Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị

Bạch Thanh| 20/09/2022 16:42

(HNMO) - Ngày 20-9, tại huyện Gia Lâm, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tổ chức Tọa đàm khuyến nông "Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị" nhằm lắng nghe, hỗ trợ, đánh giá đúng hiện trạng liên kết chuỗi hiện nay trên địa bàn thành phố và có kiến nghị, đề xuất sát thực tế.

Quang cảnh buổi tọa đàm.

Liên kết chuỗi hiệu quả nhưng còn lúng túng

Tham dự buổi tọa đàm, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) rau an toàn Đa Tốn Lê Thanh Phương trăn trở, đơn vị đã xây dựng được vùng sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ cao, nhưng muốn phân phối vào các cửa hàng tiện ích, siêu thị vẫn gặp nhiều khó khăn. HTX còn lúng túng trong việc hoàn thiện các quy định về chứng nhận chất lượng, giấy tờ pháp nhân để đáp ứng các yêu cầu từ nhà phân phối.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Lân, hộ nông dân sản xuất rau màu, cây ăn quả tại xã Chử Xá cho hay, gia đình bà từng được tập huấn hỗ trợ nhiều về sản xuất liên kết chuỗi, nhưng không thể tự tham gia xây dựng chuỗi, mà cần có vai trò lớn của doanh nghiệp, HTX bảo đảm tính pháp nhân và tổ chức liên kết.

Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm Hoàng Thị Thúy Nga cho biết, trên địa bàn huyện Gia Lâm hiện có 22 chuỗi, trong đó có 12 chuỗi dạng trồng trọt, 10 chuỗi dạng chăn nuôi. Điển hình như HTX sản xuất - kinh doanh nông nghiệp Văn Đức với sản phẩm rau an toàn đang liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm vào kênh siêu thị và xuất khẩu sang các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc...

Các mô hình chuỗi trên địa bàn huyện đã khẳng định hiệu quả kinh tế cao, tạo dựng được niềm tin đối với người tiêu dùng; người sản xuất và doanh nghiệp yên tâm sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Thời gian tới, Gia Lâm sẽ tập trung phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng liên kết chuỗi. Tuy nhiên, việc thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị tại Gia Lâm nói riêng và toàn thành phố nói chung còn gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, việc tiêu thụ kênh phân phối hiện đại siêu thị, cửa hàng tiện lợi chỉ chiếm tỷ trọng 30% nông sản, còn lại 70% tiêu thụ tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh...

Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh nông nghiệp Văn Đức cho hay, nhiều loại nông sản vẫn tiêu thụ qua kênh truyền thống bởi quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, hạn chế về ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật trong sản xuất (thiếu thiết bị, nhà xưởng để sơ chế sản phẩm, kho lạnh để bảo quản sản phẩm...); người sản xuất thiếu thông tin thị trường nên chưa định hình sản phẩm, chưa định hướng thị trường đúng đắn...

Các đại biểu tham dự tọa đàm thăm mô hình của HTX sản xuất kinh doanh nông nghiệp Văn Đức liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm vào kênh siêu thị và xuất khẩu.

Gỡ khó để chính sách đi vào cuộc sống

Tham dự tọa đàm, ông Triệu Thành Nam, đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản thông tin, sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị phải đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng theo yêu cầu của doanh nghiệp liên kết hoặc thị trường và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nông sản tham gia vào chuỗi bắt buộc phải có nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng... và khi đó, người tiêu dùng sẵn sàng bỏ chi phí cao hơn để mua sản phẩm.

Về nhãn hiệu, thương hiệu nông sản, thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, HTX đăng ký nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý đối với nông sản. Hàng nông sản của các địa phương hiện rất dồi dào, ngoài kênh tiêu thụ trong nước, thị trường xuất khẩu cũng rất thuận lợi khi Việt Nam đang thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA), thị trường nông sản ngày càng được mở rộng, trong đó có 2 thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc.

Vấn đề mấu chốt để tham gia vào chuỗi giá trị trong nước hoặc toàn cầu chính là trước khi tổ chức sản xuất đại trà, các HTX phải có sự đánh giá, nghiên cứu kỹ lưỡng về thị trường, tiêu chuẩn chất lượng để làm căn cứ thời điểm, mùa vụ gieo trồng và có kế hoạch sản xuất phù hợp, hiệu quả. Muốn làm được điều này, ngoài "đầu tàu" là các doanh nghiệp, HTX đủ mạnh về vốn, nhân lực thì sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước cũng đóng vai trò quan trọng.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, triển khai Nghị định 98 của Chính phủ và Nghị quyết 10 của HĐND thành phố, Sở NN&PTNT phối hợp với các huyện triển khai chính sách hỗ trợ tới các doanh nghiệp, hợp tác xã theo phân cấp từ thành phố đến UBND quận, huyện, thị xã. Phòng Kinh tế các địa phương là đơn vị đầu mối tiếp nhận hồ sơ. Hiện nay, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, thành phố đã rất đầy đủ, cách tiếp cận của một số chuỗi lớn trên địa bàn thành phố đang đi đúng hướng. Tuy nhiên, doanh nghiệp không chỉ trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước mà cần tư duy, tham gia vào chuỗi với tư cách là nhà đầu tư thì mới hiệu quả và bền vững.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, từ ý kiến của các chuyên gia và nông dân tại tọa đàm, Sở NN&PTNT sẽ tổng hợp, tiếp thu, tham mưu thành phố sửa đổi các cơ chế, chính sách để nông nghiệp phát triển sản xuất an toàn, bền vững, hiệu quả hơn, đặc biệt đối với các nhóm hộ và HTX có tiềm lực về tài chính, quy mô sản xuất, công nghệ chế biến còn yếu...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.