(HNM) - Sau khi Luật Xử lý vi phạm hành chính và chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc có sự thay đổi, công tác cai nghiện gặp nhiều khó khăn. Để giải quyết vấn đề này, UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định về quy chế trình tự, thủ tục, thẩm quyền tổ chức cai nghiện
Điều trị bằng Methadone giúp người nghiện tái hòa nhập cộng đồng. |
Là một trong những người đầu tiên đăng ký cai nghiện tự nguyện bằng Methadone ở Trung tâm chữa bệnh Giáo dục lao động xã hội số V (thuộc Sở LĐ-TB&XH), anh Đặng Trần Quân (huyện Thường Tín) cho biết: "Sở dĩ, tôi biết được cơ sở cai nghiện này là nhờ công an và chính quyền địa phương vận động, phân tích rõ chính sách ưu tiên của thành phố đối với việc cai nghiện bằng Methadone và quy trình đăng ký chỉ 1-2 ngày, nên tôi đã đăng ký". Ông Nguyễn Văn Lưu, ở quận Thanh Xuân đưa con trai đi cai nghiện tại trung tâm này cho biết: "Được các chú công an vận động, con trai tôi đã tự nguyện xin vào Trung tâm chữa bệnh Giáo dục lao động xã hội số V cai nghiện. Các chú công an cũng đến tận nhà đưa con tôi đi. Được tận mắt chứng kiến cơ sở vật chất của trung tâm, gia đình rất yên tâm gửi gắm con mình".
Chỉ sau 3 ngày mở cửa, cơ sở điều trị tự nguyện bằng Methadone tại Trung tâm chữa bệnh Giáo dục lao động xã hội số V đã nhận được đơn đăng ký của 81 người. Sau nửa tháng, số bệnh nhân đến cai nghiện tại đây lên tới hơn 200 người. Ông Nguyễn Văn Lập, Phó Giám đốc Trung tâm chữa bệnh Giáo dục lao động xã hội số V cho biết: "Lần đầu tiên, TP Hà Nội đưa vào hoạt động một cơ sở điều trị cai nghiện bằng Methadone theo hình thức tự nguyện. Với việc đầu tư cơ sở vật chất khang trang, đón nhận được 400 người bệnh, đội ngũ y bác sĩ chuyên tâm, trang thiết bị máy móc hiện đại và chế độ dinh dưỡng phù hợp, nên bên cạnh việc cai nghiện bệnh nhân còn được học tập, rèn luyện và đào tạo nghề để dễ dàng hòa nhập với cộng đồng. Đặc biệt, thành phố hỗ trợ hoàn toàn chi phí thuốc men, sinh hoạt cho người bệnh".
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc: Mắt thấy, tai nghe Các địa phương cần đưa người nghiện và gia đình họ đến trung tâm cai nghiện tự nguyện, để họ mắt nhìn, tai nghe về thực tế cuộc sống ở đây. Đề nghị ngành LĐ-TB&XH tạo điều kiện cho các quận, huyện đến trung tâm tham quan, học tập. Cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất phục vụ quá trình cai nghiện, thành phố còn áp dụng quy trình mới trong việc hoàn tất thủ tục cho người đi cai nghiện. Theo đó, nếu quy trình của Chính phủ là 37 ngày thì quy định của thành phố rút xuống còn 13 ngày. |
Hà Nội hiện có 6 trung tâm điều trị bằng Methadone. Các cơ sở này đang thực hiện cung cấp dịch vụ tư vấn và điều trị hiệu quả cho 1.700 người nghiện chất dạng thuốc phiện. Việc điều trị bằng Methadone giúp người nghiện được điều trị an toàn, thay đổi nhận thức, giảm hành vi phạm tội, tăng thể trạng sức khỏe. Khi sử dụng thuốc, người nghiện vẫn lao động, sản xuất, sinh hoạt bình thường. Phương pháp điều trị này sẽ giúp cho người nghiện giảm cảm giác thèm, nhớ ma túy, giảm tần suất sử dụng và phục hồi chức năng thể chất. Tuy nhiên, việc điều trị bằng Methadone trên địa bàn thành phố mới áp dụng được cho khoảng 8% tổng số người nghiện đang có hồ sơ quản lý.
Xuất phát từ quan điểm tạo điều kiện thuận lợi nhất, nhằm khuyến khích những người muốn từ bỏ các chất gây nghiện, trở về với cuộc sống đời thường, TP Hà Nội đã thí điểm mô hình điều trị tự nguyện tại Trung tâm chữa bệnh Giáo dục lao động xã hội số V. Để có thể đạt mục tiêu điều trị Methadone cho 8.500 người trong năm 2015, thành phố đã lập kế hoạch mở rộng thêm 10 điểm điều trị nữa. Dự kiến, các cơ sở này sẽ đi vào hoạt động trong tháng 2-2015. Đây là hình thức cai nghiện tự nguyện và còn rất mới nên Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc yêu cầu ngành y tế, LĐ-TB&XH và Công an tiếp tục thông báo rộng rãi chủ trương của thành phố để những người có nhu cầu cai nghiện biết và đăng ký điều trị. Sau quá trình điều trị, các học viên sẽ được đào tạo nghề để tái hòa nhập cộng đồng, trở thành công dân có ích cho gia đình và xã hội…
Những đổi thay đáng kể trong công tác cai nghiện nêu trên thể hiện quyết tâm của Hà Nội, giảm dần số người nghiện ma túy, kiềm chế không để phát sinh tệ nạn ma túy.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.