TT-TT khẩn trương hoàn thành rà soát các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách, phân loại rõ bao nhiêu hộ cần hỗ trợ đầu thu, bao nhiêu hộ cần hỗ trợ cả đầu thu và máy thu hình để báo cáo TP có phương án hỗ trợ thích hợp.
Theo lộ trình, đến ngày 31-12-2015, địa bàn các quận, huyện của Hà Nội cũ sẽ ngừng phát sóng analog, chuyển sang phát sóng truyền hình số; đến hết năm 2016, toàn TP sẽ chuyển sang phát sóng truyền hình số. Đến nay, Hà Nội đã đẩy mạnh tuyên truyền tới người dân về chuyển đổi phương thức phát sóng truyền hình từ analog sang số hóa. Đài PTTH Hà Nội đang từng bước chuyển đổi công nghệ sản xuất số hóa các chương trình truyền hình; Công ty CP Truyền dẫn phát sóng truyền hình đồng bằng sông Hồng (RTB) đã được thành lập, đang đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật. Được biết, dự kiến đến ngày 15-5-2015, Công ty sẽ ra mắt và phát sóng 14 kênh số hóa; đến 31-6-2015 sẽ phát 32 kênh trên 2 băng tần số; đến hết năm 2015, Công ty hoàn thành phát sóng 40 kênh SD và 2 kênh HD. Công ty CP Hanel hiện đã sản xuất đầu thu truyền hình số với tỷ lệ nội địa hóa 60%. Tính đến nay, Sở TT-TT đã cơ bản hoàn thành điều tra phương thức thu xem truyền hình của trên 149.000 hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn để làm cơ sở triển khai chính sách hỗ trợ của TP, bảo đảm 100% người dân được xem truyền hình sau khi số hóa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.